Biểu tình đòi điều tra làm rõ việc CIA thực thi các biện pháp vô nhân đạo. |
Các cơ quan tình báo Mỹ tiên đoán việc Thượng viện Mỹ tung ra báo cáo chi tiết về việc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng các đòn tra tấn tù nhân Al-Qaeda sẽ gây ra “bạo lực và giết chóc” trên khắp thế giới.
Báo cáo dày 480 trang được tóm tắt từ 6.000 trang tài liệu nghiên cứu, vốn đang được phân loại, liên quan đến những phương pháp “thẩm vấn” của CIA (dưới thời cựu Tổng thống George Bush) đối với tù nhân là những nghi can khủng bố hậu 11/9/2001.
Các cơ quan tình báo Mỹ lẫn nhiều chính phủ nước ngoài đều có cùng nhận định các tổ chức cực đoan sẽ sử dụng tài liệu này để đẩy mạnh những hoạt động “bạo lực chết người” trên khắp thế giới.
Tính mạng người Mỹ bị đe dọa
Báo New York Times dẫn một nguồn tin giấu tên trong Quốc hội Mỹ cho biết Washington yêu cầu tất cả đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới, nhất là ở khu vực Trung Đông và châu Á, cảnh giác cao độ. Những nơi này đang ráo riết xem xét cẩn thận vấn đề an ninh và cả những biện pháp ứng phó “bạo lực” bùng phát trước khi báo cáo này được công bố, dự kiến là hôm nay (9/12).
Cùng lúc, hãng tin ABC cho rằng giới chức Mỹ đang quan ngại việc công bố báo cáo này có khả năng đe dọa đến tính mạng của người Mỹ trên khắp thế giới, nhất là những công dân Mỹ đang bị các tổ chức khủng bố giam giữ. Bản báo cáo được mô tả là một tài liệu gây sốc vì có những chi tiết chưa bao giờ được công bố về các cuộc thẩm vấn bí mật của CIA đối với tù nhân Al-Qaeda.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng nếu báo cáo này được tung ra thì các nhóm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức cực đoan khác sẽ hoàn toàn chiếm lợi thế. Vô hình trung báo cáo này sẽ tạo điều kiện cho những tổ chức này có cơ hội công khai mở rộng các mối quan hệ và đẩy mạnh hoạt động bạo lực trên toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng nên tạm hoãn việc công bố báo cáo này. “Có những lãnh đạo nước ngoài, có những đối tác tình báo thân cận cho rằng báo cáo này sẽ kích động bạo lực. Thực tế tôi cũng cho rằng chuyện này sẽ khuyến khích bạo lực và có thể cướp đi mạng sống của nhiều người khác”, ông Rogers nhấn mạnh.
Đã biết từ trước
Một quan chức giấu tên trong Quốc hội Mỹ tiết lộ chính quyền Tổng thống Barack Obama đã bàn thảo các vấn đề liên quan trong bản báo cáo này từ tháng 4/2014. Nguồn tin này cho rằng cả Tổng thống Obama và giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ đều nhất trí công bố bản báo cáo trên.
Giới chức trong chính quyền Tổng thống Obama cho biết họ đã nhất trí việc công khai báo cáo này, nhưng hôm 5/12, Ngoại trưởng John Kerry đã yêu cầu người đứng đầu Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Dianne Feinstein thuộc Đảng Dân chủ, xem xét lại thời điểm công bố.
Trả lời trên báo Los Angeles Times ngay sau đó, bà Feinstein không đề cập đến ý kiến của ông Kerry nhưng khẳng định: “Chúng ta phải thoát ra khỏi báo cáo này, những biện pháp thẩm vấn khắc nghiệt của CIA đã làm xói mòn giá trị hiến pháp và xã hội mà chúng ta rất tự hào. Bất cứ ai đọc những điều diễn ra trong báo cáo này sẽ không bao giờ để nó lặp lại”.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng chất vấn về tính hiệu quả của việc “tra tấn”. Báo cáo mở lối rằng các quan chức CIA tại hiện trường thẩm vấn tù nhân có khả nằng đã lừa dối giới chức đầu não của CIA ở Mỹ.
Thậm chí, báo cáo của Thượng viện Mỹ còn quả quyết CIA đã lừa dối cả cựu Tổng thống George Bush và Nhà Trắng về bản chất, nội dung và hậu quả của chương trình thẩm vấn ở “các địa điểm đen” này.
Theo New York Times, do quan ngại chương trình sẽ gây hậu họa về sau, lúc đó một số quan chức trong chính quyền tổng thống Bush đã nói riêng với ông rằng nên chặn đứng tình trạng này. Song ông Bush đã quyết định sát cánh cùng CIA. “Chúng ta phải sát cánh cùng họ (CIA)”, CNN dẫn lời Tổng thống Bush lúc đó.
Từng bị chỉ trích
CIA và chính quyền cựu tổng thống George Bush từng đối mặt với những chỉ trích nặng nề liên quan đến “kỹ thuật thẩm vấn” có tên là “các địa điểm đen” trên toàn cầu.
Các hình thức mà CIA sử dụng tra tấn tù nhân bao gồm không cho ngủ, giam cầm ở những nơi rất hẹp, trấn nước và làm nhục.
Riêng hình thức trấn nước đã được các thẩm vấn viên của CIA sử dụng thường xuyên dù sau đó họ đưa ra kết luận rằng “không moi được thông tin nào” từ người bị tra tấn.