Trước hết, tôi muốn nói về ASIAD nói chung. Đây là đại hội thể thao lớn nhất châu Á, ra đời vào những năm 50 của thế kỷ trước. Đến nay, đây là một trong những kỳ đại hội thể thao quy tụ nhiều VĐV xuất sắc của phong trào Olympic thế giới (IOC).
Khoảng 120 nhà vô địch Olympic như Hoàng Xuân Vinh tham dự ASIAD thời gian vừa qua. |
Nơi hội tụ của những nhà vô địch
Theo thống kê của IOC, một vài kỳ ASIAD gần đây có khoảng 160-180 VĐV vô địch thế giới và 100-120 nhà vô địch Olympic tham gia tranh tài.
Trước đây, một số nước có phong trào thể thao phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên. Khi Liên Xô tan rã, châu Á có thêm các quốc gia vùng Trung Á, mà điển hình là Kazakhstan, những quốc gia thâu tóm nhiều huy chương vàng.
Theo thống kê, Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 tới 3/5 tổng số huy chương. Phần còn lại thuộc về các nước như Hàn Quốc, Nhât Bản… Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan được coi là cường quốc thể thao, và họ từng lọt tới vị trí thứ 6 trên bảng tổng sắp huy chương.
Không thiếu những nhà vô địch thế giới tại mỗi kỳ ASIAD. |
Về cơ cấu các môn thể thao, cần nói rằng rất nhiều VĐV châu Á đã và đang đứng đầu thế giới cũng như Olympic ở các môn cử tạ, bóng bàn, TDDC, bắn cung hay bơi lội và cả bắn súng. Ngoài ra, còn một số môn võ như taekwondo, karatedo.
Nói qua những điều trên, tôi muốn mọi người có cái nhìn tổng quan về một kỳ Á vận hội. Đây là nơi hội tụ của rất nhiều VĐV giỏi, ưu tú hàng đầu trong chương trình Olympic.
Nhiều người vẫn nói tới khái niệm “các môn cơ bản của Olympic” thực ra chỉ gồm điền kinh và thể dục dụng cụ. Còn các môn thuộc “chương trình Olmypic” mở rộng ra hơn, gồm bơi, các môn võ và một số môn khác.
Bởi vậy, đấu trường ASIAD phải nói là rất khốc liệt. Nếu chúng ta muốn tranh chấp huy chương, VĐV phải bắt buộc đạt tới trình độ châu lục và thế giới.
ASIAD và những con số đáng chú ý với thể thao Việt Nam
Còn đối với thể thao Việt Nam, chúng ta bắt đầu tham dự ASIAD từ năm 1982. Khi đó, đoàn TTVN tham dự với 40 VĐV, xạ thủ Nguyễn Quốc Cường giành HCĐ. Đây là huy chương duy nhất của đoàn Việt Nam năm đó.
Kỳ Á vận hội thành công nhất đối với thể thao nước ta là tại Busan năm 2002 khi tôi làm trưởng đoàn. Chúng ta tham dự với 168 VĐV, giành 4 HCV. Karatedo đóng góp 2 HCV, thể hình đóng góp 1 HCV và huy chương còn lại của bi-a snooker. Với thành tích như vậy, Đoàn Việt Nam xếp thứ 15/45 trên bảng tổng huy chương.
Tại ASIAD 2018, chúng ta tham dự với số lượng VĐV đông nhất trong lịch sử với cơ cấu đoàn gồm 175 VĐV nam và 177 VĐV nữ. Đồng thời, chất lượng các VĐV cũng được nâng cao hơn rất nhiều. Nhiều VĐV đã đạt tới tầm châu lục và thế giới. Đặc biệt, Hoàng Xuân Vinh đang là kỷ lục gia Olympic.
Chất lượng và số lượng cùng tăng cao là biểu hiện rõ ràng nhất cho trình độ của thể thao Việt Nam so với đấu trường ASIAD đang được cải thiện.
Ở Doha năm 2006, đoàn Việt Nam tụt xuống thứ 19 với 3 HCV, 13 HCB và 7 HCĐ. Còn năm 2010 Việt Nam đứng thứ 25 toàn đoàn với 1 HCV duy nhất của Lê Bích Phương. Trong các kỳ ASIAD từ trước tới nay, thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 13 HCV. Trong đó, karatedo đóng góp nhiều nhất với 4 tấm HCV.
Thành tích có được hiện nay là do lãnh đạo ngành thể thao đổi mới tư duy. |
Kết quả của sự thay đổi tư duy
Sự cải thiện nói trên có được từ sự thay đổi tư duy chiến lược về phát triển thể thao thành tích cao từ cấp quản lý và những người làm nghề.
Trước đây, nhiều lãnh đạo ngành thể thao không tin rằng VĐV Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương tại châu lục mà chỉ lo tập trung vào mục tiêu top 3 SEA Games.
Sự thay đổi đó đánh đổi bằng 10-15 năm với những cuộc đấu tranh nội bộ về tư duy. Không ít lần tôi đã đứng lên và khẳng định cần thay đổi cách đầu tư.
Sự chuyển bến về nhận thức ở cấp lãnh đạo ngành TDTT mới có được khoảng 5 năm trở lại đây. Tới SEA Games 2015, khi chúng ta giành thắng lợi ở nhiều môn Olympic, những thay đổi tư duy đó càng rõ ràng.
Có thể nói ngành thể thao đang thực hiện đầu tư đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ tập trung cho các VĐV ưu tú thay vì đầu tư dàn trải do điều kiện kinh tế eo hẹp.
Hiện có hàng nghìn VĐV cấp độ quốc gia duy trì tập luyện. Trong đó, có khoảng 400 VĐV trọng điểm và chỉ có 60 VĐV ưu tú. Bởi vậy, chúng ta cần đầu tư cho những VĐV tốt nhất.
Ngoài việc đầu tư về mặt con người, chúng ta cũng nâng cao về điều kiện ăn tập như tập huấn và thi đấu nước ngoài nhiều hơn, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu.
Ngoài ra, việc chăm lo thêm về dinh dưỡng và tăng cường kinh phí cho y tế và chăm sóc sức khỏe cũng được chú ý. Đó là những thứ cơ bản để nâng cao trình độ VĐV.
Tôi phải nói rằng trước đây việc đầu tư ngoài con người rất yếu kém, nhưng hiện giờ đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Một yếu tố quan trọng nữa là mô hình kết hợp giữa trung ương (Tổng cục TDTT) và các địa phương, ngành trong cả nước để cùng chung chi, đầu tư cho các VĐV xuất sắc đang phát huy hiệu quả.
Tôi cho rằng, với điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể đầu tư dàn trải mà phải tập trung vào các môn Olympic.
Mục tiêu 3-5 HCV liệu có thành công?
Tại ASIAD năm nay, đoàn TTVN đặt mục tiêu 3 HCV và có thể lấy thêm 1-2 chiếc nữa. Tuy nhiên, việc có thêm này cũng phụ thuộc nhiều yếu tố. Thậm chí, chúng ta chưa chắc hoàn thành chỉ tiêu 3 HCV.
Phân tích tương quan giữa đoàn Việt Nam so với quốc tế, chúng ta sẽ thấy rõ hầu hết VĐV trọng điểm mới chỉ có trình độ xấp xỉ với châu lục.
Các môn thể thao thế mạnh của Đoàn Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc. |
Trong thể thao đỉnh cao, trình độ hơn hẳn đương nhiên giành chiến thắng, trình độ không vượt trội thì còn phụ thuộc vào may rủi.
Trình độ của VĐV nước ta vẫn thấp hơn đôi chút so với mặt bằng của các VĐV hàng đầu, vì thế tỷ lệ thành công là rất thấp.
Với trường hợp Thanh Tùng ở môn TDDC, bài thi của cậu ấy có độ khó không cao bằng các đối thủ, nhưng nếu thi tốt và những VĐV khác làm hỏng động tác, chúng ta sẽ giành chiến thắng.
Hiện Thanh Tùng hoàn thiện bài thi và có thể nói cậu ấy đang làm rất tốt phần việc của mình. Tuy nhiên, chỉ cần sai sót một chút thôi, chắc chắn chúng ta thua cuộc.
Trường hợp rõ nét nhát là thành tích nhảy xa của VĐV Bùi Thu Thảo. Cô ấy từng vượt thành tích của VĐV giỏi nhất châu Á tới 13 cm. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ lặp lại 1 lần nên không có gì đảm bảo. Ngoài ra, thành tích của các đối thủ vẫn còn là ẩn số nữa.
Những thành tích của Tú Chinh hay Bùi Thu Thảo chưa đủ để đội tuyển điền kinh Việt Nam nắm chắc HCV. |
Ánh Viên chỉ tham gia 2 nội dung thế mạnh 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp. Thành tích 4 phút 36 giây ở nội dung 400 m hỗn hợp phải nói là rất cao. Tuy nhiên, 2 VĐV Nhật Bản cùng 1 VĐV Trung Quốc thành tích còn cao hơn.
Với trường hợp này, giành huy chương đã là cực kỳ xuất sắc và đáng trân trọng nhưng đòi hỏi phải là HCV, tôi e rằng rất khó.
Ở môn bắn súng, Hoàng Xuân Vinh đã phá kỷ lục Olympic, nhưng cùng thi đấu chung kết với anh ấy có 3 VĐV châu Á khác nên chưa thể khẳng định Xuân Vinh chắc thắng.
Karatedo đóng góp nhiều thành tích nhất từ trước tới nay, nhưng chúng ta chỉ có thể trông chờ vào Nguyễn Thị Ngoan. Tuy nhiên, VĐV này lại đôn cân lên chơi ở hạng 68 kg. Khó khăn về thông tin đối thủ, về hạng cân sẽ gây ảnh hưởng tới thành tích.
Với Thạch Kim Tuấn, cách đây vài tháng có thể coi là niềm hy vọng vàng khi VĐV Trung Quốc bị cấm thi đấu tới tháng 10. Tuy nhiên, họ được gỡ án phạt trước 2 tháng và sẽ tham gia ASIAD. Bởi vậy, cơ hội là hết sức khó.
Môn pencak silat vốn là thế mạnh và chúng ta đã giành không ít HCV thế giới. Tuy nhiên, nước chủ nhà lại hạn chế hầu hết nội dung đối kháng thế mạnh đó.
Nội dung biểu diễn thì rất khó nói vì điểm số được chấm theo chủ quan của các trọng tài.
Điền kinh hay các môn khác, các VĐV có sự tiến bộ vượt bậc, nhưng đối thủ lại toàn vô địch thế giới. Vì thế, cơ hội là rất nhỏ.
Thể thao Việt Nam cần có thêm 5 đến 10 năm nữa để xây dựng sự ổn định và thành tích cao. |
Chặng đường dài phía trước
Với những phân tích cụ thể trên đây, tôi cho rằng chỉ tiêu từ 3 HCV đến 5 HCV là có thể đạt được, nhưng cũng không loại trừ chúng ta sẽ thất bại. Nguyên nhân là do trình độ VĐV chưa vượt trội, phải phụ thuộc vào đối thủ quá nhiều.
Tôi nhắc lại là thể thao nước ta có chuyển biến đáng kể trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng từng đó thời gian là chưa đủ để chúng ta giữ được sự ổn định ở tầm cao. Trong khi đó, các nước cũng có sự vươn lên chứ không đứng yên tại chỗ.
Thêm nữa, những sự cố gắng đầu tư của lãnh đạo ngành mới dừng lại ở mức cơ bản, chưa đủ để giúp VĐV đạt tới đỉnh cao.
Chúng ta vẫn chưa đảm bảo về y học, tổ chức dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Chúng ta cũng chưa thuê được nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới. Nhiều VĐV chưa được tập huấn và thi đấu ở nước ngoài. Tất cả những yếu tố đó khiến VĐV duy trì được sự ổn định ở trình độ cao.
Muốn vậy, chúng ta cần thêm 5 năm, thậm chí 10 năm nữa. Cùng với đó, những nhà quản lý thể thao buộc phải suy nghĩ, thay đổi tư duy và cách làm, đầu tư quyết liệt, toàn diện nhưng phải có trọng điểm.
Tôi cho rằng, với những gì thể thao Việt Nam đang có, chúng ta có thể tin tưởng và chờ đợi một kỳ ASIAD thành công.
Tuy vậy, nếu có thất bại cũng không đáng buồn bởi hướng đi hoàn toàn đúng đắn của ngành thể thao nước nhà. Tôi tin trong tương lai, vị thế của thể thao Việt Nam sẽ được nâng cao trên đấu trường châu lục và thế giới.