- Dưới góc độ chuyên gia e-marketing và truyền thông điện tử, ông đánh giá như thế nào về những quy định mà chủ quán bún bò gân tại TP HCM đưa ra?
- Tôi cho rằng đây là những quy định rất vui vẻ và lạc quan, mang tính chất nội bộ, không có tính bắt buộc. Mục đích của chủ quán chỉ là để lại ấn tượng với khách hàng quen thuộc. Trong kinh doanh, doanh nghiệp hay cá nhân nhỏ lẻ đều nên tìm điểm nhấn, sự khác biệt cho riêng mình. Nhiều khi điều đó sẽ mang lại hiệu quả không ngờ tới.
Tuy vậy, tôi cho rằng, bảng nội quy vui vẻ của ông chủ quán bún vỉa hè ở TP HCM không được gọi là biển quảng cáo. Bởi lẽ các loại biển quảng cáo ngoài trời khi muốn treo phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và nhiều quy định khác nữa.
Trong trường hợp này, việc "vô tình" nội quy trở thành biển quảng cáo của quán bún bò là một điều may mắn. Trong cơ chế truyền thông hiện nay, ít ai được may mắn được như cửa hàng này.
- Cụ thể may mắn của quán bún là gì?
- Họ không quá phô trương bằng biển quảng cáo, nhưng nhờ quy định nội bộ hài hước, chỉ trong một thời gian ngắn, quán được nhiều người biết đến.
Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh. |
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng quy định như vậy là kỳ cục, lạ lùng có phần câu khách?
- Tôi đã nói ở trên, đó là những quy định nội bộ nên lạ lùng chứ không kỳ cục. Ngoài ra, ông chủ quán không câu khách bởi sự ra đời của những tấm bảng nói trên xuất phát từ sở thích cá nhân.
- Cách quảng bá thương hiệu khá độc đáo song cũng có người cho rằng tiềm ẩn rủi ro khi mang cả giấy tờ nhà, giấy hôn thú vào. Quan điểm của ông như thế nào?
- (Cười) Rõ ràng là trong thời buổi ngày nay không ai ăn một bát bún vỉa hè mà phải đem giấy tờ nhà ra để trả nợ, như người ta vẫn nói là gán nợ. Mà giả sử, nếu có thật như vậy, tôi nghĩ người khách hàng đó (nếu có) phải ăn rất nhiều bún và ăn chịu trong một thời gian rất dài. Như vậy, có thể nói đây là nội quy vui vẻ cũng giống như những mẩu truyện cười ở một góc nhỏ của một tờ báo nào đó.
- Nội dung lạ, thậm chí đi trái với xu hướng xã hội có mang lại hiệu quả trong truyền thông ở mức độ như thế nào?
- Nếu chỉ cắt nghĩa đơn thuần cho hoạt động truyền thông là “nội dung lạ, thậm chí đi trái với xu hướng xã hội” của những thông điệp truyền thông thì có thể đem lại hai kịch bản, hoặc là “ấn tượng khó phai” hoặc là “bị ném đá dữ dội”. Bởi kỹ thuật truyền thông có bao gồm cả việc đi ngược xu hướng, làm trái ngược và rất có thể đem lại hiệu quả cao.
Với trường hợp cụ thể của quán bún, vì là tình huống nhỏ nên tôi xin phép không đưa ra bình luận. Nhưng mặt khác, truyền thông, mạng xã hội đã tác động làm cho quán bún này trở nên nổi tiếng mà không mất phí quảng cáo. Như thế, cách làm này là có hiệu quả tốt.
- Từ câu chuyện này, ông có liên tưởng gì về những sự kiện marketing đình đám ở Việt Nam trong thời gian qua?
- Sức mạnh của truyền thông điện tử, cộng đồng Internet hiện nay rất nhanh và mạnh. Do tính chất thông tin theo mạng lưới, minh bạch, lan truyền nhanh hơn, nên có thể trong vài giờ đồng hồ, đơn vị đó có thể “làm nên chuyện lớn”. Một quán bún nhỏ, tiệm bánh nhỏ cũng có thể được quan tâm và yêu thích. Một tập đoàn lớn, thương hiệu lớn cũng có thể bị “chìm xuồng” nếu bị cộng đồng tẩy chay.
Hoạt động marketing của doanh nghiệp cần hiểu rõ cơ chế hoạt động của công cụ truyền thông, mục đích của những công cụ đó là gì; đối tượng khách hàng muốn nghe gì, xem gì; cộng đồng mạng Internet quan tâm đến chủ đề gì… Những yếu tố này kết hợp lại một cách hợp lý và thêm một chút may mắn nữa sẽ tạo thành một chương trình marketing đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của ông Phan Anh, cách làm của chủ quán bún bò đã đem lại hiệu quả rất lớn. Ảnh: Facebook. |
- Qua các sự vụ truyền thông trong thời gian gần đây, theo ông hình thức marketing như thế nào sẽ mang lại hiệu quả cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ ?
- Trong lĩnh vực marketing, tôi luôn nhấn mạnh “cần phải có nguyên liệu đầu vào cho truyền thông” và cần “am hiểu các công cụ truyền thông quan trọng”.
Vì vậy, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nên suy nghĩ và sáng tạo. Hãy thử nghiệm và thực hành khi có những ý tưởng tốt, mới lạ sẽ dễ dàng tạo ra nguyên liệu đầu vào cho hoạt động truyền thông” và hệ thống mạng lưới các công cụ truyền thông điện tử như báo điện tử, trang tin điện tử, diễn đàn, các mạng xã hội, email, dịch vụ OTT như Zalo chẳng hạn…
Ví dụ, bạn có thể tạo ra các sự kiện mới lạ, thu hút cộng đồng tại địa điểm kinh doanh. Và sau đó, có thể các công cụ truyền thông sẽ tìm đến bạn và chia sẻ câu chuyện của bạn một cách nhanh chóng, đặc biệt hoàn toàn miễn phí. Như cách gọi của tôi là “truyền thông 0 đồng”.
- Còn hiệu quả của quảng bá thương hiệu thông qua biển quảng cáo độc lạ, thưa ông?
- Việc quảng bá thương hiệu thông qua biển quảng cáo đã có từ rất lâu đời và là một trong những hình thức truyền thống kinh điển. Các tấm biển quảng cáo ngoài trời hoặc trong cửa hàng đẹp, độc, lạ luôn là những tiêu chí mà nhà quảng cáo và doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng là quảng cáo phải ở trong khuôn khổ quy định của pháp luật và phù hợp với định hướng thương hiệu của doanh nghiệp.
Sẽ là rất tuyệt vời nếu những những thương hiệu có các chiến dịch quảng cáo thông qua biển quảng cáo hoặc những hình thức in ấn khác vừa đạt được tiêu chí đẹp, độc, lạ và hài hước, vui vẻ. Điều này sẽ gây được ấn tượng với người xem. Ấn tượng này có thể là tốt hoặc chưa tốt, nhưng sẽ hiệu quả hơn là “không để lại ấn tượng”. Theo quan điểm của tôi, hiệu quả quảng cáo = ấn tượng + tần suất.