Ở căn nhà khang trang thuộc thôn Cầu Thôn, gia đình tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà đón hàng nghìn lượt khách đến chúc mừng, chia vui. Ai cũng muốn gặp lại cô hoa hậu ngày nào còn lội bùn cấy lúa. Ai cũng muốn hỏi thăm Hà đi thi có khó không, mệt không.
Cô hoa hậu cấy lúa cho mẹ đỡ tốn tiền thuê người
Trong mắt người dân xã Cầu Lộc, bố mẹ Hà sống hiền lành, chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Hà cũng được bố mẹ dạy bảo nghiêm khắc nên “cháu ngoan, hiếu thảo, biết trên biết dưới.”
Hoa hậu trong ngày trở về quê hương. Ảnh: Việt Hùng. |
Bà Đỗ Thị Thường là cô họ của Hà, kể về cháu gái với niềm tự hào ánh lên trong mắt: “Tôi sinh ra ở thôn này nhưng lấy chồng ở thôn khác. Những khi họ có giỗ hay Tết thì về nhà Hà chơi. Mỗi lần gặp, tôi lại thấy Hà xinh gái hơn, nhất là những năm Hà học cấp 3, cháu cao lớn, xinh xắn thấy rõ”.
Theo lời kể của bà Thường, ấn tượng về cháu gái là mỗi khi Hà ra đồng là lội bùn băng băng, chân dài nên đi nhanh, bỏ xa các cô các bác.
Tranh thủ ngoài giờ học, Hà đi cấy lúa. Các bác trêu “Cháu đi học là chính, cấy ít thôi” thì Hà đáp: “Để cháu cấy phụ mẹ cho đỡ tốn tiền thuê người”.
Hà cũng hay đi bắt cua đồng như bao trẻ em lớn lên ở xã này. Các bạn cũng hay trêu Hà “tay dài nên mò hang sâu, được nhiều cua”.
Về hoàn cảnh gia đình, một người hàng xóm cho biết cách đây 4 năm, Hà vẫn làm nông. Nhà thì “vào luồn ra cúi” vì thấp. Sau đó, bố đi làm công trình xây dựng. Anh trai đi làm ăn xa, chăm chỉ tích góp có cơ ngơi như hiện nay. Ông bà nội Hà lớn tuổi và đau yếu. Hà mỗi lần về nhà hay chăm sóc ông bà, không nề hà việc gì, kể cả là những chuyện dọn dẹp vệ sinh.
Dạy múa hát cho cả thôn, từ thiếu nhi đến người già
Ở Cầu Thôn, nhắc đến Đỗ Thị Hà là nhắc đến thành viên lâu năm của đội văn nghệ và nghi thức Đội. Từ ngày bé, Hà đã nổi bật với ngoại hình sáng sủa và năng khiếu múa hát. Đến cấp 2, Hà trở thành liên đội trưởng dạy múa hát cho thiếu nhi. Những ngày học cấp 3, Hà dạy múa hát cho các cô trong hội phụ nữ thôn nên ai cũng yêu quý.
Bố mẹ Hà rất hay đóng góp cho các hoạt động từ thiện của địa phương, Hà cũng góp cả sức lẫn vật chất. Từ ngày học cấp 2, Hà đã để dành tiền tiết kiệm và mỗi năm ủng hộ các em nhỏ khó khăn trong xã 1-2 lần.
Từ lúc đi học đại học, Hà cũng gửi về ủng hộ mỗi khi thôn có hoạt động. Hà nói với các bác rằng: “Bây giờ cháu đi học xa nhà không tham gia dạy múa hát cho thiếu nhi được. Cháu gửi chút tiền để các bác mua bánh kẹo cho các em”
Bà Phạm Thị Liền cười rạng rỡ khi nói về "cô giáo nhỏ" của hội phụ nữ. Ảnh: Việt Hùng. |
Bà Phạm Thị Liền cười rạng rỡ khi nói về “cô giáo nhỏ" của hội phụ nữ: “Khi Hà báo tin cho gia đình ở vòng bán kết, hội phụ nữ tập trung ở Nhà thờ họ Đỗ. Chúng tôi mặc áo dài, múa hát những bài Hà từng dạy để cổ vũ cho cháu. Lúc đó chưa nghĩ xa hơn đến việc Hà có đăng quang hay không. Hà đi thi Hoa hậu, xuất hiện trên tivi thì là niềm tự hào của cả xã rồi”
Nhiều người vẫn nhớ về đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, các nhà gần nhau tập trung xem tại một điểm để cổ vũ cho cô gái Cầu Thôn. Khi Hà đăng quang, cả thôn vui mừng như Việt Nam vô địch, thức đến gần 3h sáng.
Những thành viên hội phụ nữ mặc áo dài, tay cầm hoa để chào đón "cô giáo nhỏ". Ảnh: Việt Hùng. |
Khoảnh khắc tên Đỗ Thị Hà được xướng lên, mọi người lại càng nhớ đến hình ảnh cô gái cao lêu nghêu trên ruộng lúa: “Tay chân cháu dài nên cháu cấy nhanh".
Chỉ mong Hà được nghỉ ngơi
Biết tin tân hoa hậu về nhà, từ 7h sáng phụ nữ trong thôn mặc áo dài đẹp, mang theo hoa hồng, sang nhà Hà tập trung. Một bác ngậm ngùi: “Bác chờ đón Hà về, hồi hộp lắm, vui lắm, muốn gặp cháu để hỏi thăm vài câu nhưng lại thôi. Cháu đi nhiều mệt rồi, để cho cháu nghỉ”.
Những người đến chúc mừng gia đình tân hoa hậu, có người không quen biết ngồi lắng nghe bà con hàng xóm kể chuyện về cô gái cao 1,75 m. Ai cũng có câu chuyện, kỷ niệm để kể về Đỗ Thị Hà. Thầy giáo chủ nhiệm kể về những tin nhắn chào thầy và mong có ngày về thăm trường sau khi Hà đăng quang. Các em học sinh khoá dưới kể về hình ảnh chị Hà năng nổ và giỏi tiếng Anh nay đã thành hoa hậu.
Hàng trăm người đã ra sân bay, hàng nghìn người đã đến UBND xã Cầu Lộc và nhà tân hoa hậu để chia vui với Đỗ Thị Hà. Ảnh: Việt Hùng. |
18h ngày 1/12, về đến nhà là Đỗ Thị Hà vào thăm ông bà nội ngay vì cả hai đã già cả, đau yếu. Thấy người dân đến đông vui chúc mừng, Hà muốn giao lưu nhiều hơn. Nhưng sau một ngày di chuyển liên tục, Hà đành nói với bố: “Bố ơi con mệt quá, đói quá”.
Bà Cù Thị Hoa, mẹ của Hà, ở bên con gái được nửa tiếng rồi lại tất bật tiếp khách. Bà chỉ mong con có thêm thời gian nghỉ ngơi. Ba tháng dự thi và những ngày nhiều lịch trình vừa qua khiến bà thương con vô vàn.
“Lúc con mình thi thì mong con đạt thành tích cao, mà lại thấy con ít được nghỉ ngơi quá. Con mệt nên ăn uống cũng ít, tôi xót vô cùng", bà chia sẻ với Zing.
Mong muốn lớn nhất của mẹ tân hoa hậu là con gái mình sẽ tiếp nhận cuộc sống mới thật tốt, giữ sức khoẻ và học hành song song với thực hiện trách nhiệm Hoa hậu Việt Nam 2020.