Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyến đi phượt mùa hè tới Paris của Andersen

Paris mở ra trước mắt Andersen một bầu trời sáng tạo, giàu có và sôi động. Ở đây, Andersen đã được xem những vở diễn xuất sắc, gặp gỡ những văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Mọi cảm nhận của tôi khi trên đường du hành từ Copenhagen đến Paris đều được trình bày ở đây đúng như những gì tôi đã ghi lại lúc đó, nhưng tôi lại không thể nắm bắt được nhiều trên quãng đường xe chạy nhanh vun vút này.

Vẫn có những người ở quê nhà mong đợi sẽ nhìn thấy điều gì đó qua mô tả của tôi. Họ đã không nghĩ rằng ngay cả khi tấm màn sân khấu đã kéo lên thì khán cũng không thể xem hết ngay hay hiểu rõ được nội dung một vở kịch mới lạ.

Paris mới mẻ và rực rỡ

Bây giờ tôi sẽ nhìn thấy sự nguy nga, tráng lệ của nó. Nhà hát opera của Italy đã đóng cửa, nhưng Nhà hát lớn lại rực sáng với những ngôi sao nhạc kịch xuất sắc. Madame Damoreau và Adolph Nourrit đang hát. Nourrit lúc đó đang ở đỉnh cao sung mãn, và là danh ca yêu thích nhất của dân Paris.

Chuyen doi toi anh 1

Sách Chuyện đời tôi của Andersen. Ảnh: Omega Plus.

Tôi nghe anh ta hát trong vai một anh hùng đã chiến đấu dũng cảm, trước những hàng rào chắn đã hát những bài ca ái quốc bằng cả tâm hồn, khơi dậy nhiệt huyết của những chiến sĩ khác, một con người vui vẻ, hân hoan. Bốn năm sau, tôi được nghe tin về nỗi tuyệt vọng và cái chết của anh ta.

Tôi đã được nghe Nourrit hát ở Paris vào lúc huy hoàng và hạnh phúc của anh, khi anh sống trong niềm hân hoan của người được ái mộ. Tôi đã nghe anh hát trong vở opera được công chúng tán thưởng Gustav Đệ tam (Gustavus III)

Tôi đã xem vở bi kịch Những đứa con của Edouard (Les Enfants d’Edouard) ở Théâtre Français. Trong vở này, Mademoiselle Mars đã cao tuổi đóng vai bà mẹ của những cậu con trai và tuy tôi biết tiếng Pháp rất ít, nhưng tài diễn xuất của bà khiến tôi có thể hiểu được mọi chuyện. Bà có một giọng nói tuyệt vời mà xưa nay tôi chưa từng nghe người phụ nữ thứ hai nào có thể sánh bằng.

Mùa hè năm đó ở Paris có mấy người Đan Mạch chúng tôi. Tất cả đều ở cùng một khách sạn, cùng nhau ghé đến các tiệm ăn, quán cà phê và nhà hát. Chúng tôi luôn nói tiếng mẹ đẻ, đọc thư từ cho nhau nghe, trao đổi quan điểm về nước nhà. Cuối cùng chúng tôi hầu như không biết là mình đang ở xứ người hay ở trên quê hương mình. Thứ gì cũng xem và phải đi xem, vì đó là lý do mà chúng ta đi ra nước ngoài.

Tôi còn nhớ một trong những người bạn thân thiết ấy vào một sáng nọ đã nói sau khi đi muốn kiệt sức đến các bảo tàng và cung điện, “Tôi không đi không được, phải xem những nơi ấy, bởi vì khi về nước trở lại, tôi sẽ xấu hổ khi bị hỏi và phải thú nhận là có chỗ này chỗ kia tôi chưa ghé tới. Chỉ còn vài chỗ nữa thôi và khi đã xem hết thì tôi sẽ vui thú đã đời!”. Ai cũng nói thế và điều này thường xuyên được lặp lại.

Tôi đi chơi cùng những người khác và cũng đã nhìn ngắm không ít, nhưng hầu hết hình ảnh ấy đã lu mờ trong ký ức tôi từ lâu. Trong tâm trí tôi, Điện Versailles tráng lệ với những khách sảnh giàu sang và những bức họa cỡ lớn đã nhường chỗ cho lâu đài Trianon.

Chuyen doi toi anh 2

Théâtre Français nơi Andersen say đắm khi đến Paris. Ảnh: Wikipedia.

Tôi bước vào phòng ngủ của Napoléon với cảm giác sùng kính. Tất cả đều được giữ nguyên như khi ông còn sống: những bức tường treo thảm vàng và chiếc giường phủ rèm vàng, một đôi bậc cấp dẫn lên giường. Tôi đã đặt tay lên một bậc cấp ấy nơi bàn chân ông đã chạm bước, tôi đã sờ vào chiếc gối của ông.

Nếu chỉ có một mình, chắc chắn tôi đã quỳ xuống. Napoléon thực sự là thần tượng lúc thiếu thời của tôi và cũng là của cha tôi. Tôi ngưỡng mộ ông như một người Công giáo sùng mộ một đấng thánh.

Tôi đến thăm nông trang nhỏ trong vườn Trianon, nơi Marie Antoinette, ăn mặc như một thôn nữ, trông coi trại bơ sữa và những việc liên quan. Tôi hái một cây kim ngân leo lên cửa sổ phòng của Nữ hoàng bất hạnh ấy, ngược lại, tôi cất giữ một bông cúc nhỏ, với tất cả sự đơn sơ của nó, để nhớ đến Điện Versailles nguy nga.

Những cuộc gặp gỡ ở Paris

Tôi đã gặp, hay đúng hơn là tôi đã trò chuyện với một vài người nổi tiếng ở Paris, trong đó có một người mà tôi được giới thiệu qua bức thư của bậc thầy ballet Đan Mạch Bournonville. Đó là nhà thơ kiêm tác giả kịch tạp kỹ Paul Duport. Vở kịch Tín đồ QuakerVũ nữ của ông đã được trình diễn trên sân khấu Đan Mạch và được dàn dựng rất tốt.

Ông rất vui khi hay tin này và đã tiếp đón tôi rất ân cần. Tuy nhiên, một cảnh tượng rất khôi hài ngay sau đó đã diễn ra giữa hai chúng tôi. Tôi nói bằng một thứ tiếng Pháp kém cỏi, còn ông ấy cho rằng mình có thể trò chuyện bằng tiếng Đức, nhưng cách phát âm của ông khiến tôi không thể hiểu được một lời nào.

Ông lấy ra một cuốn từ điển tiếng Đức, đặt lên đùi và liên tục tra từ, nhưng nói chuyện với sự trợ giúp của từ điển đúng là một việc chậm chạp và không phù hợp với cả người Pháp ấy lẫn tôi.

Một hôm, tôi ghé đến tòa soạn Europe Litteraire, một tạp chí văn học của Paris giống như tờ Athenaeum của Đức, Paul Duport đã giới thiệu cho tôi nơi này. Một người gốc Do Thái nhỏ bé tiến về phía tôi. “Tôi nghe nói anh là người Đan Mạch”, anh ta nói. “Tôi là người Đức, người Đan Mạch và người Đức là anh em, nên xin phép cho tôi bắt tay anh!”.

Tôi hỏi tên, và anh ta nói, “Heinrich Heine!”. Chính là nhà thơ mà tôi đã rất ngưỡng mộ trong giai đoạn tuổi trẻ rạo rực vừa qua, và người đã diễn đạt hết những suy nghĩ và cảm xúc của tôi trong các bài thơ của anh. Không có ai mà tôi có thể mong muốn được gặp gỡ hơn là Heine và tôi đã nói với anh như thế.

Hans Christian Andersen/ Omega Books và NXB Thế giới

SÁCH HAY