Ông trở lại Nha Trang vào ngày 29 tháng 8.
Như trong lần xuyên rừng trước đó, Yersin viết tường trình về chuyến đi, bổ sung thêm các cuộc khảo sát địa lý cũng như nhiều bức ảnh. Lần này, ông đến Sài Gòn để biện hộ cho lý do của mình và gây quỹ cho một chuyến thám hiểm mới.
Ngày 28 tháng 12 năm 1893, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ cấp cho ông hai ngàn đồng bạc Đông Dương để thăm dò tuyến đường từ Nha Trang đến Tourane (Đà Nẵng).
Chuyến thám hiểm thứ tư: Yersin rời Nha-Trang vào ngày 12 tháng 2 năm 1894, tháp tùng ông có bốn người cộng sự, năm mươi bốn phu khuân vác và mười lăm lính.
Sai lầm của ông trong năm trước đã khiến ông nhận ra rằng, việc du hành mà không có người hộ tống “không chỉ nguy hiểm cho nhà thám hiểm, mà rất có hại cho uy tín và ảnh hưởng của người Pháp, vì người Thượng chỉ tôn trọng sức mạnh và uy quyền mà thôi.”
Thật vậy, một số bộ tộc người Thượng rất thù nghịch, họ từ chối mọi liên lạc và chạy trốn khi thấy người lạ đến gần. Tình hình được cải thiện khi đoàn thám hiểm đến ngôi làng M’Siao mà Yersin từng đến. Sau đó, ông tham gia “Sứ mệnh truyền giáo cho người hoang dã” của Linh mục Guerlach, gần thị trấn Kone-Toum.
Ông cùng với nhà truyền giáo thực hiện một chuyến du ngoạn vài ngày ở vùng đất của người Sedang, một nhóm dân tộc thiểu số có phong tục rất khác với những phong tục của các bộ tộc ông đã từng gặp.
Ảnh tư liệu trong sách. Nguồn: NXB Trẻ. |
Ngày 18 tháng 4, sau chặng đường gian khổ, ông tiếp tục đi đến thị trấn Attopeu của Lào trên sườn phía tây của dãy Trường Sơn. Sau đó, một lần nữa, ông lại băng qua ngọn núi theo hướng đông bắc và đến Tourane (Đà Nẵng), kết thúc cuộc hành trình kéo dài hai mươi ngày trong điều kiện khó khăn, cả về tình trạng mất an ninh chung và điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Trong bản báo cáo của mình, ngoài những ghi chép kỹ thường ngày, địa lý, nhân chủng học, ngôn ngữ học, v.v., Yersin còn khẳng định tiềm năng kinh tế của khu vực, nếu nó được liên kết hợp lý với mạng lưới đường bộ và đường sắt: đất đai thích hợp cho trồng trọt (ở phía nam) hoặc chăn nuôi (ở phía bắc), sự giàu có về khoáng sản (đặc biệt là vàng).
Yersin cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải trấn yên lãnh thổ và bảo vệ người Thượng khỏi sự độc đoán của các quan lại Trung Kỳ, những người này gây sức ép với họ bằng các loại thuế và cống vật mà xã hội tự cung tự cấp này khó có thể trả được.
Giữa tháng 5, Yersin về lại Sài Gòn. Với tư cách là một bác sĩ quân y, ngày 17 tháng 5 ông nhận được lệnh đi Vân Nam, một tỉnh của Trung Quốc giáp với Đông Dương, để nghiên cứu về bệnh dịch đang hoành hành trong khu vực và đe dọa trực tiếp Bắc Kỳ.
Cuối cùng ông lên đường đi Hồng Kông, tại đây vào tháng 6 năm 1894, ông xác định được trực khuẩn dịch hạch. Khám phá này làm thay đổi cuộc đời của Yersin và mang lại cho ông danh tiếng và sự công nhận trên toàn thế giới.
Nhưng nó cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc đời phiêu lưu của ông: ông sẽ không còn thực hiện bất kỳ chuyến đi lớn nào đến các khu rừng ở Đông Dương nữa!