Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chuyến thăm của Thủ tướng gửi tín hiệu tốt về quan hệ VN-New Zealand'

Cựu đại sứ New Zealand tại Việt Nam nói rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi một tín hiệu tốt cho quan hệ 2 nước và còn rất nhiều khoảng trống để phát triển quan hệ.

Những hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở New Zealand Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời New Zealand hôm 14/3, khép lại chuyến thăm chính thức đầu tiên đến đảo quốc kiwi với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác, nâng cấp quan hệ 2 nước.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn, cựu đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning, người chuyển vào TP.HCM để làm việc trong lĩnh vực giáo dục sau khi hết nhiệm kỳ, nói rằng ông tin tưởng rằng quan hệ của 2 nước còn nhiều khoảng trống có thể được lấp đầy, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, cải tiến, kinh tế chất lượng cao.

"Có nhiều tiềm năng và điểm tích cực cho quan hệ của 2 nước. Nếu hai nước đạt được quan hệ đối tác chiến lược, sẽ còn nhiều thứ chúng ta có thể làm cùng nhau", ông nói khi được hỏi về triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand.

Lịch sử New Zealand ủng hộ các FTA

- Có phải có nhiều sự phản đối dành cho CPTPP (TPP-11) tại New Zealand không? Ông đánh giá sao về triển vọng của hiệp định này tại Nghị viện New Zealand?

- Nếu bạn nhìn lại lịch sử của New Zealand trong nhiều năm qua, đại đa số người dân và đại đa số chính trị gia ủng hộ thị trường mở, thương mại tự do. Điều đó đến nay vẫn không đổi. Tất nhiên, đối với một nền dân chủ tự do như New Zealand, chúng tôi có những cuộc biểu tình, có những người nói rằng họ không ủng hộ và họ phản đối hiệp định này. Đó là một phần trong tiến trình.

quan he Viet Nam - New Zealand anh 1
Cựu đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning. Ảnh: Hải An.

Tôi không biết quan điểm trong Nghị viện ra sao vì tôi không gần gũi họ. Dù vậy, tôi cho rằng các chính trị gia sẽ chạy theo quan điểm của công chúng, tức ủng hộ hiệp định này và thông qua hiệp định.

- Nông dân ở một số nước phát triển thường là người bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa và thương mại tự do. Các chính phủ có thể làm gì trước việc này?

- Thật ra việc này không xảy ra ở New Zealand. Phần lớn nông dân New Zealand ủng hộ thương mại tự do. Lý do cho việc đó là chúng tôi xuất khẩu hơn 80% số nông sản của mình. Chúng tôi xuất khẩu đến 180 quốc gia và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng. Tôi nghĩ điều quan trọng là chính phủ Việt Nam tiếp tục tìm cách giúp đỡ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Một trong số những điều đó là giúp nông dân tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, ủng hộ những người muốn tìm kiếm sự cải tiến, làm khác đi, phát triển công nghệ để hỗ trợ người nông dân, tăng giá trị cho mùa vụ của họ. 

- Việt Nam và New Zealand thật ra không phải những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Chúng ta phải làm gì để tăng thêm giá trị cho quan hệ đối tác này?

- Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là quan hệ thương mại 2 nước đang đi đúng hướng và tăng trưởng khỏe mạnh. Đúng là chúng ta không phải những đối tác thương mại lớn nhất của nhau, đặc biệt khi so sánh với các nước khác, nhưng tăng trưởng của đôi bên đang tích cực và ổn định. Quan trọng là chúng ta phải giữ được đà này.

Đây cũng là thời điểm chúng ta có nhiều cơ hội để suy nghĩ, làm thế nào có thể xây dựng việc xuất khẩu chất lượng cao, như New Zealand không thể chỉ xuất khẩu bột, hoặc Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng lợi ích của khách hàng dựa trên các sản phẩm giá trị cao của New Zealand, cũng như sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam cho thị trường New Zealand. Hãy lấy chocolate, cà phê hay tiêu được sản xuất ở đây làm ví dụ, giờ thì người ta bắt đầu để ý đến việc làm bao bì sản phẩm, tiếp thị, để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế.

Tôi nghĩ nếu các nhà sản xuất Việt Nam càng tiếp cận theo hướng này, họ sẽ hiểu được thị trường New Zealand và thế giới cần gì.

quan he Viet Nam - New Zealand anh 2
Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển biển nhanh chóng. Ảnh: Minh Hoàng.

Ngoài ra, Việt Nam đang ở một điểm mà nền kinh tế thay đổi rất nhiều và có động lực lớn để hướng đến việc sản xuất chất lượng cao, các ngành dịch vụ, tập trung vào công nghệ thông tin. Trong khi đó, New Zealand cũng đang thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề cải tiến. Tôi thấy có rất nhiều cơ hội để chúng ta hợp tác.

Các 'khoảng trống' cần khai phá

- Trong bài viết trên Asia Media Center hồi đầu tháng này, ông nói về "nhận định lỗi thời" của New Zealand về Việt Nam hiện tại. Việt Nam cần làm gì để "cập nhật" lại nhận định này cho phía New Zealand?

- Đầu tiên, tôi phải nói rằng việc thủ tướng của các bạn đến thăm New Zealand là một điều rất tốt. Thứ nhất, nó dồn sự chú ý vào Việt Nam một lần nữa. Lần cuối cùng chúng tôi có thủ tướng của các bạn đến thăm đã 3 năm rồi. Một chuyến thăm cấp thủ tướng đến New Zealand sau 3 năm là một tín hiệu thật sự tốt đến nước chúng tôi, nó nói rằng Việt Nam để ý New Zealand và mỗi lần đến đây các bạn đều mang đến một phái đoàn lớn.

