Người chơi cây cảnh có cái thú ghép cây, chiết cành. Hoa đào Bắc được gắn trên thân mai Nam để tạo ra thứ không khí Tết hoà quyện cả hai miền: lạ, độc và đương nhiên là đẹp. Nhưng cái đẹp ấy không bền.
Cuộc “di dân tập thể” này rõ ràng là hướng đến tương lai tươi sáng cho cả đội bóng Hà Nội lẫn đất Sài thành đang đói V.League. Nhưng giống như hai cơ thể có quá nhiều dị biệt, sự chiết ghép giữa chúng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Sài Gòn yêu bóng đá không kém bất cứ vùng miền nào trong cả nước. Nhưng họ không yêu ồ ạt. Họ yêu có chọn lọc, và không phải vì “túng thiếu” món ăn tinh thần là bóng đá mà họ yêu bừa.
CLB Hà Nội (áo vàng) sẽ chuyển địa điểm đóng quân vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tùng Lê. |
Với người hâm mộ ở thành phố mang tên Bác, thà sống bằng hoài niệm về một thời rất xa của Hải Quan, Cảng Sài Gòn, CA TPHCM còn hơn là trân mình ra đón nhận thứ bóng đá lai căng, pha tạp của thời “bong bóng”.
Navibank SG, rồi Xuân Thành SG, đâu phải ông chủ các đội bóng ấy không đầu tư, không muốn làm mọi cách để mua những tiếng vỗ tay của khán giả sân Thống Nhất?
Họ bỏ tiền tấn ra tậu “sao” dưới mặt sân, gây tiếng vang bằng những dàn mỹ nữ trên khán đài. Nhưng rồi hai CLB đóng giữa lòng thành phố cũng chỉ mang phận ăn nhờ ở đậu, tá túc ké cái sân vận động lúc nào cũng thưa vắng bóng người.
Không loại trừ nguyên nhân Navibank hay Xuân Thành mượn bóng đá để “bôi trơn” những mục đích riêng của họ, nhưng sự chết yểu của hai cái tên này cũng đến từ việc không được người hâm mộ đón nhận và yêu mến thực lòng.
Bầu Thọ, bầu Thụy hay bầu Thủy đều không thể xoá mờ ý nghĩ của phần đông khán giả Sài thành, rằng nếu có nhớ bóng đá quá mà đến sân thì họ cũng chỉ là những người hò hét thuê cho Quân khu 4 “đội lốt” hay Xuân Thành Hà Tĩnh “trá hình”.
Vậy thì CLB Hà Nội mong đợi gì khi Nam tiến? Họ rời Thủ đô trước hết để thoát cảnh “sân sau” của Hà Nội T&T. Nói gì thì nói, dù ngồi cùng mâm, thậm chí hiện tại còn đứng cao hơn Hà Nội T&T trên bảng xếp hạng, nhưng bầu Đông vẫn chỉ là cái bóng rất mờ so với bầu Hiển.
Mà bầu Hiển, nói một cách sòng phẳng, mất một thập kỷ làm bóng đá rồi, vẫn còn đang chật vật đi chinh phục người hâm mộ. Ông làm mọi cách, từ sưu tầm danh hiệu, đào tạo trẻ một cách bài bản và nghiêm túc, nhưng những CĐV trung thành nhất của Hà Nội T&T hoá ra vẫn là lực lượng đi thuê.
CĐV “chất” và truyền thống ở đất Hà thành bây giờ vẫn đau đáu về Thể Công hay Công an Hà Nội. Họ có thể cầm cờ, bắc loa hay thổi sáo miệng cho Hà Nội T&T, nhưng để có một tình yêu máu thịt thì không.
CLB Hà Nội bởi vậy không có “cửa” gì chen chân vào lòng người hâm mộ. Họ “hô biến” tên mình thành FC Sài Gòn chỉ là để tìm đến một môi trường mới, với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, chứ không dám mộng ước sẽ thành “con ruột” ở đây.
Con ruột của bóng đá Sài Gòn là CLB TPHCM của HLV Lư Đình Tuấn, người vì tham vọng thăng hạng V.League năm sau đã từ chối lên tuyển làm trợ lý cho Hữu Thắng.
Nếu đội bóng của ông Tuấn “nhím” thành công với mục tiêu của mình thì năm sau, Sài Gòn lại… bội thực V.League. Và khi ấy, chỗ đứng nào cho đứa con hờ?
Cho đến thời điểm hiện tại, ông bầu Nguyễn Giang Đông vẫn đang hăm hở và rất tâm huyết với ý tưởng mới. Nhưng đội quân của ông, từ HLV Đức Thắng đến những trụ cột gốc Hà thành như Quốc Long, Ngọc Duy…, tuy đều hô “sẵn sàng” song cũng không khỏi bồn chồn trước cú “đổi nhà” quá ngỡ ngàng.
Bóng đá chuyên nghiệp, sang tên, đổi con dấu, thay trụ sở, kể cả “thanh lọc” nguyên một đội hình không phải là chuyện khó. Nhưng đá thế nào để có người xem, yêu mến và ủng hộ mới thực sự là bài toán nan giải với tân binh vừa lên V.League đã vội “bán tên”.