Ông bà lấy nhau và sinh được bốn người con, có nếp, có tẻ. Cũng từng trải qua bao tháng ngày gian khó, khi nồi cơm rặt những khoai, những sắn mà chẳng có hạt gạo nào, vẫn sát cánh bên nhau nuôi con khôn lớn trưởng thành mà không một lời than vãn trách móc.
Ấy thế mà, khi các con đứa nào đứa nấy cũng đã yên bề gia thất, ông bà lại “đổ đốn”, đòi ở riêng với cái lý do “không hợp nhau” cơ đấy.
Mặc cho con cháu can ngăn, hai người vẫn quyết định ở riêng trong cùng một nhà. Mỗi người chiếm giữ một căn buồng phía đầu hồi của căn nhà cấp bốn, ba gian nhà ngoài dùng chung. Rồi bắt đầu chia đũa bát, nồi niêu, xoong chậu.
Thế mà cũng mất cả buổi sáng với phần thắng nghiêng về phía bà. Toàn bộ đồ đạc trong ba gian ngoài thì dùng chung, nhưng cái tivi thì chia theo giờ. Nghĩa là đến giờ ông xem thì bà đừng có hòng mà mon men cái điều khiển.
Ra đến sân bãi, bà chia đôi để cả hai đều phải quét dọn. Bà chọn mảnh sân phía có cây sấu già, bởi mỗi năm bà cũng bán được kha khá tiền từ nó. Ông biết bà “tham” nên ông cũng ra luôn quy định: “Nếu lá cây của bà nó rụng xuống sân của tôi thì bà đi mà quét”.
Bữa nọ, bà mua được món tôm nhỏ, rất ngon, rang vàng ươm. Ông nhìn thấy thèm quá, đánh liều sang hỏi “vay” một đũa vì nay ông quên không mua thức ăn. Bà nghĩ một đũa tôm thì gắp được nhiêu đâu, nên bà tặc lưỡi đồng ý.
Ông cầm đôi đũa, khéo léo quấn vài vòng để những cái râu tôm nó cuốn vào đũa và rồi nhấc lên trong ánh nhìn sắc lẹm của bà.
Hôm sau, ông quyết định trả nợ. Ông băm một bát sườn thật mịn, phi hành thơm nức, cho sườn vào nêm nước mắm nức mũi và đảo. Sườn chín, ông bê cả bát qua “nhà” bà và bảo: “Hôm qua tôi vay bà đũa tôm, nay tôi trả bà đũa sườn. Đấy, bà gắp đi”.
Tình cảm thời "ông bà anh". Ảnh minh họa: Kim Oi Wedding. |
Bà tham gia hội dưỡng sinh, nên thi thoảng tối cũng phấn son theo các bà trong thôn đi giao lưu. Về nhà lại cứ vừa tắm vừa hát, vui rộn ràng. Ông thấy thế sinh nghi, nên đi theo bà xem sao.
Tối đó, nhà bà Hạ được một phen thất kinh, khi nghe tiếng hét toáng lên lúc bà ấy pha trà, tiện tay hất cái nước tráng chè ra bụi lá dong đầu nhà, nơi ông đang thập thò, nhòm ngó rình bà anh. Hóa ra, già rồi cũng biết ghen, em nhỉ!
Bà bận ra đồng nên nhiều khi quên mua những gia vị để nấu nướng. Mỗi lần thế, ông lại len lén lúc bà vắng nhà, bỏ vào lọ của bà khi thì tí mì chính, lúc lại ít bột canh, nhưng tí một thôi cho bà đỡ nghi.
Ấy thế đến lúc ông sang vay, nhớ lại vụ con tôm, bà nhất quyết lắc đầu không đồng ý. Già như bà anh, mà còn rất tỉnh, em thấy không?
Chú ba nhà anh đón bà ra thành phố chơi với con cháu, bà hí hửng xếp dọn quần áo tư trang cho cả tuần ở lại đó. Ông thì im lặng chả nói năng gì. Ông cứ ngồi cả buổi chiều đó trên cái chõng tre dưới gốc cây sấu và nhìn ra phía cổng. Thấy có tiếng lạch cạch nơi cổng sắt. Bà về. Ông mừng nhưng lại cố tỏ ra khinh khỉnh: “Tôi tưởng bà đi luôn cơ mà, mang lắm quần áo thế còn gì”.
Bà nguýt ông một cái thật dài: “Đi để ông bán hết sấu của tôi à?”.
Tối ấy ông bà ăn cơm chung, vì ông bảo ông trót nấu nhiều cơm canh quá, bỏ nó phí!
Bà đi mổ ruột thừa, ông gửi theo một làn báo cũ kèm cái bật lửa. Bố anh hỏi để làm gì với chúng thì ông dặn: “Các con đốt báo lên, hơ tay qua cho ấm rồi mới được sờ vào người mẹ kẻo lạnh”. Mẹ anh nhìn bố, ra chiều nhắc nhở: “Anh đã bao giờ quan tâm em thế chưa”.
Sức khỏe bà không ổn định, nên cả nhà họp bàn đưa bà vào bệnh viện an dưỡng một thời gian. Ông vui vẻ gật đầu, rồi cũng tự mình thu xếp vài bộ quần áo vào cái balo trấn thủ của ông. Cô tư bảo, ông ở nhà còn trông nom nhà cửa chứ tính đi đâu.
Ông quát cô: “Mẹ mày ở đâu thì là nhà tao ở đó. Vào viện có người nói chuyện mới nhanh hết ngày chứ để mẹ chúng mày một mình trong ấy à?”.
Cả nhà ai cũng buồn cười vì biết rõ mười mươi ông thương bà lắm, nhưng đố ai dám cười vì sợ ông giận. Sau đợt đi viện về, ông lấy cớ bà yếu nên đề nghị ăn chung để ông nấu nướng chăm sóc, kẻo nhỡ bà ốm ra đấy thì chả ai… bán sấu cho.
Bà gật đầu đồng ý, chuyển bát đũa về chung một cái chạn. Bà gọi điện cho bố anh, kêu về nhà lắp cho bà cái điều hòa vì thời tiết mùa hè nó nóng quá. Bố về, bố thấy giường bà có hai cái gối đầu giống nhau rồi em ạ! Sau này bọn mình già, liệu có “trẻ con” được như vậy không em nhỉ?