Thứ hai, tôi phải nói rằng hợp tác du lịch và giáo dục là rất quan trọng. Nếu những người New Zealand có thể đến đây, tận mắt nhìn thấy mọi thứ. Họ có thể du lịch đến Hạ Long, Hội An, nhưng họ cũng thấy được Sài Gòn, Hà Nội, "cập nhật" nhận thức của họ về Việt Nam. Giáo dục còn quan trọng hơn nữa. Chúng tôi ngày càng có nhiều sinh viên New Zealand đến đây, học tập, thực tập và trải nghiệm Việt Nam. Họ sẽ mang câu chuyện của mình về New Zealand.

Từ chính phủ, đến các trường đại học, trung học ở New Zealand mà tôi biết đều quan tâm đến việc làm sao để sinh viên của họ được trải nghiệm châu Á nhiều hơn, đó là việc rất quan trọng cho tương lai. Tháng trước, tôi có một nhóm 20 sinh viên cơ khí từ New Zealand đến khu vực này và điểm đến đầu tiên là Việt Nam. Những sinh viên này, với đầu óc cởi mở, sẽ trở về với cái nhìn rất khác về Việt Nam.

Rõ ràng là số lượng sinh viên Việt Nam đến New Zealand lớn hơn rất nhiều so với số ngược lại. Họ cũng có vai trò quan trọng, các sinh viên này, những người Việt Nam đầy lòng tự hào, sẽ chia sẻ niềm tự hào lẫn văn hóa của họ với những người New Zealand mà họ tiếp xúc. 

- Theo hướng ngược lại, cái nhìn của người Việt Nam về New Zealand có gì cần thay đổi hay "cập nhật" không?

- Trong cái nhìn của tôi, hình ảnh New Zealand trong mắt người Việt Nam thường là nông sản tốt, đất nước đẹp, một số người biết về thức ăn New Zealand và cho rằng đó là nơi học tập tốt. Điều mà chúng tôi muốn người Việt Nam biết là New Zealand có một môi trường đa văn hóa. Ngoài ra, nền kinh tế của chúng tôi đang chuyển đổi, chúng tôi đang thay đổi nhanh chóng để trở thành một nền kinh tế tập trung vào cải tiến.

Ví dụ, gần đây, một công ty New Zealand đã gửi vệ tinh lên không gian và New Zealand trở thành đất nước thứ 11 trên thế giới có vệ tinh trên vũ trụ. Tại New Zealand, chúng tôi vẫn đang đương đầu với những thách thức và những điều phức tạp bậc nhất, và chúng tôi làm nó một cách khác biệt.

Tôi nghĩ việc hiểu được những câu chuyện cải tiến của New Zealand sẽ giúp người Việt Nam không chỉ thấy đất nước này là nơi để thăm viếng mà còn để học tập và kinh doanh. 

quan he Viet Nam - New Zealand anh 3
Đường bay thẳng TP.HCM - Auckland đã được mở để tăng cường việc tương tác giữa 2 nước. Ảnh: AFP.

- Là một người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại TP.HCM, ông nhận định gì về tiềm năng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand? Còn gì chúng ta vẫn chưa khai phá?

- Là một người nước ngoài sống ở Việt Nam, tôi có thể thấy người Việt Nam dành rất nhiều cam kết cho việc giáo dục của con cái họ để chúng có một tương lai tốt hơn. Nền kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào việc giáo dục những người trẻ. Chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội để đưa giáo dục trình độ quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt cho những người không thể học tập tại nước ngoài. Ngày càng có nhiều công ty tư nhân bước chân vào lĩnh vực giáo dục và cung cấp các chương trình theo chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, một vấn đề đã được đề cập rất nhiều ở Việt Nam là tình trạng sinh viên ra trường nhưng không tìm được việc. Điều họ học ở trường không tương thích với những gì nhà tuyển dụng cần, có một khoảng cách giữa 2 việc đó. Tôi nghĩ có nhiều cơ hội trong khoảng cách đó. Nếu bạn có thể đắp vào khoảng cách đó thông qua việc đào tạo nghề, con đường nghề nghiệp của sinh viên Việt Nam trong tương lai sẽ dễ dàng hơn.

Đây cũng là việc mà chúng tôi đang làm (sau khi kết thúc nhiệm kỳ, cựu đại sứ Manning mở một công ty tư vấn giáo dục là LightPath - PV). New Zealand có rất nhiều học viện công nghệ chú trọng vào các ngành công nghiệp và đầu ra về chuyên môn. Chúng tôi muốn mang chương trình của các viện này tới Việt Nam, cho phép người học có thể làm việc ngay sau khi nhận được chứng chỉ đào tạo.

- Xin cảm ơn ông.

New Zealand: Mong muốn sớm nâng cấp quan hệ chiến lược với Việt Nam

Mong muốn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược đã được Wellington thể hiện. Cuộc gặp giữa hai thủ tướng trong ngày hôm nay có thể thúc đẩy thêm tiến trình này.

Kỷ niệm 6 mùa Tết Việt của 2 cựu đại sứ nước ngoài

Từ cái Tết lạnh nhất ở Hà Nội đến những trải nghiệm khi vào TP.HCM sinh sống, cựu đại sứ Mỹ và New Zealand tại VN nói các ông trân trọng những giá trị văn hoá của ngày Tết Việt.

Phương Thảo (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm