Những đề xuất thay đổi hệ thống hưu trí của Pháp đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình và đình công lớn kể từ đầu năm. Dự luật này dự kiến được bỏ phiếu tại Quốc hội vào hôm 16/3, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra quyết định vào phút chót.
Vài phút trước khi các nghị sĩ ở Hạ viện bỏ phiếu, ông Macron vẫn tổ chức một loạt cuộc họp với các nhân vật chính trị cấp cao, và bất ngờ chọn sử dụng các quyền đặc biệt thay vì mạo hiểm đưa dự luật vào quy trình bỏ phiếu.
Ông đã viện dẫn điều 49.3 của hiến pháp, cho phép chính phủ thông qua dự luật trên mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội, Guardian đưa tin.
Tại sao hưu trí là điểm nóng chính trị ở Pháp?
Pháp có hệ thống hưu trí được đánh giá cao, khi các chính trị gia gọi đây là “sự đoàn kết giữa các thế hệ”. Theo đó, người lao động phải trả các khoản phí bắt buộc nhằm tài trợ cho nhóm nghỉ hưu. Tất cả người lao động Pháp đều được hưởng lương hưu nhà nước.
Pháp có độ tuổi đủ điều kiện nhận lương hưu nhà nước thấp nhất trong số các nền kinh tế chính châu Âu và dành một khoản đáng kể hỗ trợ hệ thống. Người dân Pháp lao động tích cực và coi lương hưu công bằng là nền tảng cho cách xã hội vận hành.
Trong 40 năm qua, mỗi tổng thống Pháp đều thực hiện những thay đổi với luật hưu trí theo cách nào đó. Mỗi lần như vậy, người dân Pháp lại kéo xuống đường thể hiện sự tức giận.
Đề xuất của ông Macron gồm những gì?
Tuổi nghỉ hưu chung tối thiểu sẽ tăng từ 62 lên 64. Một số người lao động trong khu vực công sẽ mất các đặc quyền. Số năm làm việc cần thiết để nhận lương hưu đầy đủ sẽ tăng. Những thay đổi này nằm trong một phần tuyên bố của ông Macron khi tái cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2022.
Trước đó, vào năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu, ông đưa ra kế hoạch khác nhằm thống nhất hệ thống lương hưu phức tạp của Pháp. Ông lập luận việc loại bỏ 42 chế độ đặc biệt trong các lĩnh vực từ đường sắt, năng lượng đến luật sư là rất quan trọng, nhằm giữ cho tài chính của hệ thống khả thi giữa lúc Pháp đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao hơn. Khi đó, ông không đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Thời điểm đó, những cuộc biểu tình chống lại các đề xuất kéo dài hơn mọi cuộc đình công kể từ năm 1968. Những đề xuất này cuối cùng phải gác lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020.
Ai biểu tình?
Trong động thái thể hiện sự đoàn kết hiếm thấy, tất cả nghiệp đoàn đã tổ chức biểu tình từ đầu năm nay. Vào ngày 7/3, biểu tình đạt đỉnh khi ước tính có 1,28 triệu người xuống đường.
Nhân viên vận tải, năng lượng, bến tàu, giáo viên và khu vực công, kể cả nhân viên bảo tàng, tổ chức đình công. Một cuộc đình công thu gom rác đang diễn ra và khiến đường phố Paris tích tụ hơn 7.000 tấn rác thải. Các công đoàn lập luận việc thay đổi giáng đòn mạnh vào những người có thu nhập thấp, làm công việc tay chân và phải lao động từ sớm.
Theo New York Times, các cuộc thăm dò cho thấy người Pháp hoàn toàn phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Vì sao ông Macron viện dẫn quyền đặc biệt?
Hạ viện Pháp sẵn sàng bỏ phiếu vào chiều 16/3. Tuy nhiên, do không chắc chắn với mức độ ủng hộ của các nhà lập pháp, ông Macron đã quyết định dùng quyền đặc biệt.
Động thái này đã khiến Quốc hội Pháp hỗn loạn, trong đó các nghị sĩ cực tả đã hát quốc ca La Marseillaise hết cỡ để ngăn Thủ tướng Élisabeth Borne phát biểu.
Việc sử dụng các quyền đặc biệt cho thấy vị thế không mấy dễ dàng của tổng thống Pháp trong quốc hội. Ông mất uy tín nghiêm trọng trong Quốc hội sau khi nhóm ôn hòa không giành được đa số tuyệt đối trong bầu cử Quốc hội hồi tháng 6 năm ngoái, trong bối cảnh phe cực hữu và cực tả giành được nhiều thắng lợi.
Không có thế đa số, chính phủ buộc phải dựa vào đảng cánh hữu, Les Républicains, để nhận được sự ủng hộ về đề xuất này. Tuy nhiên, bất chấp nhiều tuần đàm phán, kết quả không mấy lạc quan.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Các chính trị gia cánh tả kêu gọi công đoàn tiếp tục đình công và biểu tình trên đường phố.
Trong vòng 24 giờ tới, các chính trị gia đối lập sẽ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ, có thể dẫn tới một cuộc bỏ phiếu diễn ra sớm nhất vào ngày 20/3.
Theo AP, trong trường hợp bỏ phiếu bất tín nhiệm được thông qua, chính phủ sẽ phải từ chức. Ngược lại, nếu động thái này không thành, dự luật cải cách hưu trí được coi là đã thông qua.
Tuy nhiên, động thái này có thể diễn ra hay không phụ thuộc vào cách các đảng đối lập đoàn kết ra sao. Phe cực tả không muốn tham gia cùng phe cực hữu của bà Marine Le Pen.
Trước đây, những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ không được thông qua do không giành được đa số tuyệt đối là 287. Phần lớn phụ thuộc vào việc liệu đảng Les Républicains có bỏ phiếu hay không.
Lãnh đạo đảng, Eric Ciotti, cho biết hôm 16/3 rằng Les Républicains sẽ không đưa tên mình vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Bản sắc Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.