Chuyện về nhà máy in tiền đầu tiên ở Việt Nam
Những “tờ bạc tài chính cụ Hồ” mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã được phát hành tại đồn điền Chi Nê (Hòa Bình).
Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946-1947) nay xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử, được Bộ Văn hóa, thể thao và du dịch xếp hạng cấp quốc gia năm 2007.
“Tờ bạc cụ Hồ” của chính quyền non trẻ
Theo các tài liệu ghi chép tại khu di tích nhà máy in tiền (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), tháng 9/1945, Việt Nam giành được độc lập nhưng lâm vào tình thế khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng trong khi không chiếm được nhà băng Đông Dương, chưa có điều kiện phát hành tiền tệ. Vì vậy, tài chính của đất nước gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi ngân quỹ ít, quân Tưởng ở miền Bắc đã tung tiền “quan kim” để cạnh tranh với đồng tiền Đông Dương và phá hoại nền kinh tế của ta. Mặc dù chính quyền cách mạng của ta đã kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất và ủng hộ cho “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”… nhưng phía Pháp luôn tìm cách phá hoại, gây khó khăn cho ta về tài chính.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ tích cực chuẩn bị để nhanh chóng phát hành đồng tiền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để giải quyết vấn đề lâu dài.
Hình ảnh nhà máy in tiền đầu tiên tại đồn điền Chi Nê chụp từ máy bay. |
Tháng 10/1945 Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch đã quyết định giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng bộ Tài chính chỉ đạo, điều hành toàn bộ việc chuẩn bị, in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngay sau khi thành lập, mọi việc tổ chức sản xuất được tiến hành rất khẩn trương và bí mật. Tuy nhiên, công tác này gặp phải khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật cần dùng cho việc sản xuất đồng tiền Việt Nam. Các phương tiện như: xưởng in, máy in, giấy in chuyên dụng, mực in, mẫu tiền, vật liệu, cán bộ, công nhân kỹ thuật... đều chưa có.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là nhà in Viễn Đông và nhà in Tô-panh. Nhưng tại thời điểm này, cả hai nhà máy in đề do quân Tưởng và Pháp đang chiếm đóng, không thể sử dụng.
Tình thế đó, Bộ Tài chính đã trưng dụng một số nhà in tư nhân và lập tổ họa sĩ để vẽ mẫu tờ bạc để in thử các loại mệnh giá 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 100 đồng. Việc in tiền bắt đầu từ việc in nhỏ lẻ nên nếu cứ kéo dài tình trạng in tiền nhỏ, lẻ thì việc in bạc không kịp phục vụ yêu cầu phát hành ngay theo chủ trơng của Chính phủ.
Cuối cùng, Bộ Tài chính quyết định nhờ ông Đỗ Đình Thiện (1904-1972, nhà tư sản Việt Nam yêu nước) đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp (vì người Pháp không chịu bán) và hiến cho Chính phủ Việt để lập nhà in tiền.
Từ đó việc in tiền được thực hiện suốt cả ngày và đêm. Địa điểm nơi nhà in tiền Tô-panh đóng, sau này là cửa hàng bách hoá số 5 đường Nam Bộ (đường Lê Duẩn ngày nay). Từ đây, Chính phủ Việt Nam có nhà in riêng, được tổ chức lại đàng hoàng để ngày đêm in bạc. Để che mắt địch và bọn phản cách mạng tìm cách phá rối, nhà in được mang tên là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục.
Tờ giấy bạc 100 đồng (tờ bạc con trâu xanh) đầu tiên của Việt Nam được sản xuất tại nhà máy in tiền đóng ở Chi Nê. |
Ngày 3/2/1946, tức mùng 2 Tết năm Bính Tuất, theo chủ trương của Chính phủ, đồng tiền (giấy bạc) Việt Nam được tung ra ở hầu hết khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ, và được nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh.
Những đồng tiền đầu tiên của ta, về hình thức chưa thật đẹp, giấy in chưa tốt nhưng được nhân dân ta chấp nhận vì đồng tiền đó đại diện cho nền độc lập, tự do của tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia và trên đồng tiền mới có in hình chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân đã tự nguyện mang đồng tiền của Ngân hàng Đông Dương ra đổi.
“Tờ bạc tài chính Cụ Hồ” ra đời có sứ mệnh lịch sử là góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành một lợi khí để đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp của nhân dân ta.
Chi Nê - từ đồn điền thành nhà máy in tiền
Năm 1946, cơ sở nhà máy in tiền Tô-panh bị lộ, quân Pháp và Tưởng thường xuyên khiêu khích, phá hoạt, bắn giết công nhân tại đây. Tình thế đó, Bộ Tài chính quyết định sơ tán một bộ phận của nhà in lên đồn điển Chi Nê (xã Cố Nghĩa, vùng Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình).
Đồn điền Chi Nê được xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng 7.331 ha. Tại đây, chủ đồn điền Bô-Ren (người Pháp) đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò. Năm 1943, Bô-Ren bán lại đồn điền cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá hai nghìn lượng vàng.
Khu lưu niệm nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng. |
Khi chọn vị trí này, Bộ Tư lệnh chiến khu II đã khảo sát khá kỹ và được chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý bởi đồn điền Chi Nê có vị trí chiến lược. Thời bấy giờ, từ Chi Nê có thể xuyên tuyến đường 21 (nay là chặng đường đầu của đường Hồ Chí Minh đi qua) vào Thanh Hoá; hoặc ngược lên Tây Bắc.
Về kinh tế Đồn điền lúc đó trù phú và dồi dào lương thực, thực phẩm. Theo ông Bảng (một trong những người quản lý lúc đó) thì cà phê của đồn điền tươi tốt bạt ngàn, mùa nào cũng bội thu, 3 kho thóc lớn đầy ắp. Đồn điền còn có tới 2.000 con bò sữa, 2.000 con dê…
Sau khi hoàn tất công tác di chuyển, nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê chính thức đi vào hoạt động.
Tuy đồng tiền Việt Nam mới được phát hành ở Nam Trung bộ nhưng tác dụng và ảnh hưởng của nó lại lan rộng trong cả nước, qua việc thu đổi khi phát hành ta đã tập trung được một khối lượng lớn tiền Ngân hàng Đông Dương để đưa vào tiêu dùng ở Nam bộ và Bắc bộ.
Đến tháng 8/1946 đồng tiền Việt Nam được chính thức phát hành ở Bắc Trung bộ. Và đến trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng tiền Việt Nam đã căn bản thay thế đồng tiền Ngân hàng Đông Dương trên thị trường tự do của ta.
Tháng 11/1946, tình hình căng thẳng hơn, quân Pháp ngang nhiên lấn chiếm, gây ra các cuộc khiêu khích ở Hà Nội. Cuộc đụng độ giữa quân ta và quân Pháp đã xảy ra nhiều vụ đổ máu, nguy cơ một cuộc chiến tranh đã gần kề.
Hình ảnh đồng tiền Việt bằng vàng dùng làm bản vị tiền Việt Nam. |
Trước âm mưu đó, để bảo vệ an toàn cho việc in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc còn lại ở Hà Nội lên Cố Nghĩa - Chi Nê.
Một lần nữa gia đình ông Đỗ Đình Thiện lại đón đoàn cán bộ, công nhân viên của nhà máy in tiền Tô - panh về ở và làm việc tại đồn điền của mình. Tại đây, gia đình ông đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Và tại đây, tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ được ra đời là tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh" vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh, kịp thời phục vụ nhu cầu kháng chiến.
Ở nhà máy in tiền Chi Nê, công nhân làm việc chủ yếu từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Mặc dù làm đêm vất vả, mệt nhọc nhưng với tinh thần yêu nước, anh chị em công nhân dốc toàn tâm lực, tạo được "dòng máu" cung cấp đều đặn cho chiến trường, cho mọi nhu cầu kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 31/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ cộng hoà họp kỳ thứ hai, quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu hồi, đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng.
Góc làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm và làm việc ở đồn điền Chi Nê. |
Việc phát hành các loại tiền này do Bộ Tài chính phụ trách, trên đồng tiền có in dòng chữ "giấy bạc tài chính" nên sau này nhân dân ta quen gọi là "giấy bạc tài chính".
Nhân dân ta rất phấn khởi khi Chính phủ cho đổi tiền Đông Dương lấy tiền Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân ở các vùng tự do đã đổi toàn bộ tiền Đông Dương lấy tiền Việt Nam.
Chính phủ ta cho phép đổi 1 đồng Đông Dương lấy 1 đồng Việt Nam. Việc làm đó thể hiện sự tín nhiệm của nhân dân với đồng tiền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sự không tín nhiệm của nhân dân đối với tiền Đông Dương.
Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và ở lại làm việc.
Ngày 21/2/1947, trong chuyến về thăm Lạc Thủy, Bác nói: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”.
Đến nay, một phần khu di tích nhà máy in tiền đã bị thay đổi và xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền.
Theo bà Đinh Thị Bình, Phó ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), tổng diện tích công trình là 15,5 ha với tổng mức đầu tư trên 270 tỷ đồng, tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn một tổng mức đầu tư khoảng 61 tỷ đồng, giai đoạn hai tỉnh chủ trương đầu tư khoảng 210 tỷ đồng.
Đến nay, cơ bản đã hoàn thành giai đoạn I Khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh và sẵn sàng đón khách đến tham quan, tìm hiểu.
Theo VTC