Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Trên đường vào Khu di tích (KDT) Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tôi nhớ tới câu thơ trong bài “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu khi mô tả về ngôi nhà sàn của Bác Hồ: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn/Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn…”. Tới nơi, nhờ có sự liên hệ kỹ từ trước đó, tôi được cán bộ của KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho xem hồ sơ về ngôi nhà sàn, bao gồm những hình ảnh về thiết kế, hiện vật của nhà sàn. Hồ sơ cũng có những tư liệu, bài viết của các cán bộ chuyên môn có hiểu biết sâu về ngôi nhà sàn đặc biệt này.
Bác Hồ bên ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cung cấp. |
Cách đây bảy mươi năm, năm 1954, sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Hồ Chủ tịch về Thủ đô Hà Nội. Khi đó, Bác được tổ chức bố trí ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (trước đó là Phủ Toàn quyền Đông Dương), một công thự lớn ở khu vực Ba Đình. Nhưng với đức tính giản dị, muốn sống gần gũi với thiên nhiên, Bác đã không ở đó. Bác chỉ chọn sống tại một ngôi nhà nhỏ ở một góc trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch, còn tòa nhà lớn dành để họp Hội đồng Chính phủ, tiếp đón khách quốc tế sang thăm Việt Nam.
Đầu năm 1958, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đề xuất việc xây dựng một ngôi nhà mới để Bác có nơi ở và làm việc tốt hơn. Bác thống nhất với đề xuất này. Tháng 3/1958, sau chuyến thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên trở về, Hồ Chủ tịch bày tỏ ý định muốn làm một căn nhà nhỏ ở phía bờ ao trong Phủ Chủ tịch để ở và làm việc. Việc lựa chọn này, bên cạnh đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác, thì trong 9 năm trường kỳ kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc, Người đã quen ở trong những căn nhà của đồng bào dân tộc. Do vậy, việc Bác lựa chọn sống trong một ngôi nhà sàn, vừa là sự yêu thích không gian gắn với thiên nhiên của Người, nhưng lớn hơn đó là tình cảm của Bác đối với người dân vùng cao Việt Bắc.
Chuẩn theo mong muốn này của Bác, Cục Thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ thi công nhà sàn. Người được lựa chọn để thiết kế ngôi nhà sàn là kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục Thiết kế dân dụng (Bộ Kiến trúc). KTS Nguyễn Văn Ninh từng đỗ đầu trong khoá đào tạo KTS của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nguyên KTS cung đình Huế, là người đã thiết kế lễ đài tại Quảng trường Ba Đình để đón Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ về Thủ đô Hà Nội sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.
Nhà mang cốt cách của Người
Theo thông tin được KTS Nguyễn Văn Ninh kể lại, khi nhận nhiệm vụ, ông đã đầu tư thời gian để thiết kế ngôi nhà sàn. Khi được đến gặp Bác để báo cáo về thiết kế ngôi nhà, ông cảm động khi được Người góp ý, nói chuyện gần gũi như một người cha ngồi bàn chuyện gia đình với người con. Người góp ý chỉ làm ngôi nhà sàn bằng gỗ thường, tầng trên có hai phòng, mỗi phòng đủ để một người ở. Cầu thang cần rộng hơn để khi khách đến, đôi bên có thể bước ngang nhau cùng đi. Tầng trên, tận dụng vách ngăn giữa hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng. Dưới tầng trệt, Bác muốn làm bệ xi măng thấp xung quanh, trên lát ván để tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên ngồi khi đến nhà sàn.
Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cung cấp. |
Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cung cấp. |
Sau khi được Bác góp ý, KTS Nguyễn Văn Ninh đã hoàn thành thiết kế ngôi nhà sàn. Nhà được thiết kế như nhà sàn của Bác ở Việt Bắc, có chiều dài 10,5 mét, rộng 6,2 mét. Nhà sàn gồm hai tầng, có thêm hai đầu hồi, tầng dưới để trống, thông thoáng, là nơi Bác có thể ngồi làm việc vào mùa hè, họp hoặc tiếp khách. Tầng trên có hai phòng, mỗi phòng rộng hơn 10 mét vuông, là phòng làm việc và phòng ngủ của Bác.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg, xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Khi thi công nhà sàn, cái khó là khi làm sẽ gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến Bác khi làm việc. Vì vậy việc thi công được làm ở bên ngoài, sau đó mang vào Phủ Chủ tịch để lắp ráp. Để ngôi nhà hoàn thành trước dịp sinh nhật Bác 19/5, nên dù không ai bảo ai, KTS Nguyễn Văn Ninh và các thành viên trong đội thi công đều làm việc khẩn trương để công trình xong đúng kế hoạch. Ngày 17/5/1958, ngôi nhà sàn được khánh thành. Hôm đó, khi Bác tới, những thành viên làm nhà đều vui mừng và hồi hộp. Bác khen ngôi nhà đẹp và thoáng mát, diện tích như thế là được, nhưng còn có một hạn chế. Hiểu ý Bác, KTS Nguyễn Văn Ninh thưa: “Thưa Bác, so với ý Bác dặn có tốn kém hơn đôi chút ạ”. Bác gật đầu: “Chú nói đúng. Nước ta còn nghèo, dân ta còn chưa đủ nhà để ở. Bác ở thế này là quá sang”. Nghe Bác nói vậy, mọi người đều yên lặng, rưng rưng cảm động. Sau đó, Người đã tổ chức một bữa liên hoan nhỏ tại gian dưới nhà sàn để mọi người cùng chung vui.
Để ngôi nhà hoàn thành trước dịp sinh nhật Bác 19/5, nên dù không ai bảo ai, KTS Nguyễn Văn Ninh và các thành viên trong đội thi công đều làm việc khẩn trương để công trình xong đúng kế hoạch. Ngày 17/5/1958, ngôi nhà sàn được khánh thành.
Vậy là sau 4 năm ở trong ngôi nhà cũ, Bác Hồ đã chuyển về ngôi nhà sàn mới được xây dựng trong một góc vườn của Phủ Chủ tịch. Nhà sàn tuy nhỏ, nhưng chẳng những không bị lấn át bởi không gian nơi đây, mà còn đẹp về mặt kiến trúc khi cảnh quan ngôi nhà được kết hợp cân đối với sân vườn, hàng cây, ao cá và lối đi xung quanh. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ với sắc màu ấm, có hương thơm đem lại sự tĩnh tâm, thư thái. Phía ngoài là hàng rào râm bụt gợi nhớ hình ảnh của vùng đất Nghệ An, quê hương của Người. Kiểu kiến trúc mới này của nhà sàn, với không gian xanh rợp tại nơi đây rất hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Sự thanh tao, trang nhã của nếp nhà sàn khiến công trình mang sắc thái riêng, độc đáo, hài hoà với cảnh quan xung quanh.
Nhà sàn của Bác Hồ vừa mang dấu ấn lịch sử, vừa có nét kiến trúc, mỹ thuật mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Ngày nay, ngôi nhà sàn đã trở thành một điểm đến, là nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Nơi đây từng đón hàng chục triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng ngàn lượt du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đến thăm.