Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện tình giữa rừng taiga huyền bí

Chuyện tình giữa rừng taiga cóng lạnh cùng cuộc sống săn bắn và những món ăn xứ Siberia trong cuốn sách của Mashimesa Emoto mang đến những trải nghiệm thú vị.

Rừng Taiga là cuốn tiểu thuyết giả tưởng, lấy bối cảnh về cuộc sống đời thường ở ngôi làng sống bằng nghề săn bắn Aososhi tại vùng lạnh giá của nước Nga. Cốt truyện xoay quanh câu chuyện tình nhẹ nhàng, giản dị nhưng tràn đầy hơi ấm tình người và sự đồng cảm, sẻ chia của hai con người xa lạ đến với nhau vì hoàn cảnh xô đẩy.

Nàng là Olga “mãnh hổ” rừng xanh với tài săn bắn xuất chúng sống một mình sau khi người cha qua đời. Chàng là cậu thiếu niên Mikhail 17 tuổi mang dòng máu Sa hoàng nhưng từ chối tiếp quản đất nước. Trong khi bị đuổi bắt và giết hại, chàng thiếu niên lạc vào rừng taiga. Milkhail được Olga cứu giúp, hai người trở thành vợ chồng hờ để giúp Olga tránh khỏi lời cầu hôn của vị tù trưởng bộ tộc du mục.

Chuyen tinh xu Siberia anh 1
Sách Rừng Taiga.

Cuộc sống của hai người diễn ra bình dị giữa khu rừng lá kim phủ đầy tuyết, hoang dã và nhiều thú dữ nhưng cũng ẩn chứa vẻ quyến rũ, hấp dẫn riêng và mang đến cuộc sống ấm no cho những người thợ săn tài ba.

Cả hai sống bên nhau không phải vì tình yêu nhưng cũng không có toan tính lợi ích, họ ở bên nhau như sự sắp đặt của định mệnh, phản ánh một quy luật tất yếu của tạo hóa, rằng: Chỉ khi có tình yêu thương, sự đồng cảm, hy sinh thì mỗi người mới sống cuộc sống đúng nghĩa; nếu không đó chỉ là sự sinh tồn.

Ở cuốn tiểu thuyết này, người đọc được hiểu thêm về cuộc sống săn bắn và những đặc trưng văn hóa các bộ tộc vùng viễn đông của Siberia. Trong đó, mỗi ngôi làng trong vùng chỉ kiếm sống bằng duy nhất một nghề có từ lâu đời và mỗi tháng một lần, người dân các làng cạnh nhau sẽ tụ tập về chợ trao đổi nhu yếu phẩm cho nhau.

“Những ngôi làng bên cạnh họ như làng Midoriboshi lại phát triển về nông nghiệp hay làng Akaboshi lại mạnh về làm bánh và cây ăn quả. Làng Akabochi lại chủ yếu tập hợp những người ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá bên hồ Mikazuki và cuối cùng là làng Kuroboshi, ngôi làng lớn nhất vùng thì giỏi về chăn nuôi”.

Chuyen tinh xu Siberia anh 2
Một cuộc đua trong lễ hội tuần lộc ở xứ Siberia. 

Các món ăn mang đậm nét Đông Âu của người Nga cũng là điểm thú vị của cuốn sách. Điển hình là món súp truyền thống Shchi được biết đến từ thế kỷ thứ 9 của xứ sở Bạch Dương. Lối miêu tả từng bước thực hiện món ăn làm nổi bật đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực Đông Âu.

“Trước hết, cậu đặt niêu đất lên bếp, đổ nước vào và đun sôi. Tiếp theo, cậu bỏ thêm thịt hươu và xào qua vào niêu đất, bỏ thêm chút giấm rồi nấu lên. Rồi cậu lấy bắp cải muối, khoai tây xào, hành tây, cà chua, nấm muối cho vào niêu đất, bỏ thêm một ít bơ. Khi nồi súp sôi sùng sục, cậu nêm thêm chút muối, tiêu”.

Ngoài ra, người đọc dễ nhận thấy sự tiếp giáp địa lý giữa xứ Siberia với các dân tộc khác như Trung Quốc, Mông Cổ. Điều này thể hiện qua các món ăn đậm nét Á Đông của những bộ lạc du mục người Mãn Châu, Nữ Chân. Hay những con cá của sông Amur, những cốc rượu vodka ấm nóng. Tất cả mở ra trước mắt người đọc một miền đất mới mẻ với nền văn hóa, con người và những món ăn kỳ lạ nhưng đầy hấp dẫn.



Phan Phan

Bạn có thể quan tâm