Paris, thứ năm ngày 9/4/2020.
"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con thời mồ côi".
Cách ly ngày thứ hai mươi tư. Một con bọ cánh cam dò dẫm men theo mép song chắn ban công. Dưới vườn có bảy con chim bồ câu đang túc tắc bới cỏ tìm mồi. Đằng kia, bốn con khác đang lững thững bước về phía hồ trúc. Chợt hai cánh diệc là là bay ngang qua công viên.
Chắc hẳn chúng từ dòng sông Seine lạc lối qua nơi này. Công viên vắng lặng, chỉ có bóng ba anh cảnh sát đi tuần ngả xuống mặt đường nhuộm vàng màu nắng.
Tối qua, điện Elysée vừa thông báo lệnh tổng cách ly sẽ kéo dài hơn sau ngày 15/4/2020. Tổng thống Pháp trực tiếp công bố trước toàn dân thời hạn tổng cách ly mới vào đầu tuần sau. Năm nay, không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Việc tuyển sinh dựa vào điểm tổng kết cả năm.
Sau cuộc cách mạng năm 1968, đây là lần thứ hai nước Pháp không tổ chức thi tốt nghiệp. Ở các bộ ngành, các kỳ thi tuyển công chức, kiểm tra đánh giá cấp bậc cũng hoãn lại vô thời hạn.
Tôi vốn có một vài kế hoạch thi cử, bổ túc nghiệp vụ chuyên môn. Nay, tất cả đã bị trì hoãn, bài vở của tôi cũng theo đó mà bị xếp sang một góc. Thay vào đó, sáng nào tôi cũng ngồi bên tách trà, nghe thời sự và bắt đầu lặn vào nội tâm để trút tâm tư qua những trang nhật ký.
Các hoạt động trong ngày của tôi chỉ có quanh quẩn từ trong nhà, ra ngoài ban công, từ phòng khách, sang phòng ngủ. Vài sự kiện khoắng động nhịp sống đều đặn ấy là họp trực tuyến một tuần ba lần, xuống đường đi siêu thị hay vẫy tay chào chị hàng xóm ngoài ban công.
Pháp cũng như nhiều nơi chịu ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: AFP. |
Chị hàng xóm cạnh nhà tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ vùng Limousin, nay thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine phía Tây Nam nước Pháp. Từ nhiều năm nay, chị sinh sống và làm việc tại Paris. Nhưng mỗi dịp lễ tết hoặc nghỉ hè, chị lại gửi nhà cho tôi trông để về thăm bố mẹ đẻ sống ở bìa rừng làng Compregnac.
Từ hôm tổng cách ly đến giờ, cứ vài ngày, chị lại ra ban công gọi điện thoại về cho bố mẹ. Ông bà già đã gần 80 tuổi, năm nay ăn lễ Phục Sinh xa con xa cháu. Chắc bởi thế mà sáng nay chị hàng xóm gọi điện cho bố mẹ từ sớm:
- Bố mẹ hôm nay ở nhà làm gì?
- Bố con thì vẫn chỉ suốt ngày ngồi trước tivi. Thỉnh thoảng ông ấy xuống kho sửa chữa linh tinh.
- Mẹ còn ra ngoài mua bánh mì không?
- Bánh mì trong ngăn đá bố mẹ ăn hết rồi, nên mẹ phải đi mua. Tiện thể, mẹ mua cho ông bà hàng xóm luôn. Hôm kia, ông bà ấy vừa cho bố mẹ một ít táo trong vườn với hai cái khẩu trang tự chế từ túi lọc cà phê.
- Mẹ có tiếp xúc với họ không? - chị hỏi dồn.
- À, họ mời mẹ vào uống cà phê để cảm ơn, nên mẹ có vào chơi một lúc. Với lại cả tuần tự nhốt mình trong nhà, mẹ cũng thấy bức bí…
- Mẹ làm thế thì còn gọi gì là cách ly! - chị hàng xóm xẵng giọng.
- Họ là hàng xóm ngay cạnh nhà mình, từ ba tuần nay nếu họ ốm thì mẹ phải biết chứ. Với lại mẹ ngồi đầu bàn ngay phía mép cửa, họ ngồi bên trong cách mẹ cỡ chừng cũng hai ba mét.
- Mẹ ơi, cách ly là ai ở nhà người nấy, không được tiếp xúc lẫn nhau! Mẹ làm sao mà biết được họ hôm qua, hay tuần trước họ có gặp người mắc bệnh hay không. Họ có thể lây sang cho mẹ ngay cả khi họ chưa bị ốm. - Giọng chị hàng xóm vừa nài nỉ, vừa lo lắng.
Chị ngước mặt, nhìn thấy tôi cũng đang ngồi trên ban công kế bên. Tôi vẫy tay cười chào chị. Tay vẫn cầm chiếc điện thoại, chị gật đầu chào tôi. Chắc đoán được là tôi cũng nghe thấy cuộc trò chuyện, chị nhún vai với tôi tỏ vẻ âu lo…
Thế giới chỉ biết một nước Pháp với thủ đô Paris phồn hoa, rực rỡ ánh đèn. Thiên nhiên Pháp vẫn quyến rũ người ta bằng những bờ biển trải dài, những vực núi dựng đứng. Nhưng nước Pháp cũng có những vùng xâu, vùng xa nơi lái xe hàng cây số mới có một mái ngói nho nhỏ, một mảnh vườn con với vài con gà cục tác.
Ở tận cùng lãnh thổ hình lục lăng, những làng quê lặng lẽ nơi dân cư chỉ còn lại những người cao tuổi, các thanh niên lớn lên lần lượt ra đi theo tiếng gọi của thành phố. Ở những nơi đó, nhà ở, trường học và bệnh viện cách nhau hàng chục cây số. Những người già chỉ biết sống dựa vào nhau trong tình hàng xóm.
Ngày nay, lệnh tổng cách ly không cho ai ra khỏi nhà, không cho người ta được mời nhau dù chỉ một tách cà phê. Những người già neo đơn chỉ còn biết vẫy chào nhau qua cửa sổ…