Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện lập nghiệp của giám đốc 9X thích thêu thùa, may vá

Quyết định nghỉ học và từng bị mẹ đuổi ra khỏi nhà, nhưng chàng trai tuổi Mùi quê ở Yên Bái vẫn hạ quyết tâm khởi nghiệp bằng đam mê thêu thùa, may vá.

Sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố làm trong ngành bảo hiểm, mẹ là bác sĩ nhưng Nguyễn Phương Nam (sinh năm 1991) lại có sở thích thêu thùa, may vá. Năm 2009, theo quyết định của mẹ, Nam đăng ký thi đại học ngành dược nhưng thiếu điểm. Mặc cảm với gia đình và bạn bè, Nam quyết ôn luyện thi tiếp năm sau nhưng lần này thảm hại hơn với số điểm chưa đủ điểm sàn.  

Cú sốc đầu đời của cậu bé 19 tuổi khiến bố mẹ và nhiều người xung quanh rất phiền lòng. Khi đó, Nam chiều theo ý mẹ đăng ký học ngành Viễn thông của Cao đẳng Bách Khoa Hà Nội. Chính việc được "bay nhảy", tự do khi đi học đã nhen nhóm cho cậu bé nhút nhát ngày nào suy nghĩ thỏa sức đam mê, sáng tạo.

Sinh viên chỉ bận rộn vào các kỳ thi, ngày thường rảnh rỗi, ngoài giờ tới trường, Nam lại ngồi tỉ mẩn cắt những miếng vải vụn từ quần áo cũ để khâu thành búp bê. Khi cậu khoe những tác phẩm trên trang cá nhân, nhiều bạn bè khen đẹp và một số người hỏi mua. Lúc ấy, mỗi con gấu, búp bê, nơ, kẹp tóc Nam làm chỉ có giá 10.000-15.000 đồng.

Từng bỏ học và bị mẹ đuổi ra khỏi nhà nhưng sau 5 năm, Nguyễn Phương Nam đã chứng minh cho mọi người thấy bằng sự nghiệp hiện tại khá suôn sẻ. Ảnh: Ngọc Lan.

Là con trai nhưng khéo tay và có óc thẩm mỹ nên những tác phẩm handmade của chàng trai tuổi Mùi rất có hồn. Số lượng khách đặt mua ngày càng nhiều khiến Nam càng hăng say. Khi ấy, ngoài những mẫu có sẵn trên mạng, cậu tự tìm tòi và sáng tạo ra những hình thù mới. Tất cả đều được làm từ vải cũ, một số phụ kiện nhỏ đi xin.  Số tiền kiếm được lại được cậu dồn vào mua vải, bông, chỉ,… về làm tiếp.

Khách đặt hàng đông, những buổi học trên lớp của Nam ngày càng nhạt nhòa. Khi ấy, cậu về nhà và xin phép bố mẹ cho nghỉ học nhưng bị mẹ đuổi ra khỏi nhà. Nam cho biết, thời điểm đó, nghĩ về tương lai phía trước, ngồi trên xe bố chở ra Hà Nội, cậu đã khóc.

“Khi ấy, bố dúi vào tay mình 500.000 đồng, động viên mình phải vượt qua. Để lựa chọn giữa 2 con đường gia đình và đam mê, mình đã phải suy nghĩ rất nhiều", Nam chia sẻ. Cuối cùng, cậu quyết định nghỉ học, theo đuổi đam mê, chứng minh cho mọi người thấy sự đúng đắn của con đường đã chọn. 

Ngay khi lên Hà Nội, Nam dành tất cả số tiền đi mua phụ kiện về khâu, vá. Những sản phẩm của cậu ngày càng phong phú, từ con búp bê móc treo chìa khóa, đến kẹp nơ, bờm tóc, đèn lồng... Sau một thời gian nỗ lực, từ các sản phẩm giá 5.000-10.000 đồng, cậu kiếm được 3 triệu đồng/tháng.

Hè 2010, trong khi bạn bè về quê nghỉ hoặc đi du lịch, một mình Nam ở Hà Nội khâu đồ bán cho khách. Tay chai rát vì cầm kim, chảy máu vì chỉ cứa nhưng Nam vẫn kiên trì. Có những khách ở xa chỗ Nam ở đến 15-20 km nhưng cậu vẫn nhận đơn hàng, giao tận nơi mà không tính phí vận chuyển. 

Nguyễn Phương Nam trong một dự án thiết kế năm 2014. Ảnh: NVCC.

Dần dần, chàng trai rụt rè, yếu đuối ngày nào trở nên cứng rắn, bạo dạn và sành sỏi hơn trong việc kinh doanh. Nam đứng lên lập nhóm làm đồ handmade trên mạng xã hội và thường xuyên tổ chức câu lạc bộ, dạy và giao lưu cho các cộng tác viên.  Chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng thành viên lên cả trăm người, mở rộng trong Nam, ngoài Bắc.

Nhờ mở rộng được mối quan hệ, bạn hàng cũng như học được nhiều kiến thức, ngoài khâu và làm đồ handmade, Nam còn nhận làm đồ décor cho tiệc cưới. Năm 2013, sau khi số lượng khách đặt đơn hàng ngày càng nhiều, nên Nam tự thuê xưởng rộng hơn để phục vụ công việc. Nhờ cách làm quảng cáo và tham gia nhiều câu lạc bộ cũng như thường xuyên duy trì các buổi offline cho các bạn bè cùng sở thích, Nam nhận được các hợp đồng làm décor quy mô lớn như ở Sân vận động quần ngựa, Cung văn hóa thiếu nhi đến mấy chục triệu đồng.

Thế nhưng, mới chập chững bước vào đời, kinh nghiệm thiết kế cũng như quản lý công việc còn non nớt, chưa làm chủ được đồng tiền nên trong lần làm dự án lớn nhất với tổng giá trị lên đến gần 100 triệu đồng, Nam bị lỗ 20 triệu. Chàng trai 9X phải vay chạy khắp nơi để đầu tư cho các dự án tiếp theo. 

Biết điểm yếu của mình là thiếu kinh nghiệm về chuyên môn nên Nam mượn sách của anh trai đang làm kiến trúc sư về tìm hiểu. Cũng nhờ tự mày mò nghiên cứu, chỉ trong một thời gian ngắn, Nam có thể tự đọc, hiểu các bản vẽ, dần hiểu ra vấn đề cốt lõi dẫn đến thất bại của mình. Ngoài ra, Nam cũng đăng ký học Cao đẳng Công nghiệp Dệt may-Thời trang Hà Nội.  

Từ sở thích thuê thùa, may vá, Phương Nam còn tự học hỏi và mở rộng sang lĩnh vực thiết kế. Ảnh: NVCC.

Là con trai nhưng lại thích thêu thùa, may vá, Nam khiến nhiều bạn bè và người xung quanh nghi ngờ về giới tính. Mặc dù bỏ ngoài tai những lời dị nghị, nhưng những lời bàn tán cũng làm cho cậu cảm thấy mặc cảm. Cũng khi ấy, thầy Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng khoa Kinh tế đã tạo điều kiện và động viên Nam rất nhiều. “Việc làm đúng thì mình cứ làm, không thể chiều lòng hết được thiên hạ. Em phải phấn đấu để một vài năm nữa, khi những người chưa thực sự hiểu vẫn đang chập chững vào đời thì em đã có những thành quả họ không sánh được”, Nam nhắc lại lời động viên của thầy giáo.

Cũng sau lần ấy, Nam được tiếp thêm động lực để phấn đấu. Năm 2014, ngoài tiếp tục phát triển sản phẩm handmade, henna, Nam còn nhận các dự án thiết kế công trình. Số tiền dự án cũng theo đó tăng dần, từ 3-4 triệu đồng đến hàng trăm triệu, có khi cả tỷ đồng. Song song đó, chàng trai tuổi Mùi còn tự lập công ty thiết kế công trình với hơn 10 nhân viên và hàng trăm cộng tác viên ở Hà Nội và TP HCM. Lao động trong công ty của cậu có mức thu nhập 3-5 triệu đồng.

Dù không học qua bất kỳ một trường lớp nào về may vá, thêu thùa nhưng có đam mê và nỗ lực Nam đã thành công thực hiện ước mơ của mình. Nam tâm sự: “Trong sự nghiệp kinh doanh, không gì quan trọng bằng có đam mê và vượt lên chinh phục nó. Nhiều người nói mình không đi đường thẳng mà lại chọn đi đường vòng, nhưng mình đã chứng minh cho mọi người thấy, 'đường vòng' mình chọn chính là con đường ngắn nhất". 

9X bỏ việc ở trời Tây về Việt Nam làm bánh giá rẻ

Bỏ công việc đầu bếp với mức lương gần 2.000 USD ở Thụy Sỹ, Hồng Anh quyết định về Việt Nam mở tiệm bánh handmade để thỏa mãn đam mê của mình.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm