Chuyên gia virus học Guan Yi, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Shantou ở miền Nam Trung Quốc, hôm 8/11 lên tiếng trước việc chính quyền các địa phương áp dụng chính sách không khoan nhượng với những trường hợp mắc Covid-19 rải rác, khẳng định "mục tiêu loại bỏ tất cả ca mắc là không thể".
“Giống như bệnh cúm, loại virus này đã có 'chỗ đứng', và nó sẽ vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Đó là sự thật, dù muốn hay không. Virus này đã tự thích nghi hoàn toàn với cơ thể con người", ông nói, theo South China Morning Post.
Vị chuyên gia khẳng định nếu tình hình kéo dài, "nền kinh tế sẽ sụp đổ".
Phát biểu của ông Guan gây chú ý, vì đây là một trong những nhận định hiếm hoi từ nhà khoa học hàng đầu đại lục công khai chỉ trích chính sách chống Covid-19 cực đoan của Trung Quốc.
Ông Guan từng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu phát hiện mèo cầy là vật chủ trung gian của SARS. Hồi tháng 1/2020, ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xác định tác động của chủng virus corona mới sẽ nghiêm trọng hơn gấp 10 lần so với SARS.
Cần hiểu rõ hiệu quả của vaccine
Nhắc lại đợt hoành hành của dịch SARS giai đoạn 2002-2003, ông Guan nói đợt bùng dịch có thể được ngăn chặn vì khi đó virus chưa hoàn toàn phát triển đủ mạnh để thích nghi với cơ thể con người.
Trước tình hình hiện nay, ông Guan nhận định Trung Quốc nên tập trung vào việc xây dựng lá chắn bảo vệ bằng cách sử dụng vaccine, đồng thời nên kiểm tra mức độ miễn dịch của người dân sau khi tiêm phòng; thay vì dành quá nhiều nguồn lực cho việc xét nghiệm để xác định các trường hợp dương tính.
Với hàng tỷ người đã tiêm chủng trên thế giới, dù giới nghiên cứu hiện có nhiều dữ liệu để so sánh các loại vaccine, họ vẫn chưa có tiêu chuẩn thống nhất cho mức kháng thể bảo vệ chống lại Covid-19.
Chuyên gia Guan cho rằng các nhà sản xuất có trách nhiệm cập nhật cho công chúng về hiệu quả của vaccine đối với các biến thể khác nhau.
"Chúng tôi phải tìm hiểu khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu sau khi tiêm mũi vaccine tăng cường. Nếu không, có khả năng kháng thể sẽ suy giảm trước khi mùa đông kết thúc, do tốc độ phân phối vaccine không bắt kịp tốc độ lượng kháng thể giảm xuống", ông Guan nhấn mạnh.
Dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
“Nếu một loại vaccine không có hiệu quả, chúng ta nên loại bỏ khỏi chương trình tiêm chủng. Nếu không hiểu đầy đủ tình hình, chúng ta sẽ không có cơ hội để cải thiện”, ông nói.
Ông cho biết Trung Quốc đang điều hành một phòng thí nghiệm để giúp kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị Covid-19 và phát triển loại thuốc uống kháng virus cho căn bệnh này.
Gần đây, hãng dược phẩm phương Tây như Merck và Pfizer cho biết thử nghiệm ban đầu thuốc kháng virus của họ có hiệu quả trong giảm khả năng tử vong và nhập viện.
Theo ông Guan, việc giới khoa học từ nhiều quốc gia hợp tác xây dựng mạng lưới giám sát toàn cầu tương tự mạng lưới giám sát dịch cúm là rất khó khăn, vì căng thẳng giữa các nước và vấn đề chính trị hóa các nghiên cứu.
"Nếu không có mạng lưới toàn cầu để theo dõi đột biến của virus và xác định vaccine thích hợp, sẽ rất khó để phát triển loại vaccine hiệu quả giống bệnh cúm", ông nói.
Kiên trì bám trụ
Trung Quốc đại lục đã bắt đầu tiêm nhắc lại sau khi chủng ngừa cho gần 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân. Chính quyền cũng bắt đầu sử dụng vaccine cho đối tượng trẻ em.
Tuy nhiên, cả nước đang phải vật lộn với những đợt bùng phát lẻ tẻ tại nhiều tỉnh. Ngày 9/11, Trung Quốc ghi nhận 39 ca nhiễm có triệu chứng trong cộng đồng, cùng với 29 trường hợp không có triệu chứng.
Tổng số ca mắc được báo cáo trong đợt dịch lần này tại Trung Quốc - được cho là bắt nguồn từ hai chuỗi lây nhiễm từ khu tự trị Nội Mông và tỉnh Hắc Long Giang - đã vượt quá 1.000.
Đây là đợt bùng phát dịch sâu rộng nhất tại Trung Quốc kể từ sau Vũ Hán vào cuối năm 2019, với 20/31 tỉnh ghi nhận ca mắc do biến chủng Delta gây ra.
Trung Quốc lúc này vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoàn toàn lây nhiễm virus, đi ngược lại xu hướng toàn cầu sống chung với Covid-19. Xu hướng này xuất phát từ việc các biến chủng dễ lây lan khiến những biện pháp giới hạn chống dịch trở nên kém hiệu quả hơn.
Một địa điểm xét nghiệm ở Thụy Lệ vào tháng 9/2020 khi thành phố phong tỏa lần đầu tiên. Ảnh: AFP. |
Tuy vậy, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi chiến lược. "Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ không mở cửa trong một năm tới", Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học của Đại học Oxford, nhận xét.
Chiến lược theo đuổi việc loại bỏ hoàn toàn virus từng mang lại cho Trung Quốc nhiều thành công. Quốc gia tỷ dân ghi nhận dưới 5.000 ca tử vong. Nhiều khu vực của đất nước không có ca nhiễm mới nào khiến Covid-19 giống như một ký ức mơ hồ với nhiều người.
Do đó, ông Chen cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không từ bỏ "Zero Covid-19" chừng nào Bắc Kinh tin rằng họ vẫn còn kiểm soát được sự lây lan của virus, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sự kiện quan trọng với nước này sẽ diễn ra trong năm 2022.