Khoảng 5h ngày 20/10/1995, chiếc chuyên cơ chở theo phái đoàn Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay John Kennedy (New York, Mỹ), đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia của Việt Nam đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc.
Đó là chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào năm 1995 - một giai đoạn Việt Nam vừa thoát khỏi bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, song vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Chuyến thăm này mở ra một trang mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, bởi chúng ta có mặt tại cuộc ‘hội ngộ lãnh đạo của hành tinh’ để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc”, Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giai đoạn 1993-1999, chia sẻ với Zing.
Năm 2022 cũng là thời điểm đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, tính từ khi chính thức trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương này ngày 20/9/1977. Theo Đại sứ Xuân, việc gia nhập Liên Hợp Quốc đã mang đến những thay đổi tích cực với Việt Nam về nhiều mặt, từ đó dần khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Một chuyến thăm với nhiều khó khăn
- Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc từ năm 1977. Tại sao phải đến năm 1995, một lãnh đạo cấp cao của ta mới có chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở Liên Hợp Quốc?
- Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc vào ngày 20/9/1977, nhưng mãi đến năm 1995, nguyên thủ quốc gia của Việt Nam mới đến thăm trụ sở tổ chức này và tham dự khóa họp đặc biệt.
Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giai đoạn 1993-1999. Ảnh: NVCC. |
Khi Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, chúng ta đã có những chương trình hợp tác quan trọng đầu tiên với tổ chức này nhằm khôi phục lại đất nước sau chiến tranh. Đó là những chương trình mang ý nghĩa đặc biệt đối với việc xây dựng hình ảnh và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bước sang thập kỷ 80, Việt Nam bị cáo buộc “xâm lược Campuchia”, khi chúng ta đưa quân sang giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - vốn rất tàn khốc thời đó. Việt Nam bị bao vây cấm vận và vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực bên ngoài. Họ cản trở Việt Nam trong đời sống xã hội, hoạt động kinh tế, xây dựng đất nước và đối ngoại.
Vào cả thập kỷ 80 và đầu những năm 90, do phải tập trung vào giải quyết những khó khăn như vậy, Việt Nam chưa có đoàn cấp cao nhất tới thăm trụ sở Liên Hợp Quốc.
- Chúng ta có gặp khó khăn gì - kể cả về chính sách lẫn về lễ tân, hậu cần - khi chuẩn bị cho chuyến thăm “chưa có tiền lệ này” hay không?
- Vào thời kỳ đó, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào tháng 7/1995 thì chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh diễn ra vào tháng 10 năm đó. Khó khăn lớn nhất trong khâu chuẩn bị cho chuyến thăm này là về mặt hậu cần và các vấn đề an ninh.
Về vấn đề hậu cần, Việt Nam thời đó còn nghèo nên việc chuẩn bị chuyên cơ cho một chuyến thăm như vậy nhìn chung là khá khó khăn. Về an ninh, là người chứng kiến tình hình ở Mỹ vào thời điểm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, tôi nhận thấy rằng mặc dù đa số người dân Mỹ ủng hộ, lực lượng chống đối vẫn còn rất đông. Do vậy, điều đó có thể dẫn đến rủi ro an ninh cho đoàn.
Đây là chuyên cơ đầu tiên của Việt Nam hạ cánh xuống đất Mỹ. Vì vậy, có thể nói đây là sự kiện gây xúc động cho mọi người dân, cũng như bản thân tôi và phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Ngô Quang Xuân
Chúng tôi đã phải phối hợp với phía Mỹ, cũng như lực lượng an ninh của họ, để chuẩn bị thật tốt phương án đảm bảo an ninh. Bên cạnh đó, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc thời điểm đó cũng có rất ít cán bộ nhân viên. Do đó, để chuẩn bị cho chương trình quan trọng như vậy, chúng ta phải chia nhỏ nhân sự ra để thực hiện.
- Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất với Đại sứ trong chuyến thăm này?
- Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam sang Liên Hợp Quốc để dự kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức này. Điều này mang ý nghĩa rất quan trọng vì đây là cuộc “hội ngộ” đông nhất - tính đến thời điểm đó - của lãnh đạo các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chuyến thăm này đã có rất nhiều hoạt động, để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Khoảng 5h ngày 20/10/1995, máy bay của phái đoàn Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế John Kennedy.
Đây là chuyên cơ đầu tiên của Việt Nam hạ cánh xuống đất Mỹ. Vì vậy, có thể nói đây là sự kiện gây xúc động cho mọi người dân, cũng như bản thân tôi và phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Đặc biệt, chuyến bay đó lại do phi công Nguyễn Thành Trung, anh hùng từng lái chiếc máy bay phản lực F5E thả bom xuống Dinh Độc Lập, điều khiển, khiến tôi dâng trào cảm xúc. Trong chuyến đi đó, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động gây dấu ấn tại Liên Hợp Quốc và nhiều hoạt động bên lề.
Thông điệp gây xúc động toàn thế giới
- Được biết trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tặng cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros B. Ghali một mô hình trống đồng Ngọc Lũ. Món quà này có ý nghĩa gì?
- Nhà nước ta lúc đó đã quyết định dùng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ để tặng cho Liên Hợp Quốc nhân dịp chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng mô hình trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros B. Ghali. Ảnh: TTXVN. |
Trống đồng này thể hiện cho nền văn hóa Đông Sơn, phản ánh hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam. Cách trang trí của trống đồng Ngọc Lũ cũng thể hiện nền văn hóa lúa nước của chúng ta. Đó cũng là lý do phía Việt Nam lựa chọn trống đồng.
Đặc biệt, chiếc trống đồng này còn được đặt ngay cạnh phòng họp của Hội đồng Bảo an - một vị trí rất trang trọng. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa phái đoàn Việt Nam và lãnh đạo Liên Hợp Quốc để chọn được vị trí “có một không hai” này.
Ngay sau khi nhận món quà này, chính Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Ghali đã có bài phát biểu ca ngợi nền văn hóa của Việt Nam, cũng như sự đấu tranh cách mạng và đặc biệt là nền văn hóa lúa nước. Đó là bài phát biểu sâu sắc trước tất cả quan chức Liên Hợp Quốc.
- Trong chuyến thăm đặc biệt này, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã truyền tải những thông điệp gì tới bạn bè quốc tế?
- Dù chuyến thăm này rất ngắn, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi thông điệp rất quan trọng của nhân dân Việt Nam tới thế giới. Đó là một thông điệp về hòa bình, hữu nghị, hợp tác của Nhà nước và nhân dân ta.
Chủ tịch cũng nói với thế giới rằng nước Việt Nam đã thống nhất và đang triển khai chính sách ngoại giao rất rõ ràng, sẽ cùng với cộng đồng quốc tế xây dựng Liên Hợp Quốc trở thành một tổ chức vì hòa bình của mọi quốc gia.
Tôi còn nhớ như in câu Chủ tịch nước nói: Một dân tộc văn minh là một dân tộc không sống bằng hận thù. Dân tộc Việt Nam đang làm như vậy.
Đại sứ Ngô Quang Xuân
Về các hoạt động bên lề, đặc biệt là cuộc gặp gỡ với bà con người Việt đang sinh sống tại Mỹ và người dân Mỹ, Chủ tịch Lê Đức Anh cũng đưa ra thông điệp rất quan trọng. Tôi còn nhớ như in câu Chủ tịch nước nói: Một dân tộc văn minh là một dân tộc không sống bằng hận thù. Dân tộc Việt Nam đang làm như vậy.
Thông điệp này đã gây xúc động và ấn tượng đối với cộng đồng dân cư ở Mỹ, cũng như cho người dân thế giới.
- Theo Đại sứ, đâu là những ý nghĩa của chuyến thăm này với quan hệ Việt Nam - Liên Hợp Quốc nói riêng và quan hệ đối ngoại của Việt Nam nói chung? Theo ông, chuyến thăm này có là một bước ngoặt trong việc thắt chặt mối liên kết giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc hay không?
