Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện chưa kể về anh hùng Núp

Ra đi đã gần 15 năm, thể phách đã về với đất cao nguyên nhưng tinh anh của người anh hùng Núp vẫn mãi còn với dân tộc, như một biểu tượng của khối đại đoàn kết.

Chuyện về những người đàn bà trong cuộc đời của Anh hùng Núp

Theo tiểu sử, năm 2014 này là đúng 100 năm Anh hùng Núp ra đời. Và gần 15 năm từ ngày ông mất nhưng hình như bóng hình ông vẫn lồng lộng đâu đấy giữa đất trời Tây Nguyên lộng gió…

Trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, H’ Liêu là tên nhân vật vợ Núp. Ở ngoài đời cũng vậy. Đây là người đã cưới Núp làm chồng và đã sinh hạ cho ông một con trai tên là H’rup. 

Bà H’ Liêu đã chết trước khi Núp cùng người con trai tập kết ra miền Bắc năm 1954. Theo phong tục người Bahnar, Đinh Núp đã được dòng họ bên vợ làm lễ nối dây với người em gái H’Liêu là Ch’rơ khi ấy Ch’rơ hãy còn là một thiếu nữ chừng 13 tuổi. Núp đã chấp nhận, nhưng rồi cuộc đời anh lại chuyển sang một hướng khác, khi được cách mạng cho ra Bắc. Lời hẹn nối dây với người em gái vợ đành gác lại như bao nhiêu đôi lứa.  

Anh hùng Núp.

Thời kỳ tập kết ra Bắc người anh hùng một mình "gà trống nuôi con”. Và rồi anh hùng đã gặp giai nhân như một định mệnh. Người đẹp ấy tên là H’Ben, một trang giai nhân người cùng Tây Nguyên như Núp. H’Ben đẹp lại là văn công Tây Nguyên đóng trên miền Bắc, Núp là anh hùng, người cao lớn đẹp mã và tiếng tăm cả nước ai cùng biết. Họ nên vợ nên chồng như không thể khác. Hai người có với nhau một đứa con chung nhưng người con này bị dị tật bẩm sinh. 

Cuộc tình đẹp đẽ ấy cũng ngắn ngủi như một câu chuyện lãng mạn khi H’Ben gặp và phải lòng một chàng nghệ sĩ Violon người Hà Nội gốc Hàng Đào tên Lê Đức Thịnh. H’Ben bảo rằng khi biết người vợ trẻ nối dây của Núp là Ch’rơ còn sống, tôi không thế lấy Núp. Phải trả Núp về cho Ch’rơ… Núp đành lòng chia tay H’Ben trong niềm đau khổ khi H’Ben về với Thịnh đưa theo đứa con tật nguyền của hai người. Nhưng cuộc đời vẫn có nhưng câu chuyện y như… tiểu thuyết. 

Năm 1963 Núp trở về Nam theo mệnh lệnh tổ chức. Vượt Trường Sơn mấy tháng Núp lại về với Tây nguyên hùng vĩ. Tại xã Kroong nay là thị trấn Dân Chủ huyện Kbang, Núp thành cán bộ cơ sở nằm vùng suốt thời chống Mỹ. Tuy gần quê hương nhưng vì nhiệm vụ mãi đến năm 1967 tổ chức mới móc nối được để đưa người vợ trẻ mười mấy năm trước nối dây ra "cứ” với ông. Bà Ch’rơ lại là vợ Núp và là người kề cận ông chăm lo phục vụ ông từ đó…

Họ hạnh phúc được gặp lại nhau, đoàn tụ bên nhau dù cuộc sống kháng chiến đầy gian nan vất vả. Bà Ch’rơ đã là người đàn bà cuối cùng bên ông cho đến những năm cuối đời ở khoa Nội 4- BV tỉnh Gia Lai. Họ không may mắn có con chung. 

Sau khi đất nước thống nhất, bà H’Ben cũng đã đưa gia đình về Gia Lai. H’Ben làm Hiệu trưởng trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh còn chồng bà - nghệ sĩ  Đức Thịnh là GĐ Trung tâm văn hoá - Thông tin tỉnh.

Người con trai của H’Ben với nghệ sĩ Đức Thịnh nay là diễn viên đoàn Nghệ thuật Đam San. Anh hùng Núp công tác bên cơ quan Mặt trận tỉnh. Họ vẫn gặp nhau trên tình đồng chí thân thiết ngoài nỗi niềm "cố nhân” cất giấu trong lòng. Điều quý giá nhất H’Ben làm được là đã nuôi nấng đứa con chung với Núp chu đáo dù người con này nay ngoài 40 uổi vẫn ngây ngô bệnh tật…

Bây giờ thì H’Ben đã bán nhà thành phố để về làng, một ngôi làng xa nhất tỉnh và bà là người vất vả nhất, khi bên cạnh bà còn có thêm ông Thịnh bệnh tai biến nặng. Gánh nặng cuối đời và thiên tình sử như một tiểu thuyết lãng mạn của bà, có lẽ chỉ mình bà hiểu. 

Bà Ch’rơ, sau khi Núp mất năm 1999, cũng đã dọn về làng ở với cô con dâu của Núp tên Giang Năm. Bà dọn về nơi ấy bởi mảnh đất Stơ là nơi có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đời bà. Nơi bà ngày xưa là thiếu nữ ngây thơ, chấp nhận làm vợ Núp năm 13 tuổi theo tục nối dây… Hiện bà đang ở cùng Giang Năm là vợ H’rup, con trai đầu của Núp với H’Liêu, gọi Ch’rơ bằng gì. Giang Năm là vợ hai của H’rup, họ có một cô con gái xinh xắn trước khi H’rup mất cách nay mấy năm. Nơi ấy, làng S’tơ, làng Kông Hoa nổi tiếng thời đánh Pháp, bây giờ ba thế hệ người thân của Anh hùng Núp đang sống hoà thuận bên nhau… 

Và người anh em kết nghĩa Phi đen…

40 năm trước, khi cuốn Tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc được dịch sang tiếng Tây Ban Nha phát hành chủ yếu ở Cu ba, lãnh tụ đất nước này là Chủ tịch Phidencatxtro đã đọc và biết đến Anh hùng Núp. Chính vì thế Nhà nước Cu ba đã có lần mời đích danh Anh hùng Núp sang thăm đất nước đảo quốc anh hùng và hai người anh hùng ở hai đầu địa cầu đã kết tình huynh đệ... 

Câu chuyện cũng đã trên 40 năm, Núp cũng ít kể và không nhiều người biết. Chỉ đến khi vào năm 1983 đồng chí Trường Chinh vào làm việc tại Gia Lai và đến thăm người anh hùng tại nhà riêng của ông ở thị xã Playku, khi nhìn tấm ảnh Núp chụp với Che Ghevara, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cu ba, ông Trường Chinh hỏi. 

Anh hùng Núp và nhà văn Nguyên Ngọc.

- Anh Núp sang Cu ba năm nào?

- Năm Sáu Tư (1964)! 

Sau đó, anh hùng Núp đã kể lại câu chuyện kết tình huynh đệ với Phi đen cho ông Trường Chinh và cả đoàn cùng nghe. 

Ngay từ khi đặt chân tới Cu ba anh hùng Núp đã được Đảng và Nhà nước, cùng nhân dân Cu ba đón tiếp nồng hậu. Phi đen lúc ấy mới ngoài 30 tuổi. Mặc dù bận lắm nhưng Phi đen vẫn dành thời gian đến với Núp. Hai người ôm hôn nhau thắm thiết như người bạn lâu ngày gặp lại. Phi đen coi anh hùng Núp là sứ giả của Việt Nam, luôn tỏ lòng kính trọng khâm phục Núp. Nhiêu lần Phi đen ngỏ lời muốn kết nghĩa anh em với anh hùng Núp. Đinh Núp trả lời: 

Phi đen là chủ tịch, Phi đen phải làm anh thôi!

Đồng chí Núp làm anh mới đúng!

Cách mạng Cu ba phải học tập kinh nghiệm những người anh em đi trước!

Cuộc kết nghĩa anh em vui vẻ nhưng hết sức nghiêm túc xúc động. Lúc này Núp hiểu đồng chí Phi đen nhận làm em là biểu hiện của tình cảm thiết tha của Đảng, Nhà nước Cu ba đối với nhân dân Việt Nam. 

Sau này dù không gặp lại nhau nhưng mỗi lần sang Việt Nam hoặc có đoàn công tác sang Việt Nam Chủ tịch Phi đen luôn gửi lời thăm hỏi đến Anh hùng Núp, người anh em kết nghĩa của mình. 

Ngôi nhà anh hùng Núp không có anh hùng Núp

Đó là ngôi nhà tỉnh Gia Lai xây tặng người anh hùng mà cả cuộc đời chỉ cần mỗi một cái tên là đủ. Nhưng người anh hùng không bao giờ ở đó. Lẽ thứ nhất ngôi nhà không ở làng Kông Hoa (Stơr) mà nằm riêng lẻ giữa cái thung lũng trên cao nguyên lộng gió. Nhà thật đẹp mà người chủ của nó đâu có đoái hoài đến, trừ khi ông về thăm quê, mà nghe nói nếu có về ít khi ông ngủ lại trong nhà mình…

Lúc làm cán bộ Mặt trận tỉnh ông ở TP. Pleiku, khi già yếu quá, ông được ở luôn tại một căn phòng của khoa nội 4 Bệnh viện tỉnh Gia Lai. Nơi ấy mới chính là ngôi nhà cuối cùng của ông. Phòng bệnh mà suốt ngày khách khứa vào ra tấp nập hơn cả… phòng khám BV. Thì ra bất kỳ ai lên thăm hay công tác Gia Lai đều không thể không ghé vào thăm người anh hùng thời Đất nước đứng lên.  

Tấm áo ân tình

Núp từng bồi hồi xúc động mạnh mỗi khi nhắc đến hình ảnh Bác Hồ. Con người từng miệt mài lao động cống hiến và luôn cứng rắn trong mọi hoàn cảnh, ấy vậy mà khi từ quê hương miền Nam nghe tin Bác Hồ mất, Núp đã khóc ròng. Quá thương nhớ Bác, từ núi rừng Tây Nguyên xa xôi, Núp đã để tang Bác theo cách của người Bahnar. 

Ông buồn thương đến nỗi để mặc cho râu tóc mọc dài đúng trăm ngày nên lúc ấy nhiều người không nhận ra khuôn mặt ông. Học tập tấm gương đạo đức vì dân vì nước trong sáng của Bác, anh hùng Núp đã sống một cuộc đời oanh liệt hoành tráng và rực rỡ niềm tin. 

Được cách mạng giao giữ nhiều trọng trách nhưng bản tính giản dị hiền hậu luôn có nơi ông. Ôn chuyện Núp, nhà văn Nguyên Ngọc người được xem là "nhà Núp học” cho hay: Thời ở miền Bắc, Núp mắc chứng khó thở, mờ mắt mà nhiều thầy thuốc giỏi vẫn không tìm ra nguyên nhân nên bó tay. Người hiểu Núp thì biết đó là căn bệnh nhớ Tây Nguyên, những lúc ấy là do ông thiếu rừng, thiếu lửa.. Nguyên Ngọc nhận xét: "Núp như ngọn gió”. 

Núp nhớ lại, thời kỳ công tác ở Ban dân tộc trung ương, anh hùng Núp luôn nhận được sự quan tâm thăm hỏi của Bác Hồ. Bác thường hỏi về H’ruk, con trai của Núp. Bác Hồ tặng anh hùng Núp lụa may áo và huy hiệu của Người.

Năm 1994, Núp ra chữa bênh ở Quân y viện 108, đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến thăm. Thấy Núp có vẻ yếu mà trời thì lạnh, ông đã cởi chiếc áo khoác của mình mặc trên người ra khoác tặng cho ông Núp.

Tình bạn hiếm có giữa tác giả và nhân vật 

Núp từng nói: "Nếu không có Nguyên Ngọc thì không có Núp”. Nguyên Ngọc thì nói ngược lại. Câu chuyện ấy ngỡ chỉ là chuyện làm quà nhưng không, đó là phân công của lịch sử. Họ đã sát cánh bên nhau những ngày "Bắn Pháp chảy máu” thời Đất nước đứng lên đến khi ra Bắc rồi lại cùng về Tây nguyên chiến đấu giải phóng miền Nam.

Đinh Núp và nhà văn Nguyên Ngọc được xem là "cặp bài trùng” tác giả và nhân vật gắn bó với nhau đến tận ngày cuối cùng khi nhân vật anh hùng huyền thoại Đinh Núp mất. Cả bây giờ hễ có sự kiện nào nhắc đến anh hùng Núp là có Nguyên Ngọc dù ông ở xa hàng ngàn cây số. 

Vâng! khiêm tốn mà nói thế chứ Nguyên Ngọc là người đã phát hiện ra người anh hùng từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ cái làng Kông Hoa xa xôi. Núp nổi tiếng khắp toàn cầu. Có cả một bài hát hát mừng Anh hùng Núp. Bài hát ấy cho đến bây giờ không biết tác giả là ai. Nhưng nó phổ biến trong lòng người Việt mấy mươi năm qua đến bây giờ người trẻ vẫn còn tiếp tục hát: "Gương trung dũng đánh tây Pha lăng, có anh hùng là chim đầu đàn. Gương anh Núp đánh Tây giữ làng, rạng soi vinh quang người Việt Nam”.

Năm ấy phố núi Playiku có một đám tang lớn và lạ chưa từng thấy. Đó là đám tang đưa tiễn người anh hùng huyền thoại. Rất nhiều cán bộ cao cấp từ trung ương vào viếng ông. Rất rất nhiều người dân thường đến viếng ông. Dân làng Kông Hoa xưa nay là làng Stơr lên làm ma cho ông bằng mấy ngày chiêng đánh trong cái nhà rông to nhất tỉnh. Người dân buôn làng kéo về ngồi xung quanh tang lễ uống rượu cần và đánh chiêng mấy ngày liền. Cơm cúng ông có cả cơm ống lẫn thịt rừng nướng… TP. Pleiku lần ấy không đủ hoa viếng ông.  

Anh hùng Núp đã đi xa. Thể phách ông đã chìm vào đất mẹ nhưng tinh anh ông mãi còn với dân tộc như một biểu tượng của ý chí Việt Nam anh hùng, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…

Quyết tử quân miền Nam ở Hà Nội

Người thanh niên Trần Văn Dõi, con trai Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương, ghi lại nhật ký hành trình ra với cách mạng miền Bắc.

http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=95923&menu=1501&style=1

Theo Tân Linh/ Đại Đoàn Kết

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm