Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện về những học viên đầu tiên của Trung tâm Đào tạo VinFast

Bỏ lại cánh cửa đại học rộng mở, nhiều bạn trẻ theo học Trung tâm Đào tạo VinFast để thỏa đam mê góp sức sản xuất ra những chiếc ôtô thương hiệu Việt.

Một cô gái quyết định không học y, một chàng trai bỏ học bổng ngành công nghệ thông tin của trường đại học kỹ thuật top đầu để thi vào Trung tâm Đào tạo VinFast. Điều gì đã khiến họ muốn trở thành một công nhân hơn là cử nhân?

Bỏ trường y, thi trường nghề

Hai năm trước, khi cả họ chuẩn bị ăn mừng vì lần đầu tiên có cô cháu gái đỗ trường y, Bích Diệp lại khiến tất cả bất ngờ với quyết định sẽ học tại Trung tâm Đào tạo VinFast. “Người ta mơ vào trường y còn không được, đằng này tôi lại bỏ bác sĩ đi làm kỹ thuật viên ôtô. Mọi người đều nói thế và cho rằng tôi bị khùng”, Diệp nhớ lại.

Nữ sinh có niềm đam mê với kỹ thuật - công nghệ chia sẻ, khi cô bước vào lớp 12 cũng là lúc dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất ôtô - xe máy điện VinFast được khởi công. Vì là người Hải Phòng nên Diệp được tận mắt chứng kiến sự hình thành, phát triển của VinFast từ con số 0 trên bãi sình lầy đến một cơ ngơi lớn.

Trải qua kỳ sát hạch với 3 vòng khó không kém thi đại học với tỷ lệ một chọi 10, Diệp chính thức được đặt chân đến nơi sản xuất ra những chiếc ôtô đầu tiên mang thương hiệu Việt.

“Ông James Deluca, Tổng giám đốc VinFast trước đây, từng là Phó chủ tịch hãng General Motors của Mỹ, hơn 40 năm trước cũng xuất thân từ một người học nghề. Học nghề ra đâu phải chỉ để làm thợ, mà có thể trở thành các chuyên gia, thậm chí là nhà quản lý”, Diệp nhắc lại câu chuyện cô đã kể để thuyết phục bố mẹ.

VinFast anh 1

Học viên khóa I Nguyễn Thị Bích Diệp thực hành điều khiển vòng kín hệ thống gia nhiệt trong phòng lab tại Trung tâm Đào tạo VinFast.

Giống như Diệp, Tú Tài - học viên khóa I ngành cơ điện tử cũng là một trường hợp khá đặc biệt. Chàng trai gốc Ninh Bình tự nhận “cuộc đời đã rẽ từ Hà Nội sang Hải Phòng” khi cậu bỏ học bổng ngành CNTT của một trường kỹ thuật top đầu để gia nhập Trung tâm Đào tạo VinFast.

Từ nhỏ đã yêu thích máy móc, năm lớp 11 từng đạt giải nhì cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình”, chàng trai sinh năm 2000 không mất quá nhiều thời gian cho quyết định theo đuổi ước mơ tạo ra những chiếc ôtô của người Việt.

“Chương trình đào tạo được thiết kế bài bản, lộ trình rõ ràng, có cam kết đầu ra. Đặc biệt, trung tâm còn được bảo chứng bởi thương hiệu Vingroup và đối tác là Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức”, Tài chia sẻ.

“Lột xác” nhờ chương trình đào tạo chuẩn Đức

Nếu không quen biết Diệp và Tài từ trước, khó có thể nhận ra họ khi xuống xưởng. Sự tự tin và thành thục của những học viên mới 20 tuổi khiến nhiều người lầm tưởng các em là những kỹ thuật viên thực thụ.

“Đây là hệ thống cẩu, băng chuyền và các bể sơn mà nhà thầu Saelim của Hàn Quốc đang chuyển giao cho VinFast. Tôi là người được tham gia vào quá trình nhận chuyển giao. Khi xưởng xe buýt điện eBus này đi vào hoạt động, tôi có thể vận hành nó”, Tài vừa đọc vanh vách tên từng chi tiết của hệ thống, vừa nhấn nút điều khiển một cách thuần thục.

VinFast anh 2

Đỗ Tú Tài (giữa) nhận học bổng "Top 1 ngành cơ điện tử" trong buổi tổng kết giai đoạn I - khóa I.

Trong khi đó, ở xưởng thân vỏ, Diệp đang cùng các học viên khác thực hành giám sát hoạt động của hệ thống robot hàn thân vỏ cho những chiếc ôtô dòng Lux A2.0. “Ngay trong quá trình học, chúng tôi được thực hành với những thiết bị hiện đại được cung cấp bởi các thương hiệu lớn của Đức như DMG, Bosch Rexroth, Chistiani, ABB, Siemens, Festo… Nên khi xuống xưởng không có gì làm khó được tôi”, kỹ thuật viên tương lai của VinFast chia sẻ.

Đánh giá về những học viên của khóa đào tạo đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VinFast cho biết chỉ sau 2 năm, các em đã thực sự “lột xác” cả về nhận thức và kỹ năng.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Đông từng có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo đại học trước khi chuyển sang VinFast. Ông cho rằng ngoài niềm đam mê kỹ thuật và tố chất tự học, chương trình đào tạo chuẩn Đức góp phần không nhỏ vào sự chuyển biến của các học viên.

Nội dung của khóa học được xây dựng theo mô hình đào tạo nghề song hành của Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK). Đây là một trong các chương trình đào tạo nghề lĩnh vực cơ điện tử, cơ khí công nghiệp tiên tiến nhất hiện nay với tỷ lệ lý thuyết - thực hành là 30% - 70%.

“Dựa trên kết quả đánh giá trong suốt khóa học và các đợt thực tập, hỗ trợ các dự án chế tạo thử nghiệm, chúng tôi tự tin các em sẽ có đầy đủ năng lực tham gia vào hệ thống sản xuất như nhà máy sản xuất ôtô của VinFast, ông Đông đánh giá.

Vị giám đốc này cũng cho biết, sau 2 năm đồng hành cùng DIHK, VinFast đã tiếp nhận và làm chủ được cách thức triển khai mô hình đào tạo song hành. Đồng thời, trung tâm đã kiểm soát được chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu năng lực nghề nghiệp các vị trí công việc của các xưởng sản xuất và dịch vụ. Vì vậy từ năm này, VinFast triển khai nhân rộng và chuyển giao mô hình đào tạo song hành, kết hợp với các trường cao đẳng trên cả nước.

“Với mô hình đào tạo liên kết với các trường cao đẳng, học viên sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành của trường và chứng chỉ kỹ thuật viên của VinFast. Đồng thời, trung tâm được VinFast hỗ trợ một phần chi phí đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp”, ông Đông cho hay.

Từ năm học 2020-2021, VinFast hợp tác đào tạo cao đẳng chuyên ngành Cơ điện tử và Kỹ thuật ôtô với 5 trường cao đẳng là CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ Công nghiệp Huế, CĐ Công nghệ Hà Tĩnh và CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM). Chỉ tiêu tuyển sinh khóa đầu trên toàn quốc là 150 học viên, khai giảng tháng 9.

Sau giai đoạn I (không quá 15 tháng) tại trường CĐ, học viên đạt tiêu chí chuyển tiếp giai đoạn 2 sẽ được đào tạo tập trung tại Trung tâm Đào tạo VinFast (Hải Phòng). VinFast sẽ hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm sức khỏe và kinh phí đào tạo của học viên trong giai đoạn 2.

Thái Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm