Tuyết Mai (bìa trái) nhận danh hiệu Quả bóng đồng Việt Nam năm 2008. |
Chia tay sân cỏ năm 2009, cựu tiền đạo từng 2 lần vô địch SEA Games cùng đội tuyển nữ Việt Nam không tránh khỏi những âu lo về tương lai của cô, nhất là chuyện lập gia đình.
Tuyết Mai tâm sự: “Con gái ai cũng thích mình đẹp nhưng anh nhìn chúng em thì biết, chân thì to, da thì đen, nhiều khi đi ra ngoài cứ cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ khi đối diện với người khác giới”.
Để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê bóng đá, Tuyết Mai theo học Đại học TDTT Từ Sơn và làm thêm công việc biên tập viên thể thao tại một kênh truyền hình. Đây cũng chính là nơi cựu tuyển thủ của đội tuyển nữ Việt Nam tìm thấy một nửa của cô.
Tuyết Mai vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu rung động vì ông xã: “Anh ấy sinh năm 81, công tác ở đài trước em vài năm. Năm 2011, em mới vào còn chưa quen việc. Có lần chuẩn bị lên hình sực nhớ ra là mình chưa ăn gì, than đói với mọi người xung quanh. Một lúc sau, thấy anh ấy mang lên cho một cái bánh mì và hộp sữa. Lúc đó, em cảm thấy rất xúc động vì đã lâu rồi chẳng ai quan tâm đến mình như vậy”.
Tuyết Mai cùng ông xã Thanh Đông. |
Chồng của Tuyết Mai, anh Nguyễn Thanh Đông tâm sự: “Thú thật là tôi không thích bóng đá. Ngay cả những trận đấu hấp dẫn ở World Cup hay Champions League, giải Ngoại hạng… nếu cần thì sáng hôm sau xem kết quả là được rồi. Ấy thế mà trời xui đất khiến thế nào tôi lại quen, yêu và giờ thì có vợ là cầu thủ. Đúng là luật bù trừ”.
Thế nên, tuy Tuyết Mai là nữ cầu thủ nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam nhưng anh Thanh Đông hoàn toàn mù tịt về bà xã tương lai. Chỉ đến khi theo người nữ đồng nghiệp ra sân thăm đội bóng cũ Hà Nội 1của Tuyết Mai, anh Đông mới bắt đầu quan tâm tìm hiểu về bóng đá nữ.
Ông xã của Tuyết Mai tiếp mạch tâm sự: “Hôm ấy ra sân, thú thật là nếu họ không nói chuyện, cười đùa với nhau, tôi chẳng thể nhận ra họ là nữ. Ai cũng tướng mạo như đàn ông, tóc ngắn, da đen, rắn rỏi, chân tay thì to hơn cả mình.... Trời nắng, nhưng họ vẫn mặc áo dài tay và bôi kem chống nắng đến trắng cả mặt, trông như những bộ tộc châu Phi”.
“Tôi đố anh tìm được một vận động viên không thích uống nước đá. Có cầu thủ nữ nào làm tóc xoăn? Bao nhiêu người không biết “xòe quạt”, lại còn thỉnh thoảng uống bia và phì phèo điếu thuốc lá nữa…”.
Tuyết Mai (thứ 3 từ trái sang) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Đại học TDTT Từ Sơn. |
Song cũng từ ấn tượng đầu tiên ấy, anh Thanh Đông bắt đầu thấy “ngấm” và cảm phục sự hy sinh của những cô gái đá bóng. Ngoài chuyện đối mặt với muôn vàn vất vả, khó khăn để theo nghiệp thể thao, tương lai của những cô gái đá bóng lúc nào cũng bấp bênh khi hết phong độ, nghỉ thi đấu.
“Đấy là lúc ánh hào quang quá khứ nhanh chóng lụi tàn và họ phải đối diện với bài toán cơm áo gạo tiền như bao con người bình thường khác trong xã hội”, ông xã của cựu tuyển thủ Tuyết Mai nhận xét về cái nghề mà cũng là chính cuộc sống của vợ mình.
Sau khi chia tay sân cỏ, cuộc sống của Tuyết Mai cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Không còn chế độ cũng chẳng thuộc biên chế nào, cô gái lúc đó mới chỉ 26-27 tuổi không tránh khỏi hoang mang về tương lai. Nhưng nếu có điều gì ý nghĩa nhất mà những tháng ngày tập luyện gian khổ mang lại cho Tuyết Mai thì đó chính là ý chí không lùi bước, giống như khi cô đối mặt với hàng phòng ngự đối phương.
Cô gái trẻ quyết định vay mượn thêm từ gia đình và bạn bè để kinh doanh cửa hàng karaoke song song với việc kiên trì theo đuổi việc học hành và năng động nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp khác gắn bó với thể thao.
Điều đó càng khiến ông xã Thanh Đông thêm khâm phục và chắc chắn hơn với quyết định lựa chọn một nửa cuộc đời của mình. Một chuyện tình đẹp như tranh vẽ, một cuộc hôn nhân hạnh phúc và kết quả là một bé trai kháu khỉnh đã ra đời. Trong giới cầu thủ nữ, ai cũng tôn trọng Tuyết Mai với tư cách một người chị và xem cô là tấm gương để phấn đấu.
Thế thì ai bảo các cầu thủ nữ không có quyền ước mơ và gạt sang một bên sự mặc cảm để tìm kiếm hạnh phúc của họ giống như những người con gái bình thường khác!