Thời gian gần đây, quần áo của hành khách (thường là phụ nữ) được nhân viên hàng không nhận xét không phù hợp. Kết quả là họ buộc phải rời máy bay và không hề biết lý do mình bị đuổi. Ngoài mặc áo crop top hay quần ngắn, trang phục in chữ phản cảm hiện cũng được hãng bay cho vào “danh sách đen”.
Ngày 26/4, thông tin DJ Soda bị nhân viên hãng America Airlines đuổi khỏi máy bay vì mặc quần in từ ngữ không phù hợp khiến nhiều người bất ngờ. Cô phải cởi bỏ trang phục trước mặt các nhân viên ở cổng, tại nơi công cộng để có thể lên máy bay. Trước đó, cô mặc chiếc quần này nhiều lần trong các chuyến bay và không có vấn đề nào xảy ra.
Trong khi có nhiều ý kiến bênh vực nữ DJ này, một số người lại cho rằng nhân viên hãng đang làm đúng để mang lại cảm giác thoải mái nhất cho các hành khách khác.
Chiếc quần in chữ phản cảm (phải) khiến Soda không thể lên máy bay. Ảnh: Naver. |
Những quy định mơ hồ
Giống Soda, một người đàn ông cũng từng bị đuổi khỏi máy bay vì mặc chiếc áo phông in chữ đề cập đến vấn đề chính trị nhạy cảm. Khi đó, Matthew Klint - tác giả của Live and Let's Flyv - đặt ra câu hỏi: “Liệu các hãng hàng không có nên vạch ra ranh giới rõ ràng trang phục được phép trên máy bay?”.
Olivia Culpo phải khoác thêm áo để có thể bay đúng chuyến. Ảnh: IG. |
“Tôi chỉ ghét các hãng hàng không sử dụng ngôn ngữ lỏng lẻo trong việc hạn chế quần áo trên máy bay. Những từ chửi thề nào được phép và những từ nào không? Còn những hình ảnh hoặc từ ngữ tục tĩu thì thế nào?”, anh bày tỏ quan điểm.
Theo Independent, mỗi hãng hàng không trên toàn thế giới có quy định trang phục riêng, hầu hết thể hiện sự “mơ hồ”. Chủ yếu là các hãng của Mỹ, họ có bộ điều kiện bao gồm các yêu cầu về quy định trang phục đối với hành khách.
Chẳng hạn, chính sách của Alaska Airlines có nội dung: “Yêu cầu đơn giản là ngoại hình gọn gàng và chỉn chu. Không bao giờ chấp nhận quần áo bẩn, rách tả tơi và đi chân trần”.
Trong khi đó, America Airlines nêu rõ: “Để đảm bảo môi trường an toàn cho mọi người, bạn phải ăn mặc phù hợp, không được phép để chân trần hoặc mặc quần áo phản cảm. Họ không giải thích chi tiết "quần áo phản cảm” là như thế nào và chẳng có thêm hướng dẫn cho khách những điều cần tránh.
Vì sao mặc trang phục không phù hợp bị cấm bay?
Đây là câu hỏi khiến nhiều người tò mò. Đa số cho rằng những chiếc áo in dòng chửi thề hay crop top khoe eo, quần bó tôn dáng chẳng gây ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh hay quấy rối.
Chính cựu Hoa hậu Hoàn vũ Olivia