Chuyên gia Mỹ nói về thất bại trên không ở Hà Nội
Mỹ đã sai lầm trong chiến thuật cũng như xem thường khả năng phòng không của Không quân Việt Nam.
Tiến sĩ (TS) John Prados, Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và Tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, có cuộc phỏng vấn liên quan đến thất bại của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.
TS John Prados. |
Thưa TS Prados, lý do nào khiến Chính phủ Mỹ quyết định ném bom tàn phá miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 12/1972?
- Vào đầu năm 1965, Chính phủ Mỹ bắt đầu hình thành ý tưởng ném bom khu vực Hà Nội, nhưng không nhất thiết phải sử dụng B-52. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1965-1966, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ lên tiếng đề xuất cái gọi là một “đòn nặng” vào thủ đô của Việt Nam.
Mặc dù không được cụ thể hóa bằng văn bản nhưng đề xuất này có thể được hiểu hoặc suy luận rằng, họ đang ám chỉ các vụ tấn công bằng B-52.
Dù phương án này bị bác bỏ vào thời điểm đó nhưng ý định ném bom Hà Nội, Hải Phòng luôn bất biến trong các quyết định của Chính phủ Mỹ, thể hiện qua chiến dịch không kích mang tên “Sấm rền” xuống miền Bắc Việt Nam kéo dài cho đến năm 1968.
Sau chiến dịch “Nguyễn Huệ” của quân giải phóng miền Nam đầu năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã lần đầu tiên đề cập đến kế hoạch ném bom Hà Nội.
Ông Nixon nêu vấn đề này vào đầu tháng 4/1972, thời điểm giao tranh trên bộ ở miền Nam Việt Nam đang lên đến đỉnh điểm.
Lúc này cũng đang diễn ra tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một loạt cuộc thảo luận giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger và phái đoàn Việt Nam do ông Lê Đức Thọ dẫn đầu.
Vào mùa thu năm 1972, cuộc đàm phán này gần như đã mang lại một thỏa thuận, trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn, chấm dứt giao tranh ở miền Nam Việt Nam.
Thời điểm đó, người Mỹ đang ở trong tình thế vừa đang tiến gần tới một hiệp định với miền Bắc Việt Nam, vừa bất đồng với đồng minh ở miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh đó, kế hoạch ném bom Hà Nội bằng B-52 được khôi phục lại.
- Trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ đã thiệt hại nặng với hàng chục “Pháo đài bay” B-52 bị bắn rơi - điều chưa từng xảy ra đối với loại máy bay này cho đến thời điểm đó. Ông có thể đánh giá những nguyên nhân dẫn đến thất bại của phía Mỹ?
- Tôi cho rằng, miền Bắc Việt Nam đã đánh giá một cách hợp lý về những hành động mà người Mỹ có thể thực hiện. Họ đã chuẩn bị phòng thủ khu vực Hà Nội và tiến hành sơ tán dân thường, góp phần hạn chế thương vong trong chiến dịch ném bom cuối năm 1972.
Lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã luyện tập kỹ lưỡng với tình huống Mỹ có thể sẽ đánh phá khu vực Hà Nội, Hải Phòng.
Ngoài ra, hệ thống phòng không của miền Bắc khá mạnh vào thời điểm đó và ứng phó hiệu quả với máy bay Mỹ.
Về phía Mỹ, các chỉ huy quân đội đã phạm nhiều sai lầm trong chiến dịch ném bom Hà Nội. Họ đã không xây dựng được một kế hoạch thấu đáo, không tính toán được khả năng phòng thủ mạnh đến như vậy của miền Bắc Việt Nam.
Một vấn đề nữa là việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay chiến đấu. Mỹ đã sử dụng hai loại máy bay B52 và một trong số đó dễ bị tổn thương trước mạng lưới phòng không của Việt Nam hơn loại kia. Ngoài việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay thì phía Mỹ còn để đối phương dễ đoán được ý đồ khi không thay đổi phương thức tấn công trong các vụ oanh kích.
- Dù thiệt hại nặng nhưng phía Mỹ khi đó vẫn cho rằng chiến dịch ném bom Hà Nội đã thành công. Ông nhận xét thế nào về quan điểm này?
- Người Mỹ cho rằng, chiến dịch ném bom miền Bắc là một thắng lợi quân sự của họ. Một số quan chức và nhà quan sát quân sự Mỹ còn lập luận rằng, hệ thống phòng không của miền bắc Việt Nam đã tự hủy hoại mình bằng cách sử dụng toàn bộ kho tên lửa đất đối không.
Tôi cho rằng, việc miền bắc Việt Nam đã sử dụng toàn bộ tên lửa SAM hay chưa thì cũng không quan trọng vì ném bom Hà Nội không phải là điều mà người Mỹ có thể dễ dàng lặp lại hoặc tiến hành trong một khoảng thời gian dài như đã làm trong giai đoạn 1965-1968.
Ngoài ra, Mỹ không có đủ dữ liệu cụ thể để chứng tỏ rằng lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã sử dụng hết tên lửa trong chiến dịch ném bom Giáng sinh (Linebacker II).
Một điểm đáng chú ý nữa là hành động mang tính chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc chuyển nhiều máy bay chiến đấu xuống miền Nam trước khi chiến dịch ném bom xảy ra cũng có nghĩa là Hà Nội vẫn còn các nguồn lực dự phòng để có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết. Vì vậy, chiến dịch ném bom này chỉ mang lại một hiệu quả hạn chế về chiến thuật chứ không tạo ra một tác động lớn về chiến lược.
Ông có thể cho biết về phản ứng của dư luận Mỹ đối với chiến dịch ném bom Hà Nội khi đó?
- Không lâu trước khi qua đời, ông Alexander Haig, cấp phó kỳ cựu của Henry Kissinger và cũng là người rất gần gũi với Tổng thống Nixon đã nói rằng, ông ta nhận thấy triển vọng thắng lợi tại Việt Nam vào thời điểm chiến dịch ném bom Giáng sinh.
Theo ông Haig, lúc đó, Hà Nội đang gục ngã và sẽ bị khuất phục hoàn toàn nếu Mỹ tiếp tục kéo dài chiến dịch này cho đến mùa Xuân năm 1973.
Lập luận của ông Haig là không khả thi chút nào trong bối cảnh nước Mỹ khi đó, chưa nói đến sức mạnh của miền Bắc Việt Nam.
Quốc hội Mỹ đã bắt đầu quay lưng lại với cuộc chiến tranh Việt Nam và đang chuẩn bị cắt giảm ngân sách cho cuộc chiến.
Hơn nữa, chiến dịch ném bom Hà Nội, Hải Phòng đã châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích chính quyền Nixon trong giới truyền thông Mỹ. Cơn bão chỉ trích ngày càng mạnh và ảnh hưởng tới dư luận Mỹ vốn đang phản đối cuộc chiến ở Việt Nam và ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn.
Công chúng Mỹ đang rất hy vọng vào một hiệp định hòa bình khi Kissinger tuyên bố “Hòa bình đã ở trong tầm tay” nên chiến dịch ném bom chính là cái tát thẳng vào mặt người dân Mỹ.
Chiến dịch ném bom Hà Nội đã gây ra hai luồng ý kiến trái chiều về ảnh hưởng của chiến dịch này đối với Hiệp định Paris năm 1973. Một số người cho rằng cuộc không kích đã buộc Hà Nội trở lại bàn đàm phán trong khi một số khác lại có quan điểm trái ngược, ông nhận xét thế nào về vấn đề này?
TS John Prados là Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và Tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ. Ông bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam vào năm 1967 và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến tranh tại Việt Nam như “In Country: Remembering the Vietnam War”, “Vietnam: The History of an Unwinnable War”, “The Hidden History of the Vietnam War”, “Valley of Decision: The Siege of Khe Sanh”. |
- Đây là vấn đề trọng tâm của lịch sử trong giai đoạn này. Phần lớn các sử gia Mỹ cho rằng chiến dịch ném bom B-52 đã buộc miền Bắc Việt Nam quay trở lại bàn đàm phán.
Nhưng theo quan điểm của tôi, trước khi vụ ném bom xảy ra, Washington và Hà Nội đã khá thống nhất với nhau về những bước đi tiếp theo đối với Hiệp định hòa bình.
Nếu nhìn vào nội dung bản dự thảo thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất vào tháng 10/1972 và Hiệp định được ký kết tại Paris vào tháng 1/1973, chúng ta có thể thấy rằng chúng khá giống nhau.
Tôi nghĩ chính sự cần thiết phải củng cố lòng tin của chính quyền Sài Gòn đối với Mỹ đã dẫn đến việc Washington quyết định ném bom miền Bắc để chứng tỏ sức mạnh mà họ sẵn sàng sử dụng nếu Hà Nội vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đang thúc đẩy.
Vì vậy, ảnh hưởng thực chất của chiến dịch ném bom Giáng sinh đối với phương thức tiếp cận của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong vấn đề hiệp định hòa bình là rất nhỏ, nếu không muốn nói là không hề có.
Theo VOV