Nàng Alice không chỉ viết về mối tình có thật giữa chàng du học sinh Cuba và cô sinh viên bản địa, mà còn là mối ân tình Alex (Đặng Văn Dũng) muốn đáp trả phần nào đó cho con người, đất nước Cuba.
Trình làng văn khi đã ở tuổi lục tuần, Thiếu tướng Đặng Văn Dũng là một cây bút mới mang trong mình lối văn phong trẻ trung, đầy phóng khoáng nhưng rất đỗi dung dị giữa đời thường.
Giữa những năm tháng thế giới đang chìm trong cuộc chiến tranh lạnh, chàng trai bước ra từ vùng quê chân đất, “xỏ chân vào giày” đến với phương trời Tây, gặp Alice - một cô gái Cuba xinh đẹp, người đã dạy cho anh biết thế nào là yêu.
Sách Nàng Alice. Ảnh: Huế Trần. |
Hồi ức về tình yêu qua con mắt của kẻ si tình
40 chương của sách kể về mối tình không vướng bận, chỉ có hai trái tim hướng về nhau, một của cô gái Tây 17, một của anh chàng Á Đông đôi mươi.
Từ chân đất lấm bùn, chàng trai đến Cuba học tập, lấy tên Alex, và nhanh chóng rơi vào một thế giới phồn hoa, nơi mà anh sẵn sàng rong ruổi cùng cô nàng Cuba, ngồi vào lòng nhau như thể những điều cấm kị của xã hội phương Đông bấy giờ đã tạm rơi vào quên lãng. Chàng trai thôn quê ngờ nghệch phải thốt lên: “Alice là tiên nữ trên trời xuống trần gian để dạy người ta biết cách yêu”.
Những năm tháng của thập niên 70, tình yêu bị gò ép trong khuôn khổ dọc, ngang bốn bề. Không cầu kỳ hoa mỹ bằng những câu chuyện to tát, chuyện của Alex hấp dẫn người đọc bởi những tình tiết yêu đương dí dỏm, đời thường của hai con người đến từ hai nền văn hóa khác biệt.
Thuyết phục người đọc bằng đúng tính chất của một tác phẩm văn chương, Nàng Alice là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Nửa thập kỷ họ bên nhau là tình cảm trong ngần nhưng cũng đầy mãnh liệt, như cái cách mà cô gái Cuba nóng bỏng ấy sà vào lòng chàng thanh niên Việt mà cô để ý ngay từ lần chạm mặt đầu tiên tại ký túc xá sinh viên.
Hình bóng yêu kiều với eo lưng thắt nhỏ và vòng ba nẩy nở làm say đắm ánh mắt kẻ si tình Alex. Anh chàng bước vào thế giới của tình yêu trong sự ngợp thở, mãnh liệt của tuổi trẻ.
"Anh đừng viết thư cho em nữa!"
Ngoài tình yêu, tập truyện còn nói đến khát vọng: Khát vọng về một thế giới hòa bình. Nghe tin Alex có ý định về nước vì chiến tranh biên giới 1979, Alice “nằng nặc” đòi học cấp tốc một lớp y tá để có cớ theo chàng về Việt Nam tham gia chiến sự.
Điểm nhấn của yếu tố thời đại được thể hiện qua lời thơ mở đầu các chương, trích từ những bản hòa ca của thời kỳ bùng nổ âm nhạc Mỹ Latinh những năm 60-70, hay vụ mở cửa nhà tù và cảng Mariel... Chân đi ủng, tay chặt mía cùng nhân dân Cuba, nên tác giả Alex thấu hiểu và lột tả rõ trong trang truyện của mình.
Tác giả Đặng Văn Dũng. Ảnh: FBNV. |
Tình yêu giữa chàng trai Việt và cô nữ sinh Cuba cũng đặt một dấu nối cho sự xung đột và giao thoa của hai nền văn hóa, dù rằng bên phải và bên trái của dấu gạch nối ấy là hai vế không cân: Một bên là sự rụt rè, e sợ; một bên là sự phóng túng, nồng nàn đến cháy bỏng.
Và rồi, ký ức hay khát vọng về tình yêu cũng là một cái cớ để tác giả nói về tình cảm giữa hai dân tộc.
Chàng Alex thật tư sản khi “bóc lột” tình yêu của Alice, để rồi sau 5 năm bên nhau, anh rời xa Cuba, để lại nàng Alice với lời hứa “anh sẽ cố gắng tìm cách quay lại, 5 năm, hay 10 năm nữa”.
Yêu xa 3 năm với những cánh thư tay, rồi cũng đến một ngày Alex sững sờ nhận được dòng chữ cuối cùng: “Alex, em không thể chờ anh đựơc nữa, em đi lấy chồng đây... Đừng viết thư cho em nữa”.
Câu chuyện tưởng đã khép lại, thế nhưng 7 năm sau đó, Alex nhận lệnh đi công tác nhiệm kỳ tại Cuba, anh kinh hoàng biết được sự thật: Lá thư cuối cùng được gửi đi cũng là lúc Alice không còn đủ sức để gắng gượng trước cuộc đời này nữa. Nàng bị sốt xuất huyết và cứ thế yếu dần đi. Nàng biết nếu nói ra sự thật thì chàng nhất định sẽ không yêu ai nữa.
Thời gian, địa lý và những rào cản khác đã khiến tình yêu ấy mãi trở thành hoài niệm để mỗi khi nhắc lại, Thiếu tướng Đặng Văn Dũng vẫn nghẹn ngào không nguôi: “Tình yêu là thứ gì đó thiêng liêng, hoàn toàn thuộc về tâm hồn, là một sự hấp dẫn khó tả, người ta sẽ chỉ yêu được người đó mà thôi”.