Thậm chí, còn được hướng dẫn tận tình để lần sau không tái phạm. Đó là "sự tử tế" mà nhiều người bảo rất hiếm gặp.
Chuyện lạ ở Đà Nẵng
Chúng tôi đem câu chuyện đang lan truyền trên mạng ca ngợi CSGT Đà Nẵng phát hiện người vi phạm luật không xử lý mà chỉ nhắc nhở khiến cộng đồng mạng cho là “chuyện lạ”, chỉ có ở Đà Nẵng, hỏi đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng.
Đại tá Ngọc cho biết: “Chủ trương của chính quyền TP Đà Nẵng là nếu phát hiện khách du lịch hay người ở các tỉnh thành đến Đà Nẵng nếu vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, không đúng làn đường... thì CSGT thực hiện dừng xe, giải thích lỗi vi phạm cho người dân, cho lái xe hiểu. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ xử lý nghiêm”.
“Nếu cứ theo luật mà xử phạt vi phạm thì không có gì phải nói. Nhưng CSGT là công chức nhà nước, phục vụ nhân dân nên làm gì cũng phải có cái lý, cái tình. Việc này đã diễn ra từ thời cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và được lãnh đạo CA TP Đà Nẵng yêu cầu phải duy trì. Người CSGT cũng phải có văn hóa, phải phục vụ nhân dân tận tụy góp phần xây dựng TP Đà Nẵng thành TP đáng sống”- đại tá Lê Ngọc nhấn mạnh.
CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố. |
Được biết, đây không phải là những trường hợp “cá biệt”. Lật lại những trang nhật ký công tác của lực lượng CSGT Đà Nẵng có thể thấy tính xuyên suốt của chủ trương này.
Trong “nhật ký” là cả một danh sách dài những trường hợp vi phạm được CSGT giải thích và nhắc nhở, nếu tái phạm lần 2 sẽ xử lý nghiêm như các trường hợp: Ngày 11/4, lúc 19h15, dừng xe khách do tài xế Lê (33 tuổi, quê Hà Nội) đi vào đường cấm, nhắc nhở; Lúc 20h05, dừng xe khách do tài xế Nam (55 tuổi, Gia Lai) đi vào đường cấm, nhắc nhở.
Ngày 22/6, lúc 6h, dừng xe khách do tài xế Văn (48 tuổi, Hà Tĩnh) đi ngược chiều, nhắc nhở; Ngày 29/6, lúc 16h, dừng xe khách do tài xế Đức (49 tuổi, Quảng Trị) đi vào đường cấm, nhắc nhở…
Đó là những trường hợp tiêu biểu trong thời gian gần đây. Còn nếu trở lại thời gian trước thì có cả hàng nghìn trường hợp được lực lượng CSGT tại đây nhắc nhở khi vi phạm.
Đại úy Hồ Thanh Hiền – Đội trưởng đội điều khiển tín hiệu đèn giao thông (PC67 Đà Nẵng) - cho biết từ khi TP Đà Nẵng thực hiện việc phân làn đường xe trên các tuyến đường lớn (địa bàn TP Đà Nẵng có 36 tuyến phân luồng), lực lượng CSGT luôn được quán triệt là chỉ nhắc nhở cho du khách nếu họ lỡ vi phạm.
“Tuy nhiên, với những trường hợp có hành động không đúng với văn hóa giao thông, không chấp hành tốt luật giao thông đường bộ ví dụ như uống rượu bia say, tụ tập, gây rối thì sẽ bị cương quyết xử lý”, đại úy Hiền nói.
Thu phục nhân tâm bằng tấm lòng
Tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong khi du lịch cả nước sụt giảm hơn 11% thì Đà Nẵng vẫn tăng 24,9% về tổng lượng khách.
Theo ông Thơ, để đạt được điều đó, nhờ rất nhiều yếu tố, như môi trường du lịch, biển, con người, văn hóa, an ninh trật tự, văn minh thương mại… của Đà Nẵng. Nhưng cái chính được người dân cả nước quý mến là tấm lòng của người dân Đà Nẵng nói chung.
“Những gì đã làm được thì cố gắng giữ và làm cho tốt hơn, trong đó có những việc rất đơn giản, gần gũi nhưng phải làm thì mới được. Cần tập trung tạo môi trường vệ sinh, an ninh trật tự, văn minh thương mại, văn hóa ứng xử thật tốt…
Đó là những cái không mất nhiều tiền. Khắp nơi người ta yêu mến Đà Nẵng chính vì điều đó, chứ chưa hẳn vì Đà Nẵng có Bà Nà, có Sơn Trà, có Ngũ Hành Sơn mà người ta đến” - ông Thơ nói.
Lực lượng CSGT Đà Nẵng thường xuyên tuần tra và tổ chức tuyên truyền luật giao thông trên địa bàn TP. |
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người đến TP bên sông Hàn này tâm sự, Đà Nẵng làm du lịch rất khéo, bởi ngay cả lực lượng CSGT... cũng làm du lịch.
"Từ nay, nhắc đến Đà Nẵng, bên cạnh những “đặc sản” đã có từ lâu như Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, bên cạnh 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh,… thì người ta còn nhắc đến những “đặc sản” con người của TP này, trong đó có cả CSGT” - một người dân nói.
* Tên một số tài xế đã được thay đổi.