Độc giả và cảm nhận về SEA Games 25
Chuyện phía sau tấm HCV của cầu thủ nữ
Nhìn các cô gái thi đấu lăn xả trong màu áo Việt Nam, tôi lại cảm thấy xót xa khi nghĩ tới cuộc sống hàng ngày của họ vẫn còn khó khăn hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam.
>>Nụ cười rạng rỡ của những 'cô gái vàng' Việt Nam
>>Hạ Thái Lan, nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 25
HLV Trần Vân Phát và hai thủ môn Kiều Trinh - Thu Trang (Ảnh: Đức Đồng)
Sau chiến thắng nghẹt thở của các cô gái Việt Nam trước đại kình địch Thái Lan trên chấm 11m để trở lại ngôi hậu SEA Games, một đồng nghiệp của tôi đã chạy một status trên YM: “Suýt rơi nước mắt vì chiếc HCV của các cô gái Việt Nam”. Chắc chắn không chỉ anh mà rất nhiều người khác cũng cảm thấy lâng lâng xúc động.
Phải! Đáng xúc động lắm chứ! Khi các cô gái liễu yếu đào tơ của chúng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn về mọi mặt (không chỉ là từ phía đối thủ) để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Nhìn thủ môn Kiều Trinh bay lượn trong khung gỗ cứu thua với 2 cái đầu gối đều đã từng bị đứt dây chằng, bản thân người viết chẳng khỏi bâng khuâng với câu hỏi: “Không hiểu sau này về già, người hùng của bóng đá Việt Nam ngày nào sẽ sinh hoạt rồi mưu sinh ra sao với thương tích như thế, khi không có trong tay khối tài sản tiền tỷ như các nam đồng nghiệp?”
Mà đâu chỉ Kiều Trinh, thật ra những khó khăn về cuộc sống là tình trạng chung mà các nữ cầu thủ đã và đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nó hứa hẹn sẽ còn u ám hơn nữa sau khi giải nghệ.
Hẳn ai cũng còn nhớ việc thủ môn Kim Hồng của thế hệ vàng năm nào, từng phải cùng đồng đội mưu sinh bằng một xe bán bánh mì dạo sau khi giải nghệ (từng được VTV làm phóng sự). Rồi chuyện các cô gái từng phải cắn răng tắm nước lạnh trong mùa cái rét cắt da, cắt thịt của mùa Đông miền Bắc chỉ vì các CLB... không đủ tiền để trang bị vài ba cái bình nóng lạnh. Mà đâu đã hết, bên cạnh đó còn là muôn màn rắc rối về chuyện chồng con, gia đình…
Thế mới thấy tinh thần đam mê và nỗ lực phấn đầu vì màu cờ sắc áo của các chị lớn lao và đáng khâm phục đến nhường nào.
Cũng bởi thế mà với nhiều người, chiếc HCV của các cô gái còn giá trị hơn chiếc HCV của các chàng trai U23 (nếu có) rất nhiều, bất chấp việc chắc chắn xét về hiệu ứng lan tỏa, tính chất được cộng đồng chờ đợi thì chiếc HCV bóng đá nam dĩ nhiên là ăn đứt. Nó là sự thể hiện cho sức mạnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, của con cháu Hai Bà Trưng.
Hơn nữa, về khía cạnh chuyên môn, chiếc HCV bóng đá nữ còn là sự phản ánh chính xác, chân thực cho bộ mặt của bóng đá khu vực. Ngược lại, lứa tuổi U23 rõ ràng không thể là thước đo cho sự phát triển của cả một nền bóng đá (chưa kể, mặt bằng các ĐT dự SEA Games năm nay, bao gồm cả U23 Việt Nam, đều yếu hơn mọi năm).
Bỏ qua sự phân biệt đối xử của các doanh nghiệp đối với bóng đá nam và nữ, vì xét cho cùng, mục tiêu của họ chủ yếu là kinh doanh, là quảng cáo thương hiệu, nên đương nhiên phải hướng tới đối tượng nào sẽ giúp tên tuổi của họ được biết đến nhiều nhất. Nhưng quả là thật đáng ngạc nhiên khi chính VFF - cơ quan quản lý trực tiếp các ĐTQG lại vẫn luôn có sự phân biệt đối xử trong chế độ đãi ngộ, treo thưởng cho nam và nữ ở cùng 1 cấp thành tích. Lẽ ra những khoản tiền trích từ ngân quỹ cần phải có sự công bằng giữa nam và nữ, vì VFF đâu có kinh doanh, đâu có làm thị trường mà cần phải thưởng nam nhiều hơn nữ để nhiều người nhớ đến. Có lẽ đã đến lúc những người nữ anh hùng của chúng ta cần nhận được một cái nhìn khác, một sự quan tâm xứng đáng từ mọi phía, mà trước hết từ “các chú”, “các bác”!
Thanh Huyền
Bạn đã chuẩn bị cổ động cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 25 như thế nào? Bạn có những cảm xúc hay kỷ niệm đáng nhớ nào với ngày hội thể thao của Đông Nam Á? Bạn có những hình ảnh đáng nhớ với nước bạn Lào? Hãy gửi cho mục Bạn đọc viết của chúng tôi tại đây hoặc qua email news@zing.vn. Lưu ý: Xin gửi các bài viết từ 300 chữ trở lên. Bạn sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền, tính xác thực của nội dung chia sẻ. Tòa soạn được quyền biên tập và thay đổi tên, địa chỉ nếu cần. |
Theo Bưu điện Việt Nam