Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia nước ngoài hiến kế chi tiêu ngân sách

Nhiều chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng muốn quản lý ngân sách nhà nước tốt, Việt Nam cần có các phân tích kinh tế vĩ mô, dự báo thu toàn diện, quản lý nợ hiệu quả...

Tại hội thảo về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm vừa diễn ra, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) thừa nhận gặp khó trong việc soạn thảo Nghị định.

'Vấn đề còn khá mới'

Ông Tân cho rằng đây là vấn đề còn khá mới, tổ soạn thảo chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên phải tổ chức hội thảo xin ý kiến, đóng góp từ các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, các chuyên gia tài chính quốc tế.

ke hoach tai chinh - ngan sach nha nuoc anh 1
Nhiều chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng muốn quản lý ngân sách nhà nước tốt, Việt Nam cần có các phân tích kinh tế vĩ mô, dự báo thu toàn diện. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, theo vị này, việc lập dự toán NSNN hàng năm đã không lường trước được các rủi ro sẽ xảy ra trong 3 - 5 năm sau, do đó không có giải pháp phù hợp để hạn chế bội chi, kiểm soát nợ công vào những năm kinh tế phát triển thuận lợi, dành dư địa cho những năm khó khăn.

Nhất là khi sự phát triển của nền kinh tế có xu hướng giảm sút, nguồn thu NSNN gặp khó khăn thì cả bội chi ngân sách và dư nợ công đều có xu hướng tăng mạnh, thậm chí bội chi NSNN trong một số năm đã vượt ngưỡng cho phép.

Hơn nữa, dự toán NSNN hàng năm có xu hướng tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng năm, dẫn tới phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các ưu tiên chiến lược trong trung dài hạn của nền kinh tế và tổng hợp nhu cầu của các năm thường vượt khả năng cân đối nguồn lực trong cả giai đoạn.

“Nhiều nhiệm vụ chi kéo dài trong một số năm, nhưng lập dự toán NSNN hàng năm không tính toán nhu cầu ngân sách từ khi bắt đầu, đến khi kết thúc nhiệm vụ chi nên không đảm bảo được việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ, là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí, nợ đọng…”, ông Tân nêu thực tế.

Chuyên gia nước ngoài hiến kế

Trước thực tế trên, ông Marc Christoph Schumacher, Trưởng nhóm Dự án hiện đại hóa nền tài chính công cho rằng Việt Nam cần đưa ra các ưu tiên và phân bổ nguồn lực giúp xác định các mức độ và thành phần chi tiêu công phù hợp với nhu cầu mới.

Ngoài ra, cần lập kế hoạch tài chính trung hạn giúp đạt được 3 mục tiêu lớn của quản lý chi tiêu công đó là: tính tuân thủ tài khóa, hiệu suất phân bổ và hiệu suất kỹ thuật. Muốn vậy, theo ông Marc Christoph Schumacher, các nhà hoạch định chính sách phải xem xét tới tất cả các ngành, các chương trình, dự án để tái cơ cấu các khoản chi.

“Kế hoạch này giúp chuyển tải các mục tiêu và hạn chế tài khóa vĩ mô vào tổng ngân sách và các kế hoạch chi cụ thể theo ác ưu tiên chi tiêu chiến lược”, ông Marc Christoph Schumacher khẳng định.

Trong khi đó, ông Jean-Marc Lepain, chuyên gia quốc tế đến từ Cơ quan hợp tác quốc tế Đức GIZ, cho hay theo kinh nghiệm quốc tế, có hai công cụ lập kế hoạch tài khóa chính đó là khuôn khổ tài khóa trung hạn và khuôn khổ chi tiêu trung hạn.

Vị này lý giải khuôn khổ tài khóa trung hạn là dự báo tài khóa vĩ mô trung hạn (bao gồm tổng thu, chi và cân đối) và là một bản trình bày các mục tiêu chính sách tài khóa và chỉ tiêu nhất quán với việc ổn định kinh tế vĩ mô và bền vững tài khóa.

Khuôn khổ tài khóa trung hạn được xây dựng dựa trên những dự báo kinh tế vĩ mô trung hạn thực tế và nhất quán trong nội bộ. Các thực hành tốt cùng với việc đánh giá các rủi ro tài khóa một cách minh bạch sẽ hỗ trợ quá trình dự báo được chính xác hơn.

“Ở Việt Nam, việc đưa ra các phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo thu toàn diện , quản lý nợ hiệu quả, mối gắn kết giữa kế hoạch 5 năm và kế hoạch 3 năm cũng như việc tích hợp kế hoạch đầu tư các năm tại cả cấp trung ương và địa phương sẽ là những yếu tố then chốt cho thành công của việc triển khai kế hoạch tài chính trung hạn”, ông nhấn mạnh. 

Bộ Tài chính: Không giảm nguồn lực của TP.HCM

Trước phản ứng của TP.HCM về việc giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu tính tổng thì nguồn lực của TP không giảm và việc này đã được tính toán kỹ.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm