Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Nguồn: Vietnamnet. |
Những năm 90, các nhà xuất bản tự phải hạch toán kinh doanh, tự lo có tiền trả lương cho cán bộ, có tiền để trả nhuận bút, để in ấn và tự lo phát hành sách. Phải thừa nhận bước đầu là rất khó khăn với các nhà xuất bản, vì phải căng ra mà nghĩ sao có sách hay hoặc ít ra là đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc thì mới bán được sách, mới có lãi, có tiền cơ quan mới tồn tại được.
Các nhà xuất bản phải tìm cách bung ra để liên kết với các đầu nậu sách, các nhà sách tư nhân. Thời gian này, đầu nậu sách, các nhà sách tư nhân xuất hiện rất nhanh và rất nhiều. “Đầu nậu” sách - xin mọi người đừng nhầm với “đầu lậu”. Đầu lậu là gian lậu, trốn thuế, in nối bản, trốn giấy phép. Còn đầu nậu sách là những cá nhân yêu thích sách và mê sách.
Họ chỉ là cá nhân thôi nhưng say mê sách, biết những cuốn sách hay, tìm đọc, mua bản quyền rồi thuê người dịch, đưa đến nhà xuất bản nộp quản lý phí, chờ biên tập xong, có giấy phép xuất bản, bỏ tiền ra in và tìm mối phát hành. Có nghĩa, để có một cuốn sách hay, đầu nậu sách phải lo tất cả các cung đoạn, các khâu kể cả khâu tính toán kinh doanh lỗ hoặc lãi.
Thị trường sách thời gian này sôi động hơn bao giờ hết. Các nhà xuất bản trước đây trông vào tiền nhà nước tài trợ mỗi năm xuất bản được vài chục đầu sách, tầm cỡ như Nhà xuất bản Khoa học xã hội cũng chỉ có 20 đầu sách một năm, thì bây giờ các nhà xuất bản hàng năm xuất bản được hàng trăm, vài trăm đầu sách.
Các đầu nậu lùng sục vào các kho sách in trước năm 1945 chưa được in lại sau này, vào các mảng sách dịch ở miền Nam trong thời kỳ trước 1975 và đặc biệt là khai thác các tác phẩm văn học Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh… của các nhà văn nổi tiếng thế giới mà chúng ta vì chiến tranh nên chưa dịch và giới thiệu được nhiều. Chưa nói đến mảng sách văn học Việt Nam, chỉ nói mảng sách dịch đã nổi lên như cồn, đã có những ngọn cờ tiên phong đóng góp cho sự phong phú, đa dạng mảng sách dịch ở phía Bắc. Một câu như một thành ngữ được truyền miệng trong giới làm sách dịch phía Bắc: “Nhất Bách, nhì Quỳ, tam Miên, tứ Huyến” đã xuất hiện.
Bách là nhà văn - nhà biên kịch phim Trần Hoàng Bách, cán bộ hãng phim truyện Việt Nam. Quỳ là hoạ sỹ Trần Ngọc Quỳ, công tác ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Miên là Nguyễn Thị Miên, nguyên là Phó giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ. Huyến là dịch giả Đoàn Tử Huyến công tác tại Nhà xuất bản Lao động.
Bốn “đầu nậu sách” này đã làm cho thị trường sách dịch sôi động, sách ra quyển nào hết quyển ấy. Tôi chắc rằng nếu ngành xuất bản khi viết lịch sử ngành mà không nói về đóng góp của 4 tác nhân này, không nói về đóng góp của các nhà sách tư nhân trong thời đổi mới xuất bản sẽ là rất thiếu sót. Trước đây chúng ta chưa chấp nhận hình thức kinh tế tư nhân, nhưng theo dòng chảy của đổi mới, kinh tế tư nhân vẫn tồn tại và đã đóng góp cho xã hội nhiều mặt trong phát triển nói chung và cho ngành xuất bản nói riêng.
Tôi không hiểu vì sao người ta lại xếp “tứ Huyến”, nghĩa là Đoàn Tử Huyến đứng hàng thứ 4? Có lẽ vì Huyến trẻ nhất hay xuất hiện muộn nhất trong 4 người? Nhưng xét về toàn diện, Đoàn Tử Huyến làm ăn bài bản, lang lớp hơn. Huyến thích làm ngoài, không thích bị gò bó, nên xin nghỉ không ăn lương cơ quan, thậm chí còn đóng góp rất nhiều cho Nhà xuất bản Lao động như dồn bản thảo hay về cho cơ quan, nộp quản lý phí cao, thực hiện đầu ra an toàn không để cơ quan thua lỗ.
Huyến không thích làm quản lý công chức nhà nước, ở tầm của ông, gì chứ cái chức giám đốc một nhà xuất bản là chuyện quá bình thường. Nhưng ông mở một công ty sách tư nhân mang tên Trung tâm văn hoá Đông - Tây, trụ sở thuê tại ngay đầu phố Bà Triệu của Ban Việt kiều Trung uơng, sau chuyển về đường Nguyễn Chí Thanh. Nhà sách rất khang trang và rộng rãi, lúc nào cũng dập dìu vui vẻ khách hàng và bè bạn.
Đoàn Tử Huyến nói với tôi: “Ông chỉn chu làm quan chức nhà nước được, nhưng ông sẽ bỏ mất cái tôi, không nhiều thời gian gần bè bạn, lúc nào cũng họp và họp”. Có thể đúng, vì Huyến thích được tự do, thích bè bạn đông vui, mở nhà sách cũng vì muốn giúp công bố các sách của bè bạn, thích uống rượu la cà với bạn bè tối ngày.
Nhiều người mở công ty với mục đích làm giàu, Huyến thì khác, hình như ông mở công ty sách ra để giúp các văn sĩ công bố nhanh các tác phẩm, để thôi thúc ông dịch và dịch nhiều tác phẩm hay mà ông đã ấp ủ từ lâu.
Chính vì vậy mà Đoàn Tử Huyến đã dịch, đã trở thành dịch giả văn học Nga trong tâm trí bạn đọc. Chưa kể rất nhiều cuốn ông tìm, đặt dịch, in ấn chỉ riêng sách dịch của ông đã lên tới vài chục cuốn. Bạn đọc ai chả biết đến cuốn sách đẹp nhất và hay nhất trong làng sách Nga Nghệ nhân và Margarita, tác giả Mikhail Bulgakov do Đoàn Tử Huyến dịch.
Chúng tôi và Đoàn Tử Huyến cũng nhiều lần cộng tác cùng nhau. Cuốn Bách khoa phụ nữ trẻ được xuất bản là do Đoàn Tử Huyến, Lê Huy Hòa (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) và tôi cùng bỏ tiền góp vào cùng làm. Huyến lo bản thảo sách dịch, Hòa lo việc in ấn, còn tôi lo đầu phát hành, họa sĩ Văn Sáng vẽ bìa.
Cuốn sách này có lẽ là đầu tay của Huyến nên ông dành rất nhiều thời gian đầu tư sửa lỗi rất cẩn thận, nâng niu thay đổi bìa vẽ, chọn khổ giấy in rất công phu. Cuối cùng cuốn Bách khoa phụ nữ trẻ được ra mắt và thu được những thắng lợi đáng khích lệ, được in đi in lại tới vài lần, tiền lãi chia nhau bằng cả mấy tháng lương, khao nhau vui vẻ và lại có tiền đầu tư cho những cuốn khác.
“Tứ Huyến” nhưng nói về đóng góp cho văn hóa đọc của ông khó nói hết được, dẫu vậy được xếp hàng trong thành ngữ truyền miệng là công bằng, đáng tự hào lắm. Trung tâm văn hoá Đông - Tây do ông sáng lập ngày một phát triển đi lên. Trung tâm không chỉ phát hành sách mà còn mở thêm mô hình cafe sách cho các cụ, các cháu thiếu nhi đến đọc tại chỗ miễn phí, là nơi giới thiệu sách mới gặp gỡ của các văn nhân. Mô hình này được mở rất nhiều địa điểm khác nữa trong các tỉnh phía Bắc.
Đoàn Tử Huyến mất năm 2020, nhưng sự nghiệp làm sách của ông, cơ ngơi Trung tâm Văn hoá Đông - Tây được người em là Đoàn Tử Hoan kế tục vẫn liên tục phát triển. Và, điều mà bạn bè của Đoàn Tử Huyến rất hài lòng là Đoàn Tử Hoan đã xây dựng thành công Nhà tưởng niệm Đoàn Tử Huyến tại quê nhà Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Đoàn Tử Huyến đã mất 3 năm, nhưng bạn đọc, văn hóa đọc nước nhà không bao giờ quên những đóng góp to lớn của dịch giả - đầu nậu sách Đoàn Tử Huyến.