Lâu rồi trong lịch sử xuất bản Việt Nam mới có một cuốn sách là hồi ức về lính, đặc lính được xuất bản và nhận được nhiều phản hồi, dư luận tích cực của bạn đọc như Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ.
Tác giả tên thật là Xuân Tùng, nguyên trung sỹ thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 trong thời gian chiến tranh biên giới Tây Nam 1978 - 1983.
Một anh lính Hà Nội hào hoa ra đi vào năm 18 tuổi. Cái tuổi “vừa biết yêu” ấy đã được trận mạc dạy cho nhiều thứ từ phục kích, bắn lén, càn quét… cho đến đói khổ, buồn đau, trưởng thành.
Sách Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ. |
Gần 5 năm cuộc sống từ 1978 đến 1983 được gói gọn lại trong hơn 3 trăm trang sách. Có thể, nó chỉ là khoảng nhỏ với một đời người 60-70 năm. Nhưng những năm ấy đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng tác giả.
Để rồi “tên các anh em vẫn luôn được nhắc trong những ngày kỷ niệm, trong hàn huyên lính cũ bên cốc bia hơi vỉa hè hàng phố. Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này…”.
Chiến tranh không chỉ là lấp lỗ châu mai, hay chèn pháo
Có những con chuột mang nỗi khiếp đảm của những người lính trẻ. “Thằng Hải cụt dưỡng thương xong mới về đơn vị. Nó chưa kịp nhận nhiệm vụ thì đêm đó, con chuột chúa đầu đàn, ngửi thấy mùi da non chỗ ngón chân cái cụt, táp ngay một miếng. Nó kêu ré lên, máu phun đẫm ướt vạt mùng. Hôm sau tiểu đoàn lại cho đi viện tiếp”.
Là muỗi: “Con nào con nấy to như con châu chấu. Áo ka ki ga ba đin Nam Định không là cái gì, vòi muỗi xuyên qua hết. Muỗi đốt không ngứa mà đau nhoi nhói vì toàn muỗi đói”.
Trong các tiểu thuyết hay truyện ngắn về chiến tranh, người ta thường bỏ qua những chi tiết đời thường này. Bởi nhiều khi người viết nghĩ nó có gì đâu, cái khổ, cái khó của người chiến sĩ ấy. Phải là lao vào địch, lấp lỗ châu mai hai hay chèn pháo mới là chiến tranh. Nhưng chiến tranh không yên vị ở sự đánh đấm vài ngày hay vài tuần đâu, nó kéo dài cả trong những giấc ngủ mà người ngủ mơ thấy hòa bình.
Nếu ai đó muốn đọc một cuốn sách tìm kiếm sự thực đã xảy ra ở chiến trường Tây Nam, thì sẽ tìm được sự thật trần trụi trong Chuyện lính Tây Nam. Nó không chỉ có “anh dũng lao lên” mà đó còn là cuộc sống hiện tại của người lính chiến vào những năm đầu những năm 1980.
Một anh lính Hà Nội phải sống với cái cuộc sống mà nếu ở thời bình sẽ không thuộc về mình, thế hệ mình. Cuộc sống đó là triền miên của những nỗi nhớ dài như sông Hồng, với các hàng phố cổ, với gia đình chờ đợi trong từng bữa cơm.
Anh lính ấy đập đi cây đàn đã mang theo mình từ lúc mới vào lính đến khi sang nước bạn. Bởi nó vướng víu quá nơi cuộc hành trình mà đạn dược và gạo quan trọng hơn. Rồi cũng chính anh lính ấy lại uống nước trong hố có lẫn mỡ và máu người, cái mùi “ngầy ngậy, nhàn nhạt” ấy còn ám ảnh mãi.
Trong hồi ức của lính Tây Nam, chiến tranh không chỉ là giao tranh, nó hiện diện trong bữa ăn, hành quân, giấc ngủ... |
Và nước còn ám họ rất lâu, như họ phải uống nước trong vũng giữa mùa khô, rồi thấy dưới đáy có cái đầu lâu trắng hếu nhe răng cười nhạo báng, nhưng chẳng thằng nào đổ bi đông nước đi bởi đằng nào thì cũng vào bụng, uống nước này còn hơn uống nước đái.
Mùi của chiến tranh, chính ra là mùi của những người tham dự cuộc chiến ấy. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của chiến tranh Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh không có mấy chương tả về trực tiếp chiến trận.
Trong đó là những giây phút chờ trận đánh, là những cuộc bài mà người sống cuối cùng có trách nhiệm đánh cho những người chết rồi, là hồng ma để tạo ra ảo giác về tình dục, món ăn hay quê hương.
Chiến tranh chưa bao giờ hiện diện ở những giờ phút giao tranh cả. Nó nằm chính trong khoảng thời gian chờ đợi giao tranh, đối đầu, rình rập. Nằm trong những buổi hành quân di chuyển từ nơi đóng quân này sang nơi đóng quân kia, đầy máu và cạm bẫy.
Nơi mà chỉ mới giây trước còn là hình ảnh một anh lính thời bình trên chiếc xe đạp, phút sau đã nằm sấp trên vũng máu, đầu lìa khỏi cổ vì một nhát chém bằng dao quắm cực ngọt từ phía sau.
Cả đám lính sáp đến đám thường dân, tìm những người cầm dao quắm, lôi kéo ra. Nhưng rồi họ vẫn phải đi, chẳng tìm được thủ phạm trong đám người kia khi mà địch lẫn với dân.
Nhiều khi cái chết đến thật ngớ ngẩn, chẳng cái chết nào giống cái chết nào. Chết vì sốt rét, chết vì phục kích, chết vì dính mìn, chết vì ma thiêng nước độc, với những mìn và chông, với cả rắn rết nữa.
Người chết thì đã chết, còn lại người sống, có phản ứng nào con người hơn với phản ứng. “Ngay trước cửa hầm địch 5m là xác thằng Năm trinh sát hy sinh hồi đêm. Súng đã bị thu mất, thi thể găm dày vết đạn. Thấy đôi dép cao su đúc của nó còn tốt, tôi tháo ra xỏ vào chân. Đôi dép trầy trật máu đông của bạn, phải lấy cát xoa vào hết trơn mới xỏ chân được. Lầm bầm tôi khấn mày cho tao xin đôi dép. Sống khôn thác thiêng phù hộ cho tao”.
Hay: “Nhưng muộn mất rồi, đến gần phum Tà-chét anh Hải tắt thở. Một thằng nào đó bỗng hộc lên chửi đ.m rồi chĩa súng lên trời kéo một điểm xạ dài, tụi khác bắn theo đoang đoác. Tiểu liên rống lên bầy đàn uất hận, như vừa bị vả trộm một cái hộc máu mồm nhưng không biết thằng vả mình là đứa nào. Chòm Tua Rua hạ xuống sát đỉnh cây xoải mút. Đã quá nửa đêm lâu rồi mà không thằng nào chịu ngủ”.
Đến cả giấc ngủ cũng luôn chịu sự rình rập từ khắp mọi nơi. Có lúc những người lính đã ngủ chung cả với quân Khmer Đỏ, cũng may, như cách viết hài ước của tác giả: “Rừng che bộ đội rừng che quân thù. Thiên nhiên luôn công bằng với cả hai bên trừ các nhà thơ”.
Chiến đấu như chiến binh và trở về như người bình thường
Người viết cuốn hồi ức này tự nhận không phải một nhà thơ hay nhà văn nhưng chính 120 đoản truyện trong tập là 120 hồi ức kế tiếp nhau về quãng sống của một con người là một trường ca dài.
Những hồi ức trong sách sống động, như 4 năm gian khổ chỉ mới vừa xảy ra. |
Những cái tên “Lên chốt”; “Đập vỡ cây đàn”; “Khế ước cách mạng”; “Tiếng lục lạc bò”; “Tết chiến trường”; “Lămthon gái góa”; “Giải vây sư 341”; “Chửi nhau với địch ở Oudong, Uống nước xác người trong đường sắt”; “Tiếng hú chim thiêng”; “Lá thư đô thị”; “Vượt đỉnh Aoral”; “Hàng phố bâng khuâng”; “Lung lay bóng nguyệt”; “Tìm diệt”; “Mùa khô rừng khộp”; “Loạt đạn gọi hồn”; “Buổi chiều máu”; “Tiếng cối đêm sương”; “Ngủ chung với địch”; “Nữ chiến binh Kh’mer Đỏ”…cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh cũng như mong ước của những người lính trẻ. Họ cần chiến đấu như một chiến binh và cần trở về như một người bình thường.
"Tôi trở về, bước lên thềm nhà đúng chiều 23 Tết Quý Hợi 1983, sau hơn 4,5 năm dọc dài trên các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp. 4 năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về. Cuộc sống làm ăn xô cuốn, nhưng những gương mặt thân quen ấy nhiều đêm trở lại".
Cuốn hồi ức kết thúc với những dòng giản dị như thế. Nhưng với những người đọc cuốn sách (ngay cả với tác giả Trung Sỹ) thì cuộc chiến tranh Tây Nam chưa khi nào kết thúc cả.
Nó vẫn còn đấy ở những đoạn hồi ức, ở những cái tên đất như Long An, Sway Rieng, Niek Luong, Phnom Penh, Tonle Sap, Kien Khleng, Oudong, Kampong Chnang, Ponley… hay tên người như Nhương, Thẩm, Sơn, Tường, Hoạch, Túy, Ky, Toàn, Thoan, Quang, Phượng, Sên, Quan, Vệ…
Tất cả như vừa mới đây thôi!