Là chuyên gia hàng đầu được chính phủ Đức tham vấn về đại dịch, ông có những chia sẻ thú vị về dịch Covid-19 trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Guardian.
Ông Drosten nói về nguy cơ làn sóng lây nhiễm virus thứ 2 và giải thích “nghịch lý chống dịch” khiến ông lo lắng mỗi ngày.
Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học ở bệnh viện Charité - Đại học Y khoa Berlin. Ảnh: Reuters. |
Tranh luận nới lỏng phong tỏa
- Đức sẽ bắt đầu nới lỏng phong tỏa dần dần vào ngày 27/4. Điều gì xảy ra tiếp theo?
- Các khoa chăm sóc đặc biệt ở Đức đang trống một nửa. Đó là vì chúng tôi đã xét nghiệm chẩn đoán sớm trên diện rộng và đã kiềm chế được dịch bệnh - tức giảm hệ số lây lan (số người bị lây trung bình từ một ca bệnh) xuống dưới 1.
Nhưng giờ lại có “nghịch lý chống dịch”. Mọi người bảo chúng tôi phản ứng thái quá và có sức ép, buộc phải trở về bình thường. Kế hoạch liên bang là gỡ bỏ phong tỏa dần dần, nhưng vì các bang của Đức mới là người quyết định, tôi sợ các bang sẽ diễn giải kế hoạch đó khác nhau. Tôi lo ngại hệ số lây lan sẽ lại tăng, và chúng ta sẽ có làn sóng thứ 2.
- Nếu phong tỏa lâu hơn, liệu có diệt tận gốc được dịch bệnh?
- Có một số mô hình ở Đức cho rằng nếu kéo dài phong tỏa thêm vài tuần, chúng ta có thể giảm lây lan xuống thấp nữa - giảm hệ số lây lan xuống dưới 0,2. Tôi đang phân vân về điều này.
Hệ số lây lan chỉ là trung bình, và không thể phản ánh được các cụm lây lan lớn như viện dưỡng lão. Những nơi này sẽ mất nhiều thời gian hơn để diệt tận gốc mầm bệnh.
Nhà khoa học Đại học Munich đang xử lý mẫu máu trong nghiên cứu về Covid-19 hôm 17/4. Ảnh: Reuters. |
- Nếu dịch bùng trở lại liệu chúng ta có thể kiềm chế?
- Vẫn có thể, nhưng không thể chỉ dựa vào truy vết tiếp xúc. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy một nửa số ca lây nhiễm xảy ra trước khi người bệnh có triệu chứng - dường như người bệnh có thể lây nhiễm hai ngày trước khi có triệu chứng.
Vì vậy, những nhân viên truy vết tiếp xúc luôn phải chạy đua với thời gian. Họ cần nhiều hỗ trợ để có thể nắm được hết và nhanh nhất có thể những người đã tiếp xúc với mầm bệnh - điều này sẽ cần công nghệ truy vết điện tử.
- Chúng ta đã gần ngưỡng “miễn dịch bầy đàn” hay chưa?
- Để đạt miễn dịch bầy đàn, chúng ta cần 60-70% dân số thế giới có kháng thể đối với virus. Kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy ở châu Âu và Mỹ, nói chung, tỷ lệ phần trăm đó mới chỉ ở khoảng một chữ số. Nhưng các xét nghiệm cũng không tin cậy, tất cả đều có một số dương tính sai.
Miễn dịch bầy đàn cũng không phải tất cả. Vì để chặn được dịch, thì những người miễn dịch phải thực sự “trộn đều” trong xã hội. Nhưng có nhiều lý do khiến điều kiện này chưa xảy ra, và sẽ có những nhóm người mới trước đây chưa tiếp xúc với bệnh sau đó lại tiếp xúc với bệnh, tạo ra những làn sóng mới.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến miễn dịch bầy đàn là liệu các chủng virus corona khác - chẳng hạn những chủng gây ra cảm thông thường - có thể bảo vệ chúng ta khỏi virus này hay không. Vẫn chưa biết, nhưng điều đó là có thể.
Người dân thành phố Dresden, Đức, đeo khẩu trang ngày 17/4. Ảnh: Reuters. |
Dịch có bắt nguồn từ Trung Quốc?
- Liệu các quốc gia có nên xét nghiệm cho tất cả mọi người?
- Tôi không chắc về điều đó. Ngay cả ở Đức, có khả năng xét nghiệm lớn, và hầu hết nhắm vào những người có triệu chứng, tỷ lệ dương tính của chúng tôi cũng không vượt quá 8%. Vì vậy, tôi nghĩ xét nghiệm có đối tượng sẽ tốt hơn, chẳng hạn cho những người có nguy cơ cao như nhân viên bệnh viện và viện dưỡng lão. Đức vẫn chưa đạt tới mục tiêu xét nghiệm có định hướng như vậy, nhưng đang hướng tới.
Mục tiêu khác nữa nên là các bệnh nhân trong tuần đầu có triệu chứng, nhất là các bệnh nhân cao tuổi, thường đến bệnh viện quá muộn, khi môi của họ đã tím tái, cần phải đặt ống thở.
Và chúng ta cần hệ thống giám sát mang tính dự báo trước, để xét nghiệm các mẫu dân số một cách thường xuyên, và theo dõi sự lên xuống của hệ số lây lan.
Người dân đi qua con phố vắng tại Cologne, Đức, ngày 17/3. Ảnh: Reuters. |
- Chúng ta có biết gì về ảnh hưởng của các mùa lên virus?
- Không nhiều. Nhóm mô phỏng của Đại học Harvard, do giáo sư Marc Lipsitch dẫn đầu, nêu giả thuyết virus có thể lan truyền chậm hơn trong mùa hè, nhưng tác động khá nhỏ. Tôi không có dữ liệu nào khác tốt hơn.
- Chúng ta có thể nói chắc là đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc?
- Tôi nghĩ vậy. Một mặt, tôi không tin rằng virus bắt nguồn từ chợ hải sản ở Vũ Hán. Khả năng cao hơn là nó bắt nguồn từ nơi mà vật chủ trung gian được nhân giống.
- Chúng ta biết gì về vật chủ trung gian - có phải là tê tê như nhiều thông tin cho biết?
- Tôi không thấy có lý do gì để giả định rằng virus đã nhảy qua tê tê rồi nhảy qua người. Có thông tin thú vị từ các nghiên cứu về virus SARS, là virus được phát hiện trên con cầy hương, nhưng cũng ở con lửng chó (racoon dog) - một chi tiết mà báo chí không nhắc nhiều.
Loài này là cả một ngành công nghiệp ở Trung Quốc, nơi chúng được nhân giống trong trại hay bắt từ hoang dã để lấy lông.
Nếu bạn cho tôi vài trăm nghìn USD và cho tôi vào Trung Quốc thoải mái để tìm nguồn gốc virus, tôi sẽ tìm kiếm ở những nơi con vật này được nhân giống.
Khách xếp hàng mua đồ ăn tại trung tâm mua sắm ở British Columbia, Canada, ngày 14/4. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tìm bệnh nhân số 0 có cần thiết?
- Tìm ra bệnh nhân số 0 - con người đầu tiên nhiễm virus - có hữu ích không?
- Không. Vì bệnh nhân số 0 gần như chắc chắn cũng có virus rất giống những virus đầu tiên, vì vậy không giúp chúng ta giải quyết vấn đề hiện tại. Thậm chí cũng khó lập luận rằng như vậy sẽ giúp chúng ta ngăn chặn dịch bệnh tương lai, vì nhân loại sẽ miễn dịch đối với chủng virus corona tiếp theo liên quan đến SARS sau khi dịch bệnh này kết thúc.
Các chủng virus corona có thể là mối đe dọa - chẳng hạn MERS - nhưng để hiểu được nguy cơ chúng ta phải nghiên cứu MERS đang tiến hóa trên lạc đà ở Trung Đông như thế nào.
- Thủ tướng Đức Angela Merkel được khen ngợi vì vai trò lãnh đạo trong dịch bệnh lần này. Điều gì giúp bà ta điều hành tốt?
- Bà ấy nắm thông tin rất rõ. Là nhà khoa học, và có khả năng đọc số liệu tốt cũng là điểm mạnh của bà. Nhưng tôi nghĩ cái chính là tính cách của bà - chu đáo và có khả năng trấn an.
Có thể một trong những điểm khác biệt nhất của một lãnh đạo tốt là họ không dùng tình hình hiện tại làm cơ hội chính trị. Họ biết như vậy có thể phản tác dụng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏa sáng trong số các lãnh đạo thế giới vì thành công chống dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
- Ông lo ngại về điều gì?
- Ở Đức, mọi người thấy bệnh viện chưa quá tải, và họ không hiểu sao các cửa tiệm phải đóng cửa. Họ chỉ nhìn vào những gì xảy ra ở đây, chứ không nhìn vào tình hình ở New York hay Tây Ban Nha.
Đó là “nghịch lý chống dịch”, và đối với người dân Đức thì tôi là kẻ đáng ghét đang làm kiệt quệ nền kinh tế.
Tôi nhận được những lời dọa giết, mà tôi chuyển cho cảnh sát. Nhưng đáng lo hơn đối với tôi là những email từ những người có ba con nhỏ, lo lắng về tương lai. Không phải lỗi của tôi, nhưng tôi vẫn lo lắng nhất về những hoàn cảnh khó khăn đó.