Những ngày qua, động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tục với tần suất dày và cường độ mạnh hơn so với thời gian trước.
Đỉnh điểm vào ngày 7/7, khu vực này xảy ra 14 trận động đất với độ lớn cao nhất là 4,2 đồng thời vẫn tiếp tục xảy ra các trận động đất nhỏ hơn đến thời điểm hiện tại.
Để làm rõ hơn hiện tượng này này và ảnh hưởng của chúng, phóng viên đã phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trận động đất có độ lớn 3,7 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào sáng 5/7. |
- Loạt động đất liên tục trong những ngày qua tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, có thể được lý giải như thế nào, thưa Viện trưởng?
- Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Qua theo dõi và thành lập các đoàn nghiên cứu, kiểm tra tại khu vực này, chúng tôi xác định đây là động đất kích thích do hồ chứa thủy điện.
Các trận động đất loại này có tính chu kỳ, có thời điểm động đất xảy ra dồn dập, nhưng có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Động đất tại khu vực Kon Plông có thể xuất hiện và kéo dài trong những năm tới.
Những ngày qua, Viện Vật lý Địa cầu ghi nhận động đất xảy ra dồn dập tại khu vực này vào ngày 7/7/2023 với 14 trận động đất; trong đó, trận động đất có độ lớn cao nhất là 4,2.
Tiếp đó, ngày 8/7, khu vực này xảy ra 4 trận động đất có độ lớn dưới 3,2; ngày 9/7 xảy ra 5 trận có độ lớn dưới 3,3.
Ngày hôm nay, 10/7, khu vực này tiếp tục xảy ra 5 trận động đất.
- Động đất xảy với tần suất dày ở Kon Tum có dẫn đến cảnh báo gì không, thưa Viện trưởng?
- Việc dự đoán động đất có khả năng xảy ra trong thời gian tới là rất khó, hầu như chưa quốc gia nào làm được. Hiện nay, chúng tôi chỉ có thể theo dõi và ghi nhận rung chấn khi động đất đã xảy ra.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thực hiện nghiên cứu và nhận định khu vực này nhiều khả năng chỉ xảy ra động đất có độ lớn dưới 5,5, tức mức độ trung bình trở xuống nên ít có khả năng gây rủi ro thiên tai.
Có thể nói, mức độ động đất trong những ngày vừa qua dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro. Người dân không nên quá lo lắng mà cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời, thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
- Đối với các cấp độ động đất, người dân cần chú ý cảnh báo ở cấp độ nào để chủ động ứng phó, thưa Viện trưởng?
- Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất được quy định tại Điều 16 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg hướng dẫn về cấp độ rủi ro thiên tai. Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất có 5 cấp.
Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 5 đến cấp 6, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 6 đến cấp 7, xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.
Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 6 đến cấp 7 như rủi ro cấp 2 nhưng xảy ra ở khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện; hoặc cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 7 đến cấp 8 xảy ra ở khu vực nông thôn.
Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 7 đến cấp 8, xảy ra ở khu vực nông thôn; hoặc khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện.
Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được lớn hơn cấp 8, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam. Các trận động đất trong những ngày qua tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có độ lớn cao nhất là 4,2. Độ lớn cao nhất của động đất tại khu vực này được ghi nhận vào ngày 23/8/2022 là 4,7, do đó không gây rủi ro thiên tai.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng người dân và chính quyền địa phương vẫn cần đề phòng ảnh hưởng của các rung chấn, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng, nhà ở có kết cấu yếu, chuồng trại chăn nuôi không kiên cố của người dân khu vực nông thôn.
Tại các khu vực đồi, núi, dốc có địa chất kém hoặc "ngậm nước" do mưa nhiều, không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng bởi các rung chấn từ động đất gây sạt, trượt đất đá.
Một thôn trên địa bàn huyện Kon Plông. |
- Để tăng cường khả năng cảnh báo, ứng phó với động đất tại khu vực này trong thời gian tới, cần thực hiện những điều gì, thưa Viện trưởng?
- Viện Vật lý địa cầu đang đề xuất trong thời gian sớm nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ "Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra" với các nội dung chính là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; dự báo xu thế hoạt động động đất; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.
Không chỉ ở Kom Tum, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về động đất cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các địa phương, bởi trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Viện Vật lý địa cầu đã biên soạn, tổng hợp và xuất bản cuốn sách “Những hiểu biết cơ bản để an toàn với động đất tại Việt Nam” nhằm cung cấp đến người dân những kỹ năng cần thiết trong phòng tránh rủi ro do động đất.
Cuốn sách hướng dẫn người dân những biện pháp cụ thể như: gia cố nhà cửa, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai của mỗi gia đình đang sinh sống ở nơi dễ xảy ra động đất; những việc cần làm khi động đất xảy ra; xử lý sự cố, kiểm tra thiệt hại và cứu chữa người dân sau khi động đất xảy ra...
- Trân trọng cảm ơn Viện trưởng.
Sách chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
The Climate Book - Thunberg đã viết cuốn sách này với niềm tin mãnh liệt của tuổi trẻ và tính bộc trực của một nhà hoạt động, điều giúp cuốn sách trở nên tươi mới. Thông qua đó, Greta đã chia sẻ nhiều câu chuyện riêng về việc cô nhìn thấy thế giới đã bị xói mòn như thế nào, màu xanh cỏ cây dần bị mai một ra sao và đã bao lâu con người không nhận thức được điều đó.
Cuốn sách được tờ The Guardian đánh giá là một lời kêu gọi mạnh mẽ nhưng chưa có sức nặng về giải pháp cho các vấn đề khí hậu.