Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nói nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam, điều này sẽ tạo ra một cột mốc mới.
"Đó sẽ là sợi dây liên kết cho quan hệ song phương, đồng thời mở ra cơ hội để hai nước Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận tăng cường quan hệ", ông Thayer nói với Zing.
Đồng quan điểm, chuyên gia Gregory Poling - Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) - nói chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken có thể đặt nền móng cho cuộc gặp cấp cao của hai nhà lãnh đạo.
Ông Thayer cho biết năm nay là thời điểm thích hợp để tổ chức các cuộc gặp, trong bối cảnh Mỹ sẽ tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2024.
Ông Gregory Poling là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á cùng Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS. Ảnh: CSIS. |
Ngoại trưởng Blinken đến Việt Nam hai tuần sau cuộc điện đàm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc điện đàm cũng đề cập đến việc thăm viếng cấp cao.
Chuyến thăm như vậy giữa lãnh đạo hai nước sẽ là sự nối tiếp cho hàng loạt các cuộc thăm viếng của quan chức Mỹ đến Việt Nam từ đầu năm nay.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón tiếp nhiều phái đoàn Mỹ, bao gồm Đại diện Thương mại (USTR) Katherine Tai, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power, phái đoàn với hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ, và giờ là Ngoại trưởng Antony Blinken.
Vào năm 2021, Việt Nam đã tiếp đón Phó tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Trả lời Zing, giáo sư David Dapice (Trường Kennedy, Đại học Harvard), nói bên cạnh khả năng mở rộng quan hệ, chuyến thăm cấp cao cũng có thể là thời điểm Mỹ đưa ra những “khoản vay xanh” cho dự án tại Việt Nam (khoản vay mà số tiền thu được từ trái phiếu sẽ được sử dụng cho các dự án bảo vệ môi trường).
Cần một cơ chế thương mại tự do
Theo giáo sư Dapice, Mỹ đã công nhận Việt Nam là một quốc gia tự chủ và có khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng. Do đó, Việt Nam đang hưởng lợi từ việc được hỗ trợ về nhiều mặt như công nghệ, giáo dục, đầu tư, tiếp cận thị trường.
Quan hệ thương mại hai nước gần như bằng không kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ đã đạt 138 tỷ USD (năm 2022).
Ngoại trưởng Blinken cùng phái đoàn Mỹ đi bộ trên con phố tại Hà Nội hôm 15/4. Ảnh: Reuters. |
Ông Poling cho rằng các doanh nghiệp Mỹ, cũng như những doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, rất quan tâm đến Việt Nam, như một phần trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục và dẫn đến kết quả là quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam tiếp tục bùng nổ”, ông Poling nói với Zing.
Ông Carl Thayer dẫn lại thông điệp từ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần "tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế toàn cầu".
Giáo sư Carl Thayer từng là thành viên sáng lập Hiệp hội nghiên cứu Việt Nam tại Australia. Ảnh: Đại học New South Wales. |
Trên cơ sở đó, Việt Nam hiện có 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Song, hiện chưa có hiệp định nào với sự tham gia của Mỹ.
Ông cho biết có chung một cơ chế thương mại tự do sẽ là điều kiện cần để thương mại Việt Nam và Mỹ tăng cường hơn nữa.
Trong họp báo vào ngày 15/4, ông Blinken cũng bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
"Rộng hơn thế, chúng ta đang thấy Mỹ và Việt Nam hợp tác sát sao cùng nhau ở gần như mọi lĩnh vực quan trọng đối với người dân hai nước", ông Blinken đánh giá.
Tạo động lực cho sáng kiến môi trường
Chương trình nghị sự về ứng phó biến đổi khí hậu và các sáng kiến môi trường là một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Blinken.
Đại dịch, xung đột và lạm phát đã ảnh hưởng đến các mục tiêu môi trường của doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới.
Trước những ý kiến cho rằng doanh nghiệp có thể lưỡng lự khi việc đầu tư cho các sản phẩm và sáng kiến môi trường sẽ tốn kém hơn tiếp tục dựa vào năng lượng hóa thạch, ông Gregory Poling cho biết những nghiên cứu gần đây chỉ ra việc đầu tư vào các mục tiêu ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) mang lại lợi nhuận cao hơn so với các quỹ thông thường.
Theo ông Poling, các doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn ngoài việc đa dạng hóa khỏi sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh môi trường năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
“Các doanh nghiệp nên thích nghi, hoặc có thể bị bỏ lại phía sau”, ông Poling nhận định.
Giáo sư David Dapice cho rằng cả hai nguồn năng lượng hóa thạch và năng lượng xanh đều cần thiết. Song, đầu tư vào năng lượng hóa thạch thường mất nhiều thời gian hơn, chưa tính đến các tác động môi trường. Trong khi đó, lắp đặt năng lượng mặt trời hay năng lượng gió có thời gian thấp hơn.
Giáo sư David Dapice - chuyên gia đã nghiên cứu về kinh tế Việt Nam từ cuối những năm 1980 - trong một buổi phỏng vấn với Zing năm 2022. Ảnh: Trần Hoàng. |
Mỹ cho biết trong 5 năm qua, USAID đã hỗ trợ hơn 300 triệu USD cho các dự án điện gió và điện mặt trời. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang ngành năng lượng sạch, an toàn.
Vị giáo sư từ Đại học Harvard kết luận đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch càng ít, chi phí nhiên liệu hóa thạch càng cao và càng có nhiều động lực để trở nên xanh hơn.
"Điều rõ ràng là quỹ đạo của nhiên liệu hóa thạch đang đi xuống. Đối với các nhà máy than, nguy cơ tài sản bị mắc kẹt (không có vốn để vận hành ngay cả khi có thể sản xuất) là một mối đe dọa thực sự - chưa nói đến chi phí than không chắc chắn", ông Dapice chia sẻ với Zing.
Cùng với năng lượng, Mỹ ủng hộ nỗ lực hợp tác xuyên biên giới để giải quyết vấn đề kết nối kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, an ninh phi truyền thống ở tiểu vùng sông Mekong.
Kể từ năm 2009, Mỹ đã viện trợ 5,8 tỷ USD để hỗ trợ tiểu vùng sông Mekong. Khuôn khổ Đối tác Mekong - Mỹ (MUSP) đã hợp tác với hơn 14 cơ quan chính phủ Mỹ để hỗ trợ cho người dân Việt Nam và tiểu vùng sông Mekong.
Bên cạnh những cơ hội, thế giới cũng đang đối mặt với nhiều biến động liên tục, tạo ra những thách thức và sự không chắc chắn.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam và Mỹ sẽ xác định từng thách thức, và thảo luận về mỗi vấn đề thông qua các cơ chế song phương.
“Mỹ và Việt Nam có quan hệ chiến lược với nhau trong hầu hết vấn đề, đặc biệt là những vấn đề tập trung vào việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ, chủ quyền của các quốc gia và ổn định khu vực. Sự liên kết chiến lược này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác của họ”, ông Poling nói.
Theo thông cáo từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng nhau giải quyết những thách thức khu vực như biến đổi khí hậu, đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Việt Nam trong các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.
Trước thách thức kinh tế, giáo sư Dapice cho rằng Việt Nam đã kiểm soát hầu hết rủi ro kinh tế, như lực lượng lao động, chất lượng lao động, hạ tầng, các quy định và thủ tục.
Nhiều doanh nghiệp FDI muốn sử dụng năng lượng xanh, và đó là điều điện lực Việt Nam có thể cung cấp nếu xây dựng hệ thống lưới điện tốt hơn và đàm phán được những hợp đồng bền vững, ông Dapice nói.
“Trong khi nhu cầu xuất khẩu toàn cầu giảm trong quý trước, nó có khả năng phục hồi vào cuối năm nay, và Việt Nam có thể tham gia vào thị phần này”, ông Dapice nhận định.
Hiện nay, Mỹ và Việt Nam cũng đang là đối tác trong các chương trình bao gồm hỗ trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam; chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bao gồm buôn bán người, buôn bán ma túy và động vật hoang dã.
Ngoài ra, Mỹ đã và đang phối hợp với Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, tìm kiếm và nhận dạng hài cốt liệt sĩ.