Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển cách sản xuất và tiêu thụ năng lượng để đạt mục tiêu khí hậu

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam hôm 5/5 nhận định để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris và COP26, thế giới cần chuyển đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Ngày 5/5, công ty năng lượng lớn nhất Na Uy Equinor chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội, đánh dấu mốc quan trọng trong danh mục hợp tác giữa kinh doanh Việt Nam và Na Uy.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết ngành năng lượng toàn cầu là nguồn phát thải chính tạo ra gần 3/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính.

Do đó, “chúng ta phải chuyển đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng thì mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris và COP26”, Đại sứ Lochen nhận định.

Vì vậy, bà nói rằng Na Uy sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào ngoại giao khí hậu quốc tế và hướng tới việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn cầu trong quá trình này.

“Ưu tiên của chính phủ Na Uy là hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp để đảm bảo sự chuyển dịch công bằng và thành công tới một tương lai tái tạo, tuần hoàn và bền vững”, bà Lochen nói.

cam ket khi hau cua viet nam anh 1

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện ngày 5/5. Ảnh: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam.

Dấu mốc mới này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Na Uy trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết trong Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu và tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP26).

Cũng trong sự kiện, Phó chủ tịch Cấp cao của Equinor Jens Olaf Okland nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế và thị trường điện phát triển nhanh nhất thế giới.

“Với đường bờ biển dài và điều kiện gió thuận lợi, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất châu Á, và đang có kế hoạch phát triển mạnh mẽ thị trường điện gió ngoài khơi. Chúng tôi tin Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng thú vị”, ông nói.

Ông Okland nói cùng với các đối tác trong nước, tham vọng của công ty là ứng dụng kinh nghiệm và năng lực để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, mở đường cho sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo.

Trước đó vào tháng 10/2021, cùng với Đại sứ quán Na Uy, Equinor đã xây dựng Báo cáo nghiên cứu Chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Cùng với đối tác là PetroVietnam, Equinor đã nộp đơn xin thực hiện dự án ở năm địa phương là Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng và Thái Bình. Công ty này đã nộp đơn xin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp quyền khảo sát.

Bước đột phá của Việt Nam trong cam kết giảm phát thải

Theo lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam hướng tới giảm 43,1% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030.

Ông John Kerry: Việt Nam có thể dẫn đầu về năng lượng xanh

Ông John Kerry, Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu, đánh giá Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu lĩnh vực năng lượng xanh và thu hút nguồn đầu tư lớn.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm