Dân Afghanistan tránh số 39
Ảnh minh họa: blogspot.com |
39 là một con số đáng sợ ở Afghanistan, đặc biệt là ở thủ đô Kabul. Theo Independent, Mặc dù không ai có thể giải thích lý do khiến xã hội Afghanistan xa lánh con số 39, người dân địa phương không bao giờ để nó xuất hiện trên biển số xe, số điện thoại và địa chỉ nhà riêng. Chẳng hạn, nếu một ô tô có giá 12.000 USD, người chủ sở hữu sẵn sàng bán nó với giá 7.000 USD nếu số 39 xuất hiện trên biển số.
Những người có biển xe mang số 39 sẽ nhờ các chuyên gia về chữ viết chỉnh sửa để nó có hình dạng giống số 38. Nếu 39 tồn tại trong số điện thoại, người dân sẽ chọn chế độ ẩn số khi thực hiện cuộc gọi. Những người 39 tuổi sẽ không bao giờ nói tuổi thật, mà nói tránh bằng nhiều cách, như “năm sau tôi sẽ 40 tuổi” hay “tôi vừa qua tuổi 38”.
Số điện thoại 0888 888 888
Mobitel, một công ty viễn thông ở Bulgaria, ngừng cấp số điện thoại 0888 888 888 sau khi ba người sử dụng nó qua đời trong vòng 10 năm, Guardian đưa tin. Người đầu tiên là Vladimir Grashnov, cựu tổng giám đốc điều hành của công ty. Ông lìa đời vào năm 2001. Mọi người nói ông qua đời vì ung thư, song một số người đoán một đối thủ đầu độc ông.
Sau đó số điện thoại thuộc về Konstantin Dimitrov, một trùm ma túy. Hắn mất mạng tại Hà Lan khi tới đây để giám sát hoạt động của đế chế buôn lậu mà hắn lập nên. Cảnh sát đoán xã hội đen Nga trừ khử Dimitrov để loại bớt đối thủ.
Người thứ ba sử dụng số 0888 888 888 cũng là một kẻ buôn lậu ma túy kiêm nhà quản lý bất động sản - Konstantin Dishliev. Ông ta chết bên ngoài một nhà hàng ở thành phố Sofia, Bulgaria sau kh cảnh sát vừa tịch thu lô ma túy trị giá 130 triệu bảng của ông ta. Sau cái chết của Dishliev, Mobitel thu hồi số 0888 888 888 và không bao giờ sử dụng nó nữa.
Người Trung Quốc sợ số 250
Ở Trung Quốc, số 250 đồng nghĩa với sự sỉ nhục, Global Times đưa tin. Trong tiếng Hoa, người ta đọc nó là “er bai wu”, nghĩa là “kẻ ngu ngốc”. Ngoài ra người ta cũng có thể phát âm nó thành “liang bai wu” và “er bai wu shi”, nghĩa là không mang nghĩa tiêu cực.
Có lẽ việc dùng số 250 để sỉ nhục người khác bắt nguồn từ thời cổ đại. Hồi đó người dân Trung Quốc vẫn dùng đồng để đúc tiền xu. 1.000 đồng xu là mức chuẩn, còn một nửa số đó (500 đồng xu) ám chỉ một thứ hoặc một người hạ đẳng, còn một nửa của 500 đồng xu (250 đồng xu) ám chỉ một người hoặc một vật vô cùng thấp kém.
Hãng Gulfstream Aerospace đổi tên mẫu phi cơ Gulfstream G250 để tránh số 250. Ảnh: Gulfstream Aerospace |
Người dân Trung Quốc sợ số 250 đến nỗi Gulfstream Aerospace, một trong những công ty hàng đầu về thiết kế máy bay thương mại tại Mỹ, phải đổi tên Gulfstream G250 (một phi cơ thương mại tầm trung) thành Gulfstream G280. Phó chủ tịch của hãng giải thích rằng 280 là số không gây hiểu nhầm trong nhiều nền văn hóa.
17 - Con số đen đủi ở Italy
Đối với người Italy, 17 là số không may mắn. Nó tượng trưng cho cái chết vì nó được viết thành XVII theo số La Mã. Người ta có thể sắp xếp lại số XCII thành VIXI, nghĩa là “Tôi từng sống” – dòng chữ mà người La Mã thường viết lên bia mộ, Express đưa tin. Ngoài ra, trận đại hồng thủy trong Kinh thánh bắt đầu vào ngày 17/2. Trong hệ thống lý giải giấc mơ bằng số, 17 đồng nghĩa với sự rủi ro.
Nhiều khách sạn ở Italy không có phòng 17 và một số hãng hàng không ở nước này không có hàng ghế thứ 17. Khi ngày 17/11 (Ngày của người chết), rơi vào thứ sáu, người ta sẽ gọi cả tháng đó là “Tháng của người chết”.