Sách Chuyện tình triết gia của tác giả người Mỹ Andrew Shaffer (Đỗ Tư Nghĩa dịch, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và NXB Lao động liên kết phát hành) giúp độc giả khám phá phần nào góc khuất đời tư và đời sống tình cảm của những nhà văn lớn.
Thông qua giọng văn dí dỏm, hài hước, có phần giễu nhại của Andrew Shaffer, độc giả sẽ cảm nhận chuyện tình của các đại văn hào quả thật rất phong phú, nhưng cũng kỳ quặc, bởi những suy niệm và hành động chẳng giống ai.
Lev Tolstoy và Sophie Andreyevna Behrs. Nguồn: Tolstoymuseum. |
Lev Tolstoy tiết lộ toàn bộ thế giới của mình ngay trong đêm tân hôn
Mối quan hệ tình cảm đầu tiên của Lev Tolstoy (1828-1910) là với nữ nông nô 23 tuổi tên Aksinya Alexandrovna Nazykia.
Tolstoy lúc bấy giờ ở độ tuổi 20, viết rằng ông “đang yêu như chưa từng yêu trước đó”. Tuy nhiên, hôn nhân giữa chủ nô và nông nô không phải hợp pháp trong xã hội nước Nga lúc đó.
Năm 1862, khi Tolstoy 34 tuổi, 3 chị em gái lọt vào mắt xanh ông. Người ban đầu ông định lựa chọn làm vợ là cô em út, Tatyana. Thế nhưng người mẹ lại không chịu gả cô gái 16 tuổi này cho Tolstoy mà muốn Liza - chị cả - kết hôn trước. Nhưng Tolstoy không ấn tượng với Liza. Ông viết: “Nàng sẽ bất hạnh nếu là vợ tôi”.
Cuối cùng, Tolstoy đi đến một thỏa hiệp kỳ lạ. Ông cầu hôn cô giữa, Sophia Andreevna Berhrs. Vào ngày cưới, Tolstoy cho cô dâu xem những cuốn nhật ký, tiết lộ thế giơi của ông: Sự lang chạ, bệnh giang mai và những ý tưởng về tình dục đồng tính…
Những năm sau đó, Sophia viết: “Tôi nghĩ rằng không bao giờ tôi hồi phục được sau cú sốc khi phải đọc cuốn nhật ký đó ngay trong ngày cưới... Tôi vẫn có thể nhớ lại những cảm giác đau đớn vì ghen”. Sophia đã khóc suốt đêm đó, kể cả trong lễ cưới.
Sau này, Sophia giúp đỡ Lev Tolstoy rất nhiều trong sự nghiệp văn chương, nhưng cuộc hôn nhân của họ cũng không mấy thuận hòa. Họ có với nhau 13 đứa con, 8 người sống sót qua tuổi thơ.
Trước khi mất, Tolstoy đã để lại mấy dòng cho người vợ đã đầu gối tay ấp với mình trong 48 năm: “Anh yêu và thương xót với tất cả trái tim anh, nhưng anh không thể làm khác được”. Còn Sophia nói với ông: “Em chưa bao giờ yêu ai ngoài anh”.
Goethe và cái mác trai tứ tuần vẫn còn tân
Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) là một trong những nhà lãng mạn chủ nghĩa đầu tiên của Đức biến sự đau khổ thành một hình thức nghệ thuật. Ông có một loạt cú sét ái tình với những người mà ông không bao giờ vươn tới được.
Khi 15 tuổi, ông phải lòng một trong những cô bạn học cùng lớp, nhưng nàng lại xem ông như đứa trẻ. Bước sang tuổi trưởng thành, Goethe yêu điên cuồng người bạn nữ của mình, Charlotte von Stein (trong tác phẩm Nỗi đau của chàng Werther, nhân vật nữ Charlotte lấy nguyên mẫu từ bà này).
Không có dấu hiệu nào cho thấy Charlotte đáp lại tình cảm của ông. Nàng đã kết hôn và có bảy đứa con. Nàng chấp nhận tình bạn của ông, nhưng lịch sự từ chối lời mời gọi của ông trong suốt 12 năm.
Người phụ nữ đầu tiên thực sự đáp trả tình yêu của Goethe là Christiane Vulpius. Cô là thợ làm hoa giả, thuộc tầng lớp bình dân. Giới quý tộc và bạn bè của Goethe coi thường Christiane.
Ở tuổi 39, Goethe qua lại với nàng và suýt phải chịu hứng nỗi ngượng ngùng của cái mác trai tứ tuần vẫn còn tân. Họ sống với nhau như vợ chồng, có vài người con, và cuối cùng kết hôn năm 1806.
Chân dung nhà văn Johann Wolfgang von Goethe. |
Jean-Paul Sartre và câu chuyện phong lưu
Jean-Paul Sartre (1905-1980) khó có thể là ứng viên cho một “Don Juan trong giới văn chương” như ông thích tự gọi mình. Cô gái đầu tiên Sartre si mê thuở còn đi học đã cự tuyệt và gọi ông là “gã ngốc đầu to, mắt lé”.
Năm 18 tuổi, Sartre quan hệ với một phụ nữ có chồng, lớn hơn tuổi mình. Năm 23 tuổi, ông yêu Germaine Marron và đã cầu hôn cô.
Ban đầu, cha mẹ cô đồng ý nhưng họ hủy hôn vì Sartre trượt kỳ thi sư phạm vào mùa hè năm 1928. Thực ra, Sartre đã không hành động “đúng” trong thời kỳ đính hôn khi đi lại với Simone Jolliet, một nữ kịch gia kiêm diễn viên.
Năm 1929, Sartre gặp Simone de Beauvoir và họ trở thành một cặp. Mặc dù giữa hai người có mối quan hệ gắn bó lâu bền, họ không cưới và không sống chung với nhau trong một mái nhà. Họ cũng không có con với nhau. Chính bản chất mở của mối quan hệ giữa Sartre và Beauvoir đã cho ông phép tự do lang chạ tùy thích.
Sartre thường hẹn hò cùng lúc nhiều phụ nữ khác nhau, sắp xếp cho họ lịch gặp gỡ riêng trong thời gian biểu bận rộn của mình.
Nhà văn, triết gia Jean-Paul Sartre. Ảnh: Getty. |
Những người phụ nữ của Sartre đều sống gần ông, chỉ cần mươi phút là gặp được. Họ hiếm khi thấy nhau và không ai trong số đó biết sự thật về ông.
Sartre tiếp tục trải nghiệm giấc mộng phong lưu của mình cho đến cuối đời. Năm 1974, ông đã mù và rụng hết răng. Sartre nói với một trong những bạn gái của ông rằng không kể Beauvoir và cô bạn Sylvie Le Bon, “hiện tại tôi đang đi lại với chín phụ nữ”.