Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện Nguyễn Bảo Hoàng 10 năm đi gõ cửa McDonald’s

Để giành được quyền phát triển thương hiệu McDonald’s tại Việt Nam, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam - Nguyễn Bảo Hoàng đã trải qua cuộc cạnh tranh gay gắt suốt trong 10 năm.

Chuyện Nguyễn Bảo Hoàng 10 năm đi gõ cửa McDonald’s

Để giành được quyền phát triển thương hiệu McDonald’s tại Việt Nam, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam - Nguyễn Bảo Hoàng đã trải qua cuộc cạnh tranh gay gắt suốt trong 10 năm.

Không lâu sau khi đưa tạp chí nhà giàu Forbes “tấn công” thị trường, ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam, lại tiếp tục làm giới kinh doanh bất ngờ khi giành được quyền phát triển thương hiệu McDonald’s tại đây.

 
Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam - Nguyễn Bảo Hoàng.

Nếu như sự ra đời của Forbes Vietnam là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Forbes tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì thương hiệu McDonald’s lại là điểm dừng chân đầu tiên sau 15 năm thương hiệu này không xuất hiện ở một quốc gia mới nào.

Để giành được quyền kinh doanh này, ông Hoàng đã trải qua một quá trình cạnh tranh gay gắt trong 10 năm qua. Ông bắt đầu liên hệ, nộp hồ sơ cho lãnh đạo cao cấp của McDonald’s từ khi họ chưa có ý định mở nhà hàng tại Việt Nam. Ông đã nhiều lần đến gõ cửa trụ sở của McDonald’s, tiếp cận và chia sẻ những số liệu mà ông có về thị trường ở Việt Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo của McDonald’s vẫn trả lời thẳng thừng là thị trường Việt Nam không phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ. Đặc biệt, đại gia này rất cẩn trọng trong việc sử dụng thương hiệu. “Họ không muốn sự nóng vội khi đầu tư vào một thị trường mới sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu trong hệ thống của họ trên toàn cầu”, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói.

Điều này lý giải vì sao, đoàn lãnh đạo cấp cao của McDonald’s luôn âm thầm đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và có những điều tra rất kỹ về các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu, hạ tầng, kiềm chế lạm phát, chi tiêu của người dân và tỷ lệ thất nghiệp.

Thực tế, McDonald’s không muốn đứng ngoài cuộc chơi tại thị trường Việt Nam. Trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nhân đã tìm cách đưa thương hiệu này vào Việt Nam, nhưng thất bại. Cuối năm 2012, sau khi Burger King và Subway tuyên bố kế hoạch bành trướng, thì đó là lần đầu tiên đại gia này chủ động công bố với báo giới về ý định thâm nhập thị trường Việt Nam theo hình thức nhượng quyền 100%.

Đối với ông Hoàng, việc lọt vào “mắt xanh” của McDonald’s cũng có phần may mắn. “Nhờ sống ở Mỹ nhiều năm, nên tôi được lãnh đạo McDonald’s đánh giá cao về kinh nghiệm làm việc. Đặc biệt, tôi là một fan hâm mộ của McDonald’s từ bé, nên lãnh đạo nhà hàng nổi tiếng thế giới này đã cảm nhận được tình cảm mà tôi dành cho McDonald’s”, ông Hoàng chia sẻ.

Trâu chậm không uống nước đục

Các thương hiệu nổi tiếng đều nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam, nhưng thâm nhập nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào chiến lược nội bộ. Với sự chậm trễ của McDonald’s, ông Hoàng cho hay: “Cách làm việc và văn hóa của McDonald’s không phải là để so sánh với các thương hiệu khác”.

Vốn đã biết rất nhiều về thương hiệu này và từng làm nhân viên trong cửa hàng McDonald’s tại Mỹ, nhưng ông Hoàng cũng rất bất ngờ với cách họ làm ở Việt Nam. Đây có lẽ là chiến lược khôn ngoan của McDonald’s khi họ đứng bên ngoài để quan sát các đối thủ kinh doanh, xem họ có thay đổi được thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam hay chưa.

Thông thường, khách đi ăn nhà hàng, có ba yêu cầu: đồ ăn phải nóng, tươi, ngon; cung cách phục vụ và thiết kế của quán. Điều quan trọng với McDonald’s là nguồn cung thực phẩm tươi. Tất cả những thị trường McDonald’s xuất hiện, đều có hệ thống chuỗi cung ứng nguyên liệu. Để đảm bảo điều này, ngay sau khi ông Hoàng nhận nhượng quyền, phía McDonald’s sẽ hỗ trợ ông  tìm một đối tác ở Việt Nam để cùng đầu tư một nhà máy chuyên cung cấp các thực phẩm bò, gà, heo cho nhà hàng.

“Có thể, thời kỳ đầu, chúng tôi sẽ phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu, nhưng trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu sử dụng 100% nguyên liệu trong nước”, ông Hoàng nói, và cho biết McDonald’s sẽ áp dụng công nghệ mang từ Mỹ sang, để có thể đo được mật độ giao thông, phương tiện qua lại và các giao dịch thương mại trên khu vực mà McDonald’s đóng đô.

Theo ông Hoàng, tất cả công nghệ mà McDonald’s sử dụng trên toàn cầu sẽ được sử dụng tại nhà hàng đầu tiên của TP.HCM, khai trương đầu năm 2014. Hiện vị trí nhà hàng chưa được tiết lộ, song ông Hoàng, McDonald’s thường chọn mở nhà hàng ở những nơi có nhiều hộ gia đình sinh sống.

Mọi chuyện vẫn còn đang ở phía trước, song ông Hoàng tin rằng, sự xuất hiện của McDonald’s tại đây sẽ hóa giải những nghi ngờ của nhà đầu tư nước ngoài về sự phát triển của thị trường Việt Nam.

Theo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm