Lòng ta thấy thật ấm áp và bình yên trong giây phút sum họp gia đình. Ảnh: M&C. |
Hồi Ngân mới cưới, nhà chồng nhỏ hẹp lại đông người. Ngoài bố mẹ chồng còn có gia đình chị chồng anh rể, thêm mấy cô thợ của họ nữa. Vợ chồng Ngân được chia cho một căn phòng hẹp rí, chỉ chừng hơn bảy mét vuông, trên căn gác gỗ hâm hấp nóng. Ngân ra vào vướng víu, bị soi ngó bởi mẹ chồng, chị chồng, cháu chồng, rồi còn đám thợ may của bên chồng, đến mệt. Chỉ mong ở riêng, có một cái tổ cúc cu bé nhỏ thôi, cũng mừng lắm rồi.
Ngày tự do làm chủ một nơi chốn ra vào rồi cũng đến, sau khi mẹ chồng Ngân mất đột ngột. Nhà cũ bán ra chia chác, bố chồng được cơ cấu qua sống chung với gia đình Ngân. Giờ trong cuốn sổ hộ khẩu mới toanh của căn nhà phố ngang năm dài mười bốn, một trệt và một lầu lửng, ở một quận vùng ven chỉ còn có năm người.
Con trai nhỏ đi mẫu giáo, đứa lớn vô lớp một, vợ chồng Ngân đi làm cả ngày, đành phải thuê thêm một chị giúp việc để coi ngó, cơm nước. Những hôm bố chồng về quê, hay chồng Ngân đi công tác, hoặc chị osin tạm nghỉ, bỗng thấy nhà vắng hẳn. Dù chỉ là thiếu một người.
Ngân vốn hơi cầu toàn, thích gọn gàng tươm tất. Hồi nhỏ ở với mẹ, mỗi khi dọn dẹp là Ngân phải tiến hành từ nhà trên xuống tận cuối bếp, không sót chỗ nào, mới thấy hài lòng. Giờ mỗi khi đi làm về, thấy nhà cửa có chút bề bộn là Ngân quạu cọ bực bội, la con mắng người làm. Không khí trong nhà vì thế mà thường xuyên nặng nề khó chịu. Vẫn biết do tính khí mình nóng nảy, ít biết kiềm chế, nhưng mỗi khi “lên cơn” là Ngân lại quên mất bao nhiêu lời “tự nhủ” trước đó...
Có dạo, nhà thêm đám cháu bên chồng từ quê vô ở nhờ. Đông nhất thì hai ba đứa, lúc ít là có cậu con trai kêu Ngân bằng mợ, sống cùng phòng với bố chồng Ngân. Ngân chẳng hẹp hòi gì, nhà vốn không phải quá nhỏ, nhưng cái cảm giác có người ngoài ra vào khiến Ngân đâu thoải mái.
Chưa kể, mấy đứa cháu chồng ấy đều còn quá trẻ, trải đời chưa nhiều để biết cư xử cho phải lối. Chúng xô bồ vô ý, lại hay có tư tưởng coi Ngân là “thím dâu”, “mợ dâu”, nên hai bên đều dè chừng nhau. Những buổi tan làm, nghĩ tới cảnh nhà cửa đông đúc, mâm cơm ồn ào, là Ngân thấy nản chẳng muốn về.
Thế nhưng, vài năm để giải quyết dứt điểm mớ cháu chắt lau nhau ấy xong, Ngân nhiều khi cũng mơ hồ thấy vắng. Nhà quen có tiếng người bỗng dưng bằn bặt, cảm giác thiêu thiếu sự sum vầy. Con trai nhỏ hỏi: "Chị Yến, chị Dung, anh Tí đâu rồi hả mẹ?".
Mẹ ruột Ngân qua chơi, bảo rằng sợ nhất là nhà ít người quá. Tới tầm già như mẹ mới hiểu, thèm có hơi người, mong tiếng chân đi lại vui vẻ biết bao nhiêu. Ngân gạt đi, bảo mẹ sao buồn cười, cứ thích rước mấy cái sự xô bồ phiền phức vào người.
Bố chồng bệnh khá lâu rồi mới mất. Những năm cuối đời, bố ở trong căn phòng nhỏ dưới trệt, im lìm lặng lẽ một mình. Không nói ra, chắc khách khứa tới nhà cũng chẳng biết, nhà còn có một ông già đang sống lẫn lộn đêm ngày, quên nhớ chẳng còn phân biệt được gì. Ngay cả con cháu, bố cũng không còn nhận ra ai với ai.
Nhiều hôm đi làm sớm, Ngân mở cửa ra, nhìn quanh vắng vẻ, ngỡ đâu chỉ có mỗi Ngân và chị giúp việc đang ủi quần áo trên lầu. Mãi lúc lâu sau, Ngân mới nhớ: À vẫn còn có bố kia mà.
Ngày bố mất, Ngân không theo xe tang về quê, mà ở lại phụ trách thu dọn. Cái đêm chờ chồng quay lại, đặng lập bàn thờ cho bố, Ngân ngồi một mình ở phòng khách, ngó mông lung.
Hai đứa con đã say ngủ. Cảnh nhà mấy năm nay đơn sơ hiu hắt. Bộ sofa cũ, sờn rách mãi vẫn chưa thay. Cái tivi dày cộm sắm từ hồi con gái lớn mới thôi nôi... Lương bổng của hai vợ chồng đều đổ vào thuốc thang cho bố, nuôi người giúp việc, cho hai đứa trẻ đi học, và giờ là lo hậu sự cho bố. Chỉ thiếu mỗi chồng Ngân, và trong căn phòng nhỏ không còn bố nữa, mà nhà sao có cảm giác vắng vẻ tới thê lương.
Để tiết kiệm, Ngân bắt đầu cho osin nghỉ hẳn, chỉ thi thoảng thuê người theo giờ. Mỗi cuối ngày, Ngân đua từ chỗ làm về, tự mở cửa vào nhà rồi khóa lại, xuống bếp. Khởi đầu bằng việc lấy từ trong tủ lạnh mớ rau con cá, nấu vội bữa tối sơ sài. Chỉ mươi phút nữa thôi, là hai đứa con Ngân, được ông xe ôm thuê theo tháng, đón về.
Tản văn Nhà lúc đông lúc vắng của tác giả Hoàng My. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Ngân thường vội vàng, cố gắng để nhà cửa tươm tất nhất có thể. Nhằm hôm mua đồ ăn nguội, hoặc còn sót món gì đó, đỡ được việc bếp núc, Ngân tự cho mình nằm nghỉ đôi chút. Ý nghĩ rằng, trong cái không gian tưởng chật mà rộng thênh là nhà mình này, chỉ có mỗi mình Ngân, thật là hoang đường.
Cảm giác là lạ sao sao ấy, vừa cô độc vừa thú vị, vừa ung dung tự tại vừa tự hỏi sao mà người ta lại phải cần nhiều nhà cửa phòng ốc tới vậy nhỉ? Chẳng phải chỉ cần một chốn vừa đủ nương thân là được rồi đấy sao?
Rồi đùng cái, ông ngoại lũ nhóc dọn về sống cùng với cả nhà Ngân. Ba Ngân mới qua tuổi hưu, giờ chỉ ở với bên Ngân là tiện nhất. Đấy là kết luận của mẹ và mấy đứa em Ngân. May mà chồng Ngân cũng dễ tính, vui vẻ chào đón bố vợ tới chung nhà. Thêm cái chén đôi đũa, sao phải lăn tăn.
Ngân mừng vì chồng hiểu chuyện, nên cố gắng tạo không khí đầm ấm trong nhà, cũng là cách để cảm ơn người đàn ông của mình. Thêm ba Ngân, nhà rộn ràng hẳn. Ngân đi đâu về, bước vào không thấy ba là hỏi ngay đám trẻ: Ông ngoại đâu rồi các con?
Mấy ngày vừa rồi, ba Ngân về quê thăm bà con. Hai đứa nhóc hỏi, vậy gần trưa ai cắm nồi cơm điện, ai coi nhà hay mình phải gởi chìa khóa? Ngân la con rằng, ông ngoại đâu có bổn phận giữ nhà cho các con, mình phải tự lo chứ đừng ỷ lại.
Nói thế, nhưng Ngân cũng có chút hoang mang khi hình dung tới những ngày không có ba bên cạnh. Ông ngoại chưa kịp đi mà lũ trẻ đã níu theo để hỏi, khi nào ông ngoại về, ông ngoại sao phải đi lâu như thế?
Chiều nay Ngân về sớm, mở cửa, cất giỏ thay đồ xong thì nằm phè ra nền gạch, tự cho mình cái quyền bề bộn vung vít. Mặc kệ chén trong bồn, ly tách bày bừa trên bàn và rau mắm chưa lặt nấu. Lo toan nhiều quá cũng không hẳn là điều tốt. Chừng tuổi này, Ngân mới dần nhận ra, sống thoải mái mới đúng là chân ái của đời người. Đơn giản, nhẹ nhàng, bình yên là đủ. Nhà rộng hay chật, đông hay vắng, miễn vui là được rồi.