TP.HCM ngày 15/7 ghi nhận 2.691 ca mắc Covid-19 (bao gồm 689 ca bổ sung do đã được phát hiện từ các ngày trước ở khu cách ly). Với số ca nhiễm liên tục tăng và nhiều ngày ở mức trên 2.000 ca mới/ngày, thành phố đang điều trị cho 18.000 F0, cách ly 12.000 F1, nếu con số này tiếp tục tăng có thể khiến hệ thống y tế của thành phố quá tải.
Ngày 14/7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F tại nhà, trong khi rút ngắn thời gian điều trị hoặc cho phép cách ly tại nhà với một số trường hợp F0 đủ điều kiện.
Trả lời phỏng vấn Zing, giáo sư Teo Yik-Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nói rằng trong trường hợp có F0, cách ly cả hộ gia đình có ca nhiễm cũng là một giải pháp thích hợp.
Về vĩ mô, ông khẳng định thành phố cần lên kịch bản tính toán, dự trù nguồn cung vật tư, thiết bị y tế để phát hiện thiếu hụt, từ đó tìm cách bổ sung trước khi kho y tế cạn kiệt.
Ngoài ra, với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng, ông nghĩ nếu sau 15 ngày phong tỏa dịch bệnh vẫn lây lan mạnh, TP.HCM cần nâng mức độ phong tỏa nghiêm ngặt hơn nữa.
Về dài hạn, vaccine vẫn là giải pháp quan trọng nhất, ông nói.
Các F0 điều trị tại nhà cần đảm bảo nhiều quy định nghiêm ngặt. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cách ly F0 bệnh nhẹ, nhưng không phải tại bệnh viện
- Đối với việc điều trị F0 tại nhà, làm sao giảm thiểu nguy cơ họ sẽ lây nhiễm virus cho người thân trong gia đình hoặc người ở cùng?
- Tôi nghĩ rằng lây nhiễm khi cách ly tại nhà là khó tránh khỏi. Một khi đã thực thi phương án cách ly ca bệnh tại nhà, gần như chắc chắn người nhiễm virus corona có thể lây sang thành viên trong gia đình, hoặc người ở cùng nhà, đặc biệt với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng.
Giáo sư Teo Yik-Ying là Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: NUS. |
(Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ cho phép nhân viên y tế hoặc các trường hợp có tải lượng virus thấp được ở nhà - PV).
Cách tiếp cận lâu dài để giảm rủi ro chính là phụ thuộc vào vaccine. Tiêm chủng cho mọi người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình, là cách tiếp cận tốt nhất.
Một chiến lược khác là giữ cho người nhiễm bệnh cách ly hoàn toàn với các thành viên khác trong gia đình.
Điều này rất khó khăn, đặc biệt là ở các thành phố, khi mà diện tích nhà và căn hộ thường nhỏ, các thành viên phải dùng chung nhà tắm hay nhà vệ sinh. Đây đều là những nơi rất dễ lây lan Covid-19.
Nhưng khi không còn lựa chọn nào khác, chính quyền có thể cách ly toàn bộ hộ gia đình.
Ví dụ, ở Singapore, hiện tại nếu trong cộng đồng ghi nhận một người nghi ngờ bị nhiễm virus corona, toàn bộ người ở cùng người đó không được phép rời khỏi nhà cho đến khi có kết quả âm tính.
- Nhưng nếu có quá nhiều F0 thì hệ thống y tế sẽ không thể tải hết?
- Hệ thống chăm sóc sức khỏe phải luôn có chỗ để chăm sóc những người mắc bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng. Trong khi đó, sẽ có một số người nhiễm virus corona mà không có bất kỳ triệu chứng nào, và những người đó sẽ không cần phải đến bệnh viện.
Những người này có thể được cách ly ở các cơ sở cộng đồng, không nhất thiết phải ở hoàn toàn trong bệnh viện.
Giả sử tôi mắc bệnh, kết quả xét nghiệm PCR của tôi là dương tính, nhưng tôi không có biểu hiện bệnh, tôi khá khỏe mạnh nên không có lý do nào mà tôi lại phải ở trong bệnh viện.
Như vậy, bệnh viện sẽ có chỗ cho người có triệu chứng nghiêm trọng hoặc có vấn đề về sức khỏe.
F0 chờ nhập viện tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cần có kịch bản tổng quan về nguồn lực y tế
- Làm thế nào để cân bằng giữa việc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân mắc các bệnh khác?
- Không cần phải phân biệt giữa những người mắc Covid-19 và mắc các bệnh khác như ung thư, đột quỵ, tăng huyết áp….
Một số người nhiễm virus corona mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Họ không cần phải đến bệnh viện ngay.
Giáo sư Teo Yik-Ying
Điều cần thiết là nên đặt ra một vài khu vực chỉ dành cho việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bởi đây là căn bệnh dễ lây nhiễm.
Nhân viên y tế sẽ cách ly khu vực và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho nhóm bệnh nhân này. Vì vậy, tôi không có đề xuất nào cả, bởi tôi không nghĩ rằng bệnh viện sẽ từ chối bất cứ người bệnh nào, dù họ có mắc bệnh gì.
- Nhưng khi ca bệnh vẫn tăng nhanh, TP.HCM cần làm gì để tránh viễn cảnh quá tải hệ thống y tế, thiếu oxy y tế như ở một số nước châu Á?
- Về lĩnh vực cung cấp vật tư y tế, Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, do đó cần có sự phối hợp đầy đủ và hợp lý giữa nguồn lực y tế và cơ quan cung cấp vật tư y tế.
Ví dụ, TP.HCM đang chứng kiến một đợt bùng phát dịch mới, nhưng ở các khu vực khác tình hình kiểm soát rất tốt. Bây giờ chúng ta cần chuyển một số nguồn lực y tế từ các vùng khác của Việt Nam, để những khu vực có nhu cầu có thể tiếp nhận nguồn cung oxy này.
Như vấn đề oxy, câu hỏi đặt ra là Bộ Y tế Việt Nam đã có cái nhìn tổng quan về nguồn cung oxy trên toàn quốc và nhu cầu sử dụng oxy ở mỗi vùng hiện nay hay chưa.
Vì vậy, liệu có một hệ thống thông tin dữ liệu xem xét xu hướng phát triển dịch bệnh ở các khu vực khác tại Việt Nam hay không, và mỗi khu vực khác nhau ở Việt Nam sẽ cần nguồn lực y tế gì.
Trên thực tế, Việt Nam có thể triển khai cách tiếp cận mô hình hóa, sử dụng dữ liệu dịch tễ học và thống kê để xem nhu cầu oxy, giường bệnh trong khoảng thời gian một tuần, hai tuần, một tháng tới. Từ đó chính quyền sẽ xem xét liệu có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt hay không.
Nếu có tình trạng thiếu hụt tại một khu vực, đây là lúc họ tiếp cận nguồn cung y tế từ những vùng khác. Nếu trên quy mô toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu hụt, đây là lúc Việt Nam tiếp cận các đối tác quốc tế, như Singapore, Thái Lan hay Mỹ.
Quan trọng là phải liên lạc với họ từ sớm nếu trong tương lai số ca mắc tiếp tục tăng. Thay vì đợi khi nguồn lực sắp hoặc đã cạn kiệt rồi mới yêu cầu sự giúp đỡ, hãy tiếp cận ngay từ sớm.
(Tại hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức báo cáo thành phố đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 bệnh viện, đang điều trị 15.990 bệnh nhân.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến tháng 8/2020, cả nước chỉ có khoảng 6.000 máy thở tất cả các loại. Đây là một con số khiêm tốn, ngay cả với nhu cầu khám chữa thông thường, chưa tính đến tình huống ứng phó khi dịch Covid-19 bùng phát - PV).
Số ca mắc tăng cao, lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch nhiều lên, tạo áp lực lớn cho đội ngũ điều trị của TP.HCM. Ảnh: Khôi Nguyễn, Khánh Phương. |
Thắt chặt hơn nữa hạn chế nếu dịch vẫn lan nhanh
- Thành phố đã áp dụng phong tỏa và bán phong tỏa hơn một tháng, nhưng số ca mắc hàng ngày vẫn không giảm, và hiện phải phong tỏa thêm 15 ngày nữa. Nếu sau khoảng thời gian này, tình hình không biến chuyển tích cực, ông có đề xuất phương án gì?
- Rõ ràng biến chủng Delta rất dễ lây lan, nên các phương án chống dịch truyền thống sẽ không còn nhiều hiệu quả như trước.
Điều đó có nghĩa nếu TP.HCM đang thực hiện mức độ phong tỏa giống như mức độ phong tỏa vào năm 2020, theo tôi có lẽ chính quyền nên thắt chặt hạn chế hơn nữa.
Bởi vì kể cả có phong tỏa, người dân vẫn đi lại trong cộng đồng. Điều này khiến virus corona có thể lây lan nhanh hơn bao giờ hết.
Nếu TP.HCM đang thực hiện mức độ phong tỏa giống như mức độ hồi năm 2020, theo tôi có lẽ chính quyền nên thắt chặt hạn chế hơn nữa.
Giáo sư Teo Yik-Ying
Vậy nên, chính quyền cần phải tăng mức độ hạn chế di chuyển để lượng người tiếp xúc hay đi lại trong cộng đồng giảm xuống mức thấp nhất.
Đề xuất thứ 2 chính là tiêm chủng. Chủng ngừa giảm nguy cơ lây nhiễm, ngay cả với biến thể Delta.
Cần tăng tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, nhân viên y tế, công nhân làm công tác giao thông vận tải, trong trường học, như giáo viên.
Những người này là nhóm đối tượng, nếu được tiêm chủng đầy đủ, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhiều nhóm đối tượng khác.
- Có nên sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà? Vai trò của bộ kit xét nghiệm tại nhà trong tình huống này là gì?
- Bộ xét nghiệm tại nhà hiệu quả dựa vào một số điều kiện. Đầu tiên, liệu có một bộ dụng cụ tự xét nghiệm cho tất cả người dân Việt Nam dễ dàng mua với giá rẻ hay không.
Ngoài ra, độ chính xác của bộ dụng cụ này là bao nhiêu. Khả năng tiếp cận dễ dàng và độ chính xác của bộ dụng cụ là rất quan trọng.
Thứ hai, người dân nên sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà như thế nào, khi nào họ cần sử dụng, và họ nên hành động thế nào nếu bộ kit đưa ra kết quả dương tính.
Vì vậy, một quy trình cụ thể và rõ ràng với những người tự xét nghiệm tại nhà rất quan trọng. Nếu kết quả dương tính, họ cần tự cách ly tại nhà, gọi điện cho đường dây nóng Bộ Y tế Việt Nam để được làm xét nghiệm PCR.
Nếu kết quả PCR dương tính, họ có thể bị cách ly, hoặc tự cách ly, và cả những người tiếp xúc gần cũng vậy. Cứ như thế, chính quyền có thể cho phép người dân tự xét nghiệm tại nhà.
Tuy nhiên, nếu không có các quy trình cụ thể, việc tự xét nghiệm tại nhà là một hành động lãng phí và không cần thiết. Nếu ai đó có kết quả dương tính mà không được theo dõi, hay không biết phải làm gì với kết quả này thì không có ích gì cả.