Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây đã công bố tỷ lệ lạm phát bình quân quý I năm 2019 là 2,63%. Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh nhận định con số này là khá thấp, nhưng nội hàm nó lại chứa rất nhiều vấn đề liên quan đến áp lực tăng lạm phát trong thời gian tới.
“Quyết định áp thuế bảo vệ môi trường kịch trần lên xăng dầu, xu hướng tăng trở lại của giá dầu thế giới cùng việc tăng giá điện thêm 8,36% đều xảy ra trong 3 tháng đầu năm. Những điều chỉnh này thường không tác động ngay đến tỷ lệ lạm phát của quý đó mà kéo dài thậm chí đến 1 năm và ảnh hưởng mạnh nhất sau khoảng 3-4 tháng. Do vậy, tôi nghĩ con số lạm phát ở báo cáo quý II sẽ tăng tương đối mạnh”, ông chia sẻ.
PGS.TS Phạm Thế Anh cảnh báo lạm phát có thể tăng mạnh trong quý II. |
Theo VEPR, lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại trong quý I. So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%. VEPR đánh giá, lạm phát lõi quý I kiểm soát ở mức tăng 1,83%, phản ánh chính sách tiền tệ được điều chỉnh ổn định.
Tính riêng tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết tăng, nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, sang đến tháng 3, do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi cũng như nhu cầu tiêu dùng sau Tết khiến CPI giảm 0,21%.
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng dịch bệnh tác động không nhỏ đến giá thực phẩm. Ngoài ra, ông cũng khẳng định yếu tố thời tiết có thể sẽ làm giảm sản lượng trong nông nghiệp.
Vị chuyên gia kinh tế này khuyến nghị: “Ngân hàng Trung ương cần phải cẩn trọng hơn đối với việc mở rộng tín dụng hay cung tiền trong thời gian tới. Tức là nếu chỉ có cú sốc về chi phí đầu vào, lạm phát có thể sẽ dễ được kiểm soát tốt hơn so với việc lạm phát kết hợp do chi phí và tăng trưởng tín dụng”.