- Chắc chắn là chuyến thăm này là một bước ngoặt của quan hệ giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc. Chúng ta thấy tất cả đời tổng thư ký Liên Hợp Quốc - cho đến hiện nay là ông Antonio Guterres - đều đánh giá quan hệ của Liên Hợp Quốc với Việt Nam luôn tốt đẹp, và Việt Nam là một đối tác rất điển hình của Liên Hợp Quốc.
Từ thời kỳ đầu quan hệ cho đến nay, hoạt động của chúng ta ở Liên Hợp Quốc rất toàn diện, có những hoạt động ghi dấu ấn sâu sắc.
Chuyến thăm này mở ra một trang mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, bởi chúng ta có mặt tại cuộc “hội ngộ lãnh đạo của hành tinh” để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc. Chủ tịch nước đã có mặt ở đó và đưa ra những thông điệp quan trọng như thế.
Đồng thời, chúng ta thấy đó là một cam kết chính trị rất cao với Liên Hợp Quốc cho đến tận bây giờ. Cam kết chính trị này là yếu tố rất quan trọng, thậm chí là có tính chất tương đối quyết định, trong quan hệ của Việt Nam với Liên Hợp Quốc.
Việt Nam lúc nào cũng coi trọng Liên Hợp Quốc, chúng ta hợp tác rất chặt chẽ và sâu sắc với Liên Hợp Quốc vì lợi ích chung, vì hòa bình, vì sự phát triển bền vững và vì hạnh phúc của toàn nhân loại.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP. |
- Trong thời gian này, một số bạn bè quốc tế có cái nhìn chưa rõ về Việt Nam. Vậy Đại sứ có cho rằng chuyến thăm này giúp bạn bè quốc tế thay đổi quan điểm về Việt Nam?
- Đây là đóng góp rất có ý nghĩa để bạn bè thế giới hiểu biết hơn về Việt Nam. Việc ta đấu tranh để chống nạn diệt chủng tại Campuchia bị một số nước xuyên tạc và vu cáo suốt thời gian dài tại Liên Hợp Quốc. Cho đến thời điểm đó, thế giới cũng hiểu “Việt Nam” như một cuộc chiến tranh, chứ không phải một đất nước.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia - cũng như bài phát biểu hay các hoạt động của Chủ tịch nước trong chuyến thăm này cho thấy một hình ảnh của Việt Nam rất tôn trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tôn trọng Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng quốc tế.
Chúng ta cũng làm cho bạn tôn trọng lại chúng ta như vậy. Chắc chắn rằng, những hoạt động này góp phần gần như kết thúc và chấm dứt của cả một thời kỳ bao vây cấm vận và vu cáo ta về vấn đề Campuchia. Tôi nghĩ đây là một thành công rất lớn.
Thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn nữa nếu không có Liên Hợp Quốc
- Qua chuyến thăm này, Việt Nam rút ra được thêm bài học nào về quá trình tham gia Liên Hợp Quốc? Đại sứ nhìn nhận thế nào về vai trò của Liên Hợp Quốc - một tổ chức đa phương lớn nhất thế giới - đối với Việt Nam tại thời điểm đó?
- Cũng như hiện nay, vào thời điểm đó, chúng ta coi trọng Liên Hợp Quốc, coi trọng ngoại giao đa phương và cam kết chính trị rất cao với Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, chủ trương rõ ràng, đánh giá cao chủ nghĩa đa phương, đánh giá cao Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thông qua các cơ chế này, chúng ta bảo vệ được chủ quyền, nói lên tiếng nói để cùng cộng đồng thế giới bảo vệ hòa bình, an ninh, bảo vệ quan hệ bình đẳng, không dùng vũ lực trong quan hệ giữa các nước, và đặc biệt vì sự phát triển bền vững.
Cho nên, các cơ chế này rất phù hợp với đường lối ngoại giao của chúng ta, với chủ trương phát triển của Việt Nam trong chiến lược xây dựng đất nước nói chung.
Việt Nam đã ghi được nhiều dấu ấn, gánh vác nhiều trọng trách cũng như có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ tại tổ chức này - như đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an trong hai nhiệm kỳ, tham gia nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc... Những sự kiện này phản ánh điều gì đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế?
Nó phản ánh điều rất quan trọng: Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, ngày càng vững chắc. Chúng ta thấy rằng những đóng góp của Việt Nam trong tất cả lĩnh vực - không chỉ riêng đóng góp về kinh tế - ngày càng quan trọng.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 1/2020. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Trên tinh thần và cam kết chính trị cao, chúng ta đã đưa ra rất nhiều sáng kiến để thực hiện các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc: Duy trì và bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới, vì sự bình đẳng của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, vì sự phát triển kinh tế - xã hội. Những đóng góp của Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn.
Hiện nay, chúng ta tham gia rất mạnh mẽ vào chương trình giải quyết những vấn đề toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Chúng ta đã gửi lực lượng sang nhiều khu vực và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ở các diễn đàn nói chung, chúng ta tham gia một cách toàn diện. Ở đâu Việt Nam cũng có sáng kiến, cũng được bạn bè nhìn nhận với con mắt rất thiện cảm.
Họ coi Việt Nam như một đối tác, một người bạn rất tin cậy trong hoạt động vì sự nghiệp chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, vì hạnh phúc của nhân dân toàn thế giới.
- Theo Đại sứ, đâu là những ảnh hưởng tích cực nhất với Việt Nam từ khi gia nhập Liên Hợp Quốc?
- Tôi nghĩ ảnh hưởng đến từ rất nhiều mặt. Thứ nhất, với công cuộc xây dựng đất nước, ngay từ khi gia nhập, chúng ta đã được Liên Hợp Quốc và cộng đồng thế giới hỗ trợ những chương trình rất giá trị. Tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam đều nhận được sự trợ giúp giá trị của Liên Hợp Quốc.
Thứ hai, khi đã vượt qua bao vây cấm vận, chúng ta bắt đầu tham gia những vấn đề toàn cầu, các diễn đàn về an ninh - chính trị, vấn đề nhân quyền, vấn đề xã hội… Trên mặt trận này, chúng ta đều mang đến những đóng góp rất quan trọng.
Họ coi Việt Nam như một đối tác, một người bạn rất tin cậy trong hoạt động vì sự nghiệp chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, vì hạnh phúc của nhân dân toàn thế giới.
Đại sứ Ngô Quang Xuân
Ngược lại, những đóng góp của chúng ta đã góp phần vào quá trình định hình luật chơi và đưa ra các quy định mới. Những điều này tác động trở lại, làm cho chúng ta thấy rõ trách nhiệm, tiềm năng, khả năng tham gia của mình. Tác động qua lại này giúp vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế càng ngày càng nổi bật.
- Đại sứ đánh giá thế nào về tầm quan trọng của ngoại giao đa phương trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới?
- Tôi nghĩ rằng việc tham gia ngoại giao đa phương ngày càng được Việt Nam đánh giá cao, trở thành nội dung rất quan trọng trong đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta, của nhân dân ta.
Chủ nghĩa đa phương và quan hệ đa phương có vai trò rất quan trọng với Việt Nam . Là một nước thành viên, chúng ta thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ một cách rõ ràng - điều ngày càng được phát huy ở các diễn đàn Liên Hợp Quốc và các cơ chế đa phương.
Tôi nghĩ nếu không có Liên Hợp Quốc, thế giới này còn có nhiều vấn đề hơn rất nhiều, bởi các mưu đồ, ý đồ, tham vọng của các nước lớn luôn sẵn có. Ở từng khu vực, từng thời điểm, bao giờ nước lớn cũng có đường lối tranh giành ảnh hưởng, đấu tranh lẫn nhau, dẫn đến mâu thuẫn căng thẳng. Họ còn lôi kéo các trung tâm chính trị lớn, khiến mâu thuẫn không bao giờ hết.