Siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) của ông Mitch McConnell có một đề xuất cho ủy ban vận động của đảng Cộng hòa: Trong cuộc bầu cử sơ bộ, cân nhắc chọn những người không thất bại trong ngày bầu cử chính.
Những người khác nhận ra vấn đề lớn hơn trong kỳ bầu cử này: Cựu Tổng thống Donald Trump và sự hiện diện của ông trong chiến dịch vận động, đặc biệt là việc ông đề cập tới khả năng tranh cử vào năm 2024 trong những ngày cuối cuộc bầu cử.
“Điều này chắc chắn không giúp ích được gì”, một thành viên đảng Cộng hòa nói.
Về vấn đề phá thai, đảng Cộng hòa đã không có phản ứng hiệu quả trước các “đòn tấn công” từ đảng Dân chủ. Trong khi đó, một số người thất vọng với các nhà lãnh đạo đảng như ông McConnell hay Kevin McCarthy.
“Chủ nghĩa cộng hòa ở Washington đã thua đậm vào đêm 8/11”, Thượng nghị sĩ Josh Hawley tại Missouri cho biết.
CNN nhận định “trò chơi đổ lỗi” trong nội bộ đảng Cộng hòa đã xuất hiện, sau khi các dự đoán lạc quan về làn sóng đỏ không thành hiện thực.
Theo Wall Street Journal, đảng Cộng hòa vẫn đang trên đà giành đa số ở Hạ viện, nhưng với tỷ lệ chênh lệch nhỏ hơn nhiều so với dự đoán. Tại Thượng viện, cách biệt là rất nhỏ, phá vỡ hy vọng đảng Cộng hòa sẽ giành được thế đa số một cách thoải mái.
Chiến lược không đồng nhất
Sau kỳ bầu cử năm 2010 và 2012, ông McConnell và các đồng minh đã tiến sâu hơn vào các cuộc bầu cử sơ bộ để loại những ứng viên mà họ cho rằng có thể khiến đảng mất các ghế quan trọng. Tuy nhiên năm nay, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Thượng viện Mỹ (NRSC) - cơ quan chiến dịch chính của đảng - lại không can thiệp vào bầu cử sơ bộ.
Đảng hoạt động hiệu quả hơn trong các cuộc đua mà chiến lược thống nhất, ví dụ như cuộc đua Thượng viện ở Nevada và Georgia. Dẫu vậy, tại New Hampshire và Arizona, siêu PAC Senate Leadership Fund (SLF) của ông McConnell và NRSC có chiến lược khác nhau. Ở Arizona, ứng viên của đảng Don Bolduc xếp sau đối thủ đảng Cộng hòa Blake Masters.
Steven Law - người đứng đầu SLF - cho biết đảng cần thảo luận xem NRSC có nên thực hiện lại "cách tiếp cận lãnh đạo mà không can dự vào công việc cụ thể trong bầu cử sơ bộ hay không”. Ông chỉ ra những cựu chính trị gia cứng rắn của NRSC như Ward Baker - người giúp “lật” Thượng viện vào năm 2014 - “gần như không có cách tiếp cận thụ động với bất cứ điều gì, đặc biệt là việc lựa chọn ứng cử viên”.
Phát ngôn viên NRSC Chris Hartline đã bảo vệ chiến lược của nhóm.
“Chủ tịch (Rick) Scott và NRSC tôn trọng ý chí cử tri sơ bộ của đảng Cộng hòa. Chúng tôi tự hào sát cánh bên các ứng viên trên mọi chặng đường”, ông Hartline nói. “Những ai ghét ứng viên của chúng tôi đồng nghĩa là ghét cử tri đảng Cộng hòa đã chọn họ. Đơn giản là như vậy. Mọi người được hoan nghênh khi tham gia vào các cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng đó không phải là điều NRSC làm”.
Mitch McConnell - Lãnh đạo Phe thiểu số Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Scott trước đó dự đoán đảng Cộng hòa sẽ nắm 52 ghế tại Thượng viện, thậm chí là 55. Trong khi đó, ông Law cho hay cách tiếp cận của đảng Cộng hòa là tập trung vào mục tiêu “thực tế” 51 ghế, “chứ không hy vọng vào làn sóng đỏ khổng lồ giúp chúng tôi có thế đa số lớn hơn”.
Ngoài khác biệt về chiến lược mục tiêu, SLF và NRSC còn có nhiều điểm trái ngược. Về mặt thông điệp, ông McConnell muốn bầu cử giữa kỳ là cuộc trưng cầu dân ý về chương trình nghị sự của tổng thống, trong khi ông Scott cũng muốn quảng bá những gì một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể làm.
Một vấn đề khác là cách sử dụng nguồn lực. NRSC muốn chi tiền sớm hơn trong chu kỳ bầu cử, trong khi nhiều người cho rằng điều này sẽ khiến ứng viên đảng Cộng hòa và SLF phải chịu trách nhiệm chính trong những tuần quan trọng cuối cùng.
Ngoài ra, việc đặt quảng cáo cũng tiết lộ xung đột về mặt chiến lược giữa các nhóm. Ví dụ, hồi tháng 8 và tháng 9, SLF rút quảng cáo ở Arizona, theo Politico. Sau đó, NRSC lại tuyên bố sẽ chi cho ông Masters - một ứng cử viên được ông Trump hậu thuẫn.
Nhân tố Trump và vấn đề phá thai
Ngoài việc dấy lên cuộc tranh luận về chiến thuật chính trị, kết quả bầu cử năm 2022 còn nhấn mạnh đảng Cộng hòa vật lộn trong việc giải quyết 2 vấn đề chính: Ông Trump và phá thai.
Theo CNN, các cuộc thăm dò sớm cho thấy nhìn chung, nước Mỹ ủng hộ quyền phá thai. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa dường như chưa chuẩn bị cho chiến lược bảo vệ quan điểm của mình.
Một số nhóm chống phá thai chỉ trích ban lãnh đạo đảng Cộng hòa vì không xây dựng chiến lược thống nhất, trong khi các ứng viên cố gắng né tránh vấn đề.
Marjorie Dannenfelser - chủ tịch của tổ chức Susan B. Anthony Pro-Life America - cho rằng một số ứng viên đảng Cộng hòa đã không phản ứng tốt trước lời chỉ trích từ các ứng viên đảng Dân chủ trong vấn đề này. Bà dẫn ví dụ về ông Oz ở Pennsylvania.
Một số ứng cử viên “không chuẩn bị và áp dụng chiến lược ‘đà điểu’: Vùi đầu vào cát và chạy trốn vấn đề, để đối thủ đánh bại họ”, bà nói thêm.
Một thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng cho biết đảng này bị ảnh hưởng do thiếu thông điệp gắn kết về chủ đề phá thai. Họ cho rằng hầu hết thành viên "quay lưng với phụ nữ" sau khi án lệ Roe v Wade bị lật ngược.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa nói sự xuất hiện của ông Trump làm hẹp cửa cơ hội của đảng trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng đang nhìn về phía ông Trump.
Trong suốt chu kỳ bầu cử, ông McCarthy và các nhà lãnh đạo đảng luôn nói cựu tổng thống sẽ đóng vai trò quan trọng và không tạo khoảng cách giữa đảng Cộng hòa và ông Trump. Tuy nhiên, ở phía sau, các nhà lãnh đạo khuyên ứng cử viên không nên biến ông Trump thành trọng tâm trong các chiến dịch vận động.
“Có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa các ứng viên ủng hộ MAGA và những tổn thất lớn”, cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Pennsylvania Pat Toomey nói, đề cập tới khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump. “Tôi nghĩ đảng phải đối mặt với thực tế nếu trung thành với ông Trump là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn ứng cử viên, thì có lẽ chúng tôi đã làm không thực sự tốt”.
Trong khi đó, một phần quan trọng trong thông điệp của đảng Dân chủ là liên kết đảng Cộng hòa với phe ông Trump, gọi các đối thủ là "những người ủng hộ MAGA cực đoan".
“Ông Trump đã làm tổn hại chúng tôi”, một nhà lập pháp cấp cao khác tại Hạ viện nói. Trong khi đó, ông Law nhận định việc ông Trump xuất hiện trong chiến dịch tranh cử có thể đã giúp ích cho đảng Dân chủ.
Thống đốc Virginia, Winsome Earle-Sears - người từng ủng hộ mạnh mẽ ông Trump - cho rằng các cử tri đã gửi thông điệp rất rõ ràng vào đêm 8/11: "Đã quá đủ", theo AP.
“Các cử tri cất tiếng nói, nói họ muốn có một nhà lãnh đạo khác", bà nói. "(Họ cần) Nhà lãnh đạo thực sự hiểu đã đến lúc phải bước khỏi sân khấu chính và bước tiếp".
Tuy vậy, không phải tất cả thành viên đảng Cộng hòa đều đổ lỗi cho ông Trump. Hạ nghị sĩ Elise Stefanik cho biết bà hoàn toàn ủng hộ cựu tổng thống tái tranh cử vào năm 2024 và khuyến khích mọi người đoàn kết ủng hộ ông.
"Tôi tự hào rằng mình ủng hộ ông Donald Trump làm tổng thống năm 2024", bà Stefanik nói.
Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động”. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.