Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia y tế: 'Kéo dài hơn nữa thời gian học online rất nguy hại'

Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại.

Sáng 19/1, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.

Hội thảo được tiến hành sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thống nhất lộ trình để mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về tình hình dạy học trong thời gian qua, tác động của việc trẻ không được đến trường trong thời gian dài. Các chuyên gia y tế cũng đưa ra kiến nghị nên sớm cho học sinh trở lại trường.

Keo dai hon nua thoi gian hoc online rat nguy hai anh 1

Học sinh TP.HCM đến trường trở lại sau 7 tháng ở nhà vì dịch. Ảnh: Chí Hùng.

Tỷ lệ lây nhiễm trong trường học rất thấp

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết 2 năm qua, ngành giáo dục đã điều chỉnh hoạt động dạy học để thích ứng với dịch. Những nơi an toàn dạy học trực tiếp, nơi dịch phức tạp dạy trực tuyến kết hợp truyền hình.

Ông cho biết ở nhiều nơi, trẻ em không được đến trường hoặc đến trường rất ít đã tác động đến sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.

Ông cho rằng việc từng bước mở cửa trường học là cần thiết. Theo tư lệnh ngành giáo dục, hiện nay, cả nước tiêm vaccine với tỷ lệ cao. Người dân cũng nâng cao hiểu biết về phòng, chống dịch. Chính phủ đã chỉ đạo cần thiết xem xét việc mở cửa trường học thích ứng an toàn và điều chỉnh linh hoạt từng thời điểm nhằm phù hợp với tình hình dịch bệnh.

“Với khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước trong phòng chống dịch, đây là lúc chúng ta cần có những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT, đã đưa ra những con số cụ thể về tình hình dịch bệnh, tiêm vaccine trong ngành giáo dục.

Cụ thể, đợt bùng phát lần thứ 4, toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Đến nay, khoảng 4.800 giáo viên, học sinh đang điều trị.

Trong khi đó, học sinh và giáo viên được tiêm vaccine hiện đạt tỷ lệ tương đối cao. Hơn 90% trẻ trong độ tuổi 12-17 đã tiêm mũi 1. Tỷ lệ tiêm mũi 2 ở nhóm này đạt hơn 72%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 đạt 82%, tiêm mũi 3 đạt 28,2%.

Ông cũng nêu tình hình thực tế việc cho học sinh đi học trở lại ở những địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Trong đó, tại TP.HCM, tỷ lệ học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt 98,48%.

Qua 20 ngày cho học sinh trở lại trường, 130 giáo viên, nhân viên, học sinh mắc Covid-19. Tỷ lệ lây nhiễm là 0,002%. Tất cả trường hợp này được xử lý theo kịch bản xây dựng. Do đó, việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai bình thường.

Tại Bắc Giang, đa số trường học đã mở cửa. Tỷ lệ lây nhiễm tại trường học rất thấp, chỉ khoảng 0,009%.

Keo dai hon nua thoi gian hoc online rat nguy hai anh 2

Nhiều trẻ em phải học online trong thời gian dài, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tâm lý, chất lượng học tập. Ảnh minh họa: N.H.

Không cho học sinh đi học trở lại là có lỗi

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, dẫn nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, ông cho rằng cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học online quá lâu.

Ông ủng hộ chủ trương mở cửa trường học bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của giáo viên, học sinh, sinh viên.

Ông Nga nói thêm sau 2 năm chống chọi với dịch, chúng ta đã biết rõ cơ chế lây truyền nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ cộng đồng, không còn hoang mang như thời kỳ đầu của đại dịch.

Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí khẳng định đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại.

Ông chia sẻ nhiều người dân đặt câu hỏi "Bao giờ mới an toàn trở lại?". Theo ông, câu hỏi này có lý nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất, không phải an toàn tuyệt đối.

"Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không, chúng ta có lỗi", GS Trí nói.

Ông cũng việc đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường cần nhất ở 3 công đoạn, gồm ở nhà, trên đường đi và tại trường học.

Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống khác nhau. Do vậy, trước hết, mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi tỷ lệ bao phủ vaccine 2 mũi ở nước ta gần đạt 100%. Trẻ em 12-17 tuổi cũng được tiêm vaccine, sắp tới chuẩn bị tiêm cho đối tượng trẻ em 5-11 tuổi.

Ngoài ra, ông Sơn thông tin Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ GD&ĐT để ban hành các nội dung an toàn cho học sinh khi trở lại trường.

Thủ tướng: 'Cho học sinh đi học trực tiếp sau Tết sớm nhất có thể'

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học an toàn sau Tết Nguyên đán.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm