Chuyện về những 'samurai' thầm lặng ở Fukushima
Dù biết ở lại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong tình trạng rò rỉ phóng xạ gia tăng hiện nay giống như một án tử nhưng 180 chuyên viên vẫn đang hi sinh thầm lặng để chống lại sự tan chảy của các lò phản ứng.
>>Nhật Bản tan hoang sau động đất kinh hoàng
Các chuyên viên trong Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đeo trang phục bảo hộ. Ảnh: Dailymail. |
180 kỹ thuật viên anh hùng ấy thay phiên nhau làm việc theo ca, mỗi ca 50 người nên còn được gọi với cái tên Fukushima 50. Họ giống như những samurai thời hiện đại, đang từng phút cố gắng hết sức xử lý sự cố trong nhà máy điện hạt nhân, nơi liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ trong thời gian qua, với hi vọng mang lại sự an toàn cho cả đất nước Nhật Bản cũng như toàn thế giới.
Trong khi những đồng nghiệp khác đã được sơ tán khỏi nhà máy tới nơi an toàn thì 180 kỹ thuật viên, công nhân này ở lại. Họ đang vật lộn với nguy hiểm để đảm bảo an toàn nhất ở mức có thể cho người dân Nhật Bản. Họ là những người có tay nghề cao, hiểu nhất về hoạt động của các lò phản ứng. Đa số là những người lớn tuổi xung phong ở lại vì họ đã có vợ, có con, có cháu.
Fukushima 50 được chia thành nhiều nhóm nhỏ, làm việc theo ca, mỗi ca dài từ 10 đến 15 phút. Công việc của họ là tới các khu vực chứa máy bơm nước biển, giám sát các máy bơm, dọn dẹp các mảnh vỡ trong nhà máy, nơi có nồng độ phóng xạ rất cao. Công việc của họ càng khó khăn hơn vì các thiết bị đã bị hỏng hóc, lại thiếu điện do trận động đất và sóng thần hôm 11/3 gây ra. Chiếc đèn pin là nguồn ánh sáng duy nhất để họ nhìn đường và soi sáng các dụng cụ. Trên người họ là những món đồ bảo hộ lao động để chống lại sự xâm nhập của bụi phóng xạ.
Khói bốc ra từ một lò phản ứng của nhà máy điện. Ảnh Dailymail. |
Một thành viên trong nhóm Fukushima 50 đã nói rằng họ chấp nhận ở lại nhà máy, chống lại sự tan chảy của các lò phản ứng giống như chấp nhận một án tử hình. “Em và con hãy cố gắng sống tốt, anh không thể ở nhà một phút trong hoàn cảnh như bây giờ”, một thành viên khác dặn dò người vợ yêu dấu của mình, mà nghe như một lời chia tay. Tinh thần của người Nhật đang vùng lên mạnh mẽ trước thời khắc định mệnh của đất nước, đó là lý do vì sao cả thế giới ngưỡng mộ đất nước này.
Danh tính của những vị anh hùng thầm lặng ấy không được tiết lộ. Chỉ tới hôm qua, khi đài truyền hình quốc gia Nhật Bản phỏng vấn những người thân của họ, mọi người mới có dịp được hiểu hơn về những con người này.
Một người có bố là thành viên trong nhóm Fukushima 50 cho biết: “Bố tôi hiện vẫn đang làm việc trong nhà máy điện. Bố nói là bố chấp nhận tất cả giống như chấp nhận án tử hình”.
Một người vợ có chồng hiện đang làm việc tại nhà máy điện. Ảnh: Dailymail. |
Một người con khác nói về bố mình: “Bố tôi năm nay đã hơn 59 tuổi, chỉ còn mấy tháng nữa là sẽ nghỉ hưu. Tôi òa khóc khi hay bố tình nguyện ở lại nhà máy. Ở nhà, bố rất bình dị. Tôi không nghĩ là bố sẽ phải đảm trách một việc lớn như vậy. Tôi thương bố nhưng vô cùng tự hào về ông. Cầu mong bố sẽ trở về an toàn”.
Cô gái khác thì kể lại rằng cô chưa từng thấy mẹ mình khóc lớn như vậy khi hay tin cha tình nguyện ở lại làm việc trong nhà máy. Cô viết trên Twitter: “Những người trong nhà máy điện hạt nhân đang vật lộn, hi sinh tính mạng để bảo vệ chúng ta. Cầu mong, bố sẽ sống sót trở về!”.
Michiko Otsuki, một công nhân của nhà máy điện làm việc trong nhà máy đúng ngày xảy ra thảm họa 11/3, nay đã được sơ tán an toàn, kể lại rằng: “Hệ thống làm lạnh các lò phản ứng chính là đại dương, nhưng đại dương lại vừa bị sóng thần tàn phá. Tất cả mọi người đều cố gắng để vận hành các lò phản ứng trong tuyệt vọng. Ai ai cũng bụng trống rỗng. Những người ở lại hiện giờ còn khó khăn hơn”.
Một góc đổ nát của nhà máy điện. Ảnh Dailymail. |
Michael Friedlander (người Mỹ), một người từng phải làm việc trong tình trạng tương tự như ở Nhật hiện nay, cho rằng những "cảm tử quân" trong nhà máy điện Fukushima 1 đang thể hiện sự tận tâm với tổ quốc bằng cách làm hết sức mình để đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng, cho dù nguy hiểm đến cả tính mạng. Họ xứng đáng được tôn vinh như những người hùng.
đỗ quyên
Tổng hợp/Bưu Điện Việt Nam