Hwang Sunmi là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc yêu quý văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Bà nổi tiếng với những câu chuyện giàu xúc cảm và tinh thần nhân văn dành cho thiếu nhi như: Cô gà mái xổng chuồng, Chó xanh lông dài, Những người bạn ở thung lũng Mặt Trời mọc, Phiếu bé hư, Chiếc cặp sách mười một tuổi…
Những sáng tác của nhà văn xứ Kim chi trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với độc giả nhí bởi bà luôn biết cách tạo ra những tình huống đặc biệt để thử thách nhân vật của mình. Mỗi tác phẩm là một cuộc hành trình dài để những người bạn nhỏ khẳng định cái tôi, tìm kiếm sự tự do và hạnh phúc đích thực. Nếu là một người yêu thích Hwang Sunmi, chắc chắn các bạn sẽ không thể bỏ qua Ngôi làng cổ tích.
Tác phẩm Ngôi làng cổ tích của Hwang Sunmi. |
Không chỉ là một người ham đọc sách, đam mê viết lách và thích kể chuyện. Nữ văn sĩ còn là một người có thú vui “xê dịch” và luôn muốn được đặt chân tới khắp mọi nơi. Bà đã dành hàng tháng trời để đi du lịch khắp châu Âu, thăm thú những vùng đất nổi tiếng, gắn liền với các tác phẩm văn học thiếu nhi lừng danh trên thế giới.
Chuyến đi ấy đã khơi nguồn cảm hứng để Hwang Sunmi viết nên Ngôi làng cổ tích. Tác phẩm không chỉ là một cuốn truyện dài với nhiều bức tranh minh họa hấp dẫn, nó còn là một “cuốn nhật ký hành trình” vô cùng thú vị. Bởi khi đặt chân đến những vùng đất mới, chúng ta không chỉ có thêm nhiều trải nghiệm về du lịch, đó còn là cơ hội để mở cửa trái tim và nhận thêm nhiều yêu thương.
Nhân vật chính của tác phẩm là Chuột Giấy, nhân vật chính trong tác phẩm mà cô nhà văn đãng trí định viết trong thời gian sắp tới. Vào một ngày đẹp trời, Chuột Giấy phát hiện ra phép nhiệm màu kỳ diệu vừa xảy đến. Anh bạn bé nhỏ với cặp mắt đen láy có thể bước ra khỏi trang phác thảo để khám phá thế giới. Chuyến phiêu lưu đáng nhớ bắt đầu từ đây!
Chuột Giấy cùng cô nhà văn lãng trí tóc xù, người mà chú hay gọi là mẹ đã dừng chân tại 7 địa danh xinh đẹp, gắn liền với những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng ra đời ở “châu lục già” đó là: thủ đô London và thành phố Windermere (Anh Quốc), thành phố Wimmerby và quận Skane (Thụy Điển), Làng Collodi (Italia), thành phố Odense (Đan Mạch), thành phố Bremen (Đức).
Tranh minh họa hấp dẫn của họa sĩ trẻ Kim Youngmi. |
Ở mỗi địa danh, nữ nhà văn hay quên lại có dịp tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, tha thẩn đi tản bộ để nhìn ngắm phong cảnh và chụp vài bức hình làm kỷ niệm. Còn Chuột Giấy cũng có những trải nghiệm thú vị không kém khi chú ta được làm quen với những nhân vật đáng yêu của các tác phẩm văn học thiếu nhi như: cậu bé Peter Pan không chịu lớn, cô bé Pippi tất dài hiếu động hay cậu bé người gỗ Pinocchio nói dối…
Trong mỗi cuộc hành trình đến với những địa danh mới, Chuột Giấy lại thót tim vì tính đãng trí của cô nhà văn. “Mẹ” của chú, là người đã bao lần khiến chú bị lạc và cảm thấy vô cùng sợ hãi. Nhưng lần nào chú chuột đáng yêu với đôi mắt đen láy cũng bình an vô sự bởi chú được các nhân vật văn học thiếu nhi nổi tiếng giúp đỡ. Nhờ đó mà Chuột Giấy có cơ hội khám phá ra những câu chuyện thú vị ẩn đằng sau những tác phẩm hấp dẫn đã mê hoặc độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ.
Hwang Sunmi tâm sự ngay từ nhỏ bà đã là một cô bé ham đọc sách và nghĩ rằng mình sẽ dành cả cuộc đời để đọc sách và viết nên những câu chuyện thú vị như những tác phẩm đã làm nhà văn xứ Kim Chi mê mẩn. Mỗi lần chìm đắm trong trang sách, cô bé Hwang Sunmi ngày ấy vẫn luôn tự hỏi: Liệu có cách nào gặp được Pinocchio hay không? Bà Chúa Tuyết hay nàng Tiên Cá trong những câu chuyện cổ của Andersen có tồn tại trên đời? Ngôi làng cổ tích ra đời để trả lời cho những câu hỏi từ thuở ấu thơ của Hwang Sunmi.
Trong “cuốn nhật ký hành trình” đầy hấp dẫn này, nhà văn xứ Kim chi còn mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi nhiều câu chuyện lịch sử và văn hóa thú vị xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn nổi tiếng như: James Barry, Beatrix Potter, Carllo Coloddi, Hans Christian Andersen, Selma Lagerlof…
Lật giở từng trang trong Ngôi làng cổ tích, bạn đọc nhí sẽ có cảm giác như đang được dạo chơi cùng nhà văn Hwang Sunmi và Chuột Giấy dễ thương, bởi lối kể chuyện chân thực và sống động của tác giả. Để cuối cùng chúng ta nhận ra rằng: trên mỗi trang sách vương nụ cười có thể được viết bằng nước mắt!