TP.HCM hiện không thể tự mình giải quyết vấn đề của mình mà cần mở rộng liên kết vùng để nhận sự hỗ trợ tối ưu hơn. Đây là hiến kế của nhiều chuyên gia tại hội thảo tầm nhìn phát triển đô thị “TP.HCM hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt”, ngày 17/11.
Quy hoạch đang ngược
Trước năm 1975, quy hoạch vùng thủ đô Sài Gòn thiên về khu đất cao ở Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn) chứ chưa hề có một quy hoạch nào về vùng đất yếu như quận 7, Nhà Bè như bây giờ. Theo nhiều chuyên gia, đây là hướng quy hoạch tương đối bất hợp lý và ngược với những nghiên cứu tối ưu trước đây.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứ phát triển TP.HCM, nếu nói quy hoạch TP.HCM dựa trên quy hoạch của Sài Gòn cũ là chưa chính xác, vì Sài Gòn chỉ là đô thành cũ còn TP.HCM mở rộng ra rất nhiều. Vậy sau năm 1975 chúng ta quy hoạch dựa trên cơ sở gì?
GS-TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng TP.HCM đang tạo ra hố sâu với các tỉnh lân cận. Ảnh: Việt Dũng |
"Đã có rất nhiều chương trình quy hoạch để cải thiện đô thị nhưng vẫn chưa có mô hình nào tối ưu. Không thể là thành phố sống tốt nếu cái nền không tốt, nên cần phải có giải pháp quy hoạch tối ưu nhất chứ không thể để tình trạng ngập lụt kẹt xe xảy ra thường xuyên”, ông Hòa nói.
Vấn đề tiếp theo là ôm đồm quá nhiều chức năng trong khi nguồn lực có hạn khiến cho TP.HCM trở nên quá tải và rất khó để cải thiện.
Các chuyên gia đặt vấn đề TP.HCM có cần thiết 10 triệu dân hay không? Nếu chúng ta liên kết vùng tốt thì Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang hỗ trợ rất tốt, bởi nhà ở xã hội ở các nơi này rất nhiều mà không bán được. Không nên ôm quá nhiều việc làm tại TP.HCM, để dồn toàn bộ lao động nhập cư vào, gây nên áp lực lớn.
Buông cảng, khu công nghiệp về tỉnh lân cận
Ông Hòa nói cần phải nhìn thoáng ra. TP.HCM có cần thiết phải giữ lấy cảng không? Trước đây kinh tế chưa phát triển cần có cảng Sài Gòn, nhưng đến nay đã có cảng Cái Mép, Thị Vải rồi thì TP.HCM phải "buông" về địa phương. Cũng như việc quy hoạch đô thị cần nhìn rộng hơn. Chỉ cần 1-2 cây cầu qua Nhơn Trạch thôi thì dân TP.HCM về đây sống tốt hơn nhiều so với Nhà Bè (vùng đất yếu và ngập lụt thường xuyên).
Điều quan trọng trước mắt là cần thức tỉnh vùng. Các chuyên gia nói rằng TP.HCM đừng tự xoay sở để cứu mình, mà hãy nhìn ra liên kết vùng để phát triển, đó là mình cứu vùng và vùng cứu mình.
Các chuyên gia cho rằng TP.HCM nên "buông" cảng, khu công nghiệp về các tỉnh lân cận để giảm áp lực dân số mới mong cải thiện bài toán giao thông hiện nay. Ảnh: Lê Quân. |
Nên để TP.HCM phát triển tự nhiên, đừng tạo ra những hố sâu với các tỉnh xung quanh. Thành phố không phải mơ ước sẽ lấy một phần Bình Dương, một phần Long An, Đồng Nai, mà hãy liên kết tốt với họ để cứu mình.
Một vấn đề các chuyên gia lưu ý là TP.HCM không cần phải "bung rộng" giải pháp hành chính, mà nên phân tán chức năng sao cho hợp lý.
"Thành phố cần sẵn sàng nhường cho các địa phương các chức năng khác chứ không thể giữ khư khư cho mình. Khu công nghệ cao cần giữ lại nhưng một số khu công nghiệp khác có nhất thiết phải ôm hay không?
Nếu cái nền hiện tại cùng với sự ôm đồm của mình, TP.HCM trở thành siêu đô thị chỉ là hy vọng và mơ ước thôi”, ông Hòa chia sẻ.
Cái khó của sự khác biệt cơ chế sở hữu đất đai
Tuy nhiên, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu lại cho rằng TP.HCM rất khó khăn liên để kết vùng chặt chẽ, bởi sự khác biệt vì cơ chế sở hữu đất đai. Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ rất khó mở rộng theo mô hình các đô thị vệ tinh xung quanh nhằm giảm áp lực về dân số.
Việc vá víu bằng cách xây dựng những khu nhà ở diện tích nhỏ sẽ tạo nên những khu ổ chuột, và rõ ràng là phát triển không bền vững, giải quyết không tận gốc để hướng đến một thành phố sống tốt.
Cơ chế sở hữu đất đai đang là rào cản lớn nhất để TP.HCM mở rộng liên kết vùng. Ngay cả việc di dời cảng ra ngoài TP.HCM trong bối cảnh liên kết vùng lỏng lẻo hiện nay thì thành phố mất đi một nguồn lực là cảng.
"Bởi ngay từ khi thành lập, Sài Gòn đã là thành phố cảng rồi. Nếu di dời không hiệu quả, đất đai lại để cho các đại gia bất động sản xây dự án nhà ở thì nguồn lực cảng bị đánh đổi tương đối rẻ", Tiến sĩ Hậu nói.
Cơ chế quản lý đất đai vẫn là rào cản lớn cho quy hoạch TP.HCM. Ảnh: Lê Quân |
Theo bà Hậu, cơ chế đất đai vẫn là điểm mấu chốt để gia tăng liên kết vùng. Chừng nào vẫn còn tư tưởng sở hữu đất đai theo từng tỉnh và phát triển tự phát mỗi nơi một kiểu thì liên kết vùng cũng khó khăn.
Giải quyết ngay bài toán giao thông, ngập nước
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho rằng quy hoạch đã bàn nhiều, vấn đề là làm sao để tiếng nói chuyên gia "lọt" vào tai lãnh đạo TP.HCM có tác động thực tế nhiều hơn.
Ông Cương cho rằng nói nhiều nhưng cần phải đọng lại điều gì giá trị. Và quan trọng nhất là phương pháp tiếp cận từ trên xuống dưới, để quản lý đô thị. Thành phố chưa làm được quy hoạch chiến lược.
"Một thành phố lớn như TP.HCM mà làm chưa bài bản, mỗi người làm một mảng, kinh tế làm một kiểu, đô thị làm một cách, văn hóa làm một hướng… thì rất khó để phát triển đồng bộ. Cần phải làm trình tự từ quy hoạch chung đến chi tiết rồi mới dồn toàn lực để phát triển", ông Cương nêu quan điểm.
Một số đại biểu khác cho rằng thành phố phải nhìn thẳng vào những hạn chế để điều chỉnh hướng phát triển cho đúng, để giải quyết được hạn chế hiện nay. Quan trọng là tìm ra giải pháp phù hợp với thực tiễn và đưa ra chiến lược, trước mắt phải tập trung giải quyết ngay bài toán giao thông và ngập nước.