Các chuyên gia nhận định năm nay, điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều ngành đào tạo, trong đó có ngành sư phạm và khoa học sức khỏe có thể tăng hơn so với năm ngoái.
NhThí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: TTXVN. |
Không có nhiều biến động
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp, ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 và số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, điểm chuẩn năm nay sẽ không có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, vẫn có thể “tăng nhẹ” với ngành sư phạm và khoa học sức khỏe hoặc cũng có thể không tăng so với năm trước ở khối ngành Công nghệ thông tin, Kinh tế và Cơ Điện.
Năm nay, Đại học Mỏ - Địa chất tuyển sinh 9 mã ngành học mới là Du lịch địa chất, Công nghệ thông tin chất lượng cao, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí động lực, Xây dựng công trình ngầm thành phố và hệ thống tàu điện ngầm, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Quản lý tài nguyên môi trường, Quản lý công nghiệp.
“Đối với những ngành này, điểm trúng tuyển dự báo sẽ ở mức “vừa phải” so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Các ngành còn lại có thể không thay đổi so với điểm chuẩn của nhiều năm trước”, PGS.TS Nguyễn Việt Hà nhận định.
PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, ĐH Thương mại (Hà Nội) - dự đoán điểm chuẩn năm 2021 có thể tăng nhẹ. Một số ngành hot, năm trước điểm chuẩn đã cao nên dự kiến năm nay sẽ giữ mức ổn định hoặc có thể tăng khoảng 1 điểm.
Đối với ngành sư phạm và khoa học sức khỏe, các chuyên gia nhận định điểm chuẩn sẽ cao hơn năm trước. Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - dự đoán riêng khối ngành sức khỏe sẽ có nhiều mức điểm chuẩn khác nhau theo từng ngành đào tạo.
TS Võ Thanh Hải lý giải ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành sức khoẻ năm nay bằng với năm 2020; trong khi số thí sinh có điểm thi theo tổ hợp xét tuyển B00 trên 28 năm 2021 không nhiều như năm trước. Do vậy, điểm trúng tuyển một số ngành ở lĩnh vực này có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2020 từ 0,5-1 điểm. Tuy nhiên, một số ngành có điểm chuẩn thấp (năm 2020) dự kiến năm nay sẽ tăng nhẹ.
Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Điểm chuẩn vào sư phạm có thể tăng nhẹ
Với các ngành sư phạm nói chung, điểm chuẩn năm nay có thể tăng từ 1-2 điểm so với năm ngoái. Lý giải nhận định này, TS Võ Thanh Hải phân tích theo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, số thí sinh có điểm theo các tổ hợp xét tuyển truyền thống (3 môn) đạt từ 18 điểm trở lên nhiều hơn so với năm ngoái.
Hơn nữa, từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm được hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách của Nhà nước như miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, đào tạo theo đặt hàng của địa phương… Do đó, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng so với các năm trước.
“Đây là lý do điểm chuẩn vào ngành sư phạm được dự báo sẽ tăng hơn so với năm 2020”, TS Võ Thanh Hải trao đổi.
Không đưa ra con số cụ thể, nhưng PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - nhận định: Từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào mà Bộ GD&ĐT đã công bố đối với ngành sư phạm cho thấy, “điểm sàn” ngành này cao hơn so với năm ngoái. Cùng với đó, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng cao. Do đó, năm nay điểm chuẩn vào ngành này có thể sẽ tăng ở mức nhất định.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết năm 2021, tổng chỉ tiêu xét tuyển của ĐH Sư phạm Hà Nội là 5.700. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 4.263 sinh viên, còn lại gần 1.500 chỉ tiêu cho các ngành ngoài sư phạm. Năm nay, do có thêm chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với sinh viên sư phạm nên số lượng đăng ký vào sư phạm tăng cao. Ở thời điểm này, chưa thể nói chính xác điểm chuẩn là bao nhiêu.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ: Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá nhiều ở các môn như Tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học...
Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trúng tuyển) của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm của các môn thi THPT là thành phần của tổ hợp xét tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, chương trình đào tạo.
Điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, việc xét tuyển sẽ có thuận lợi hơn do dải điểm rộng.
Ngoài một số môn thi cao hơn 2020, việc các trường ĐH đã dành lượng tương đối chỉ tiêu cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỷ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có giảm nhất định. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.
Bộ GD&ĐT cho biết, kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (tính đến 17 giờ ngày 5/9), có hơn 358 nghìn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, chiếm tỷ lệ 45,09% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển. Năm nay, tổng chỉ tiêu nhóm ngành khoa học GD&ĐT giáo viên là hơn 50.000, nhưng số lượng đăng ký nguyện vọng 1 là trên 68.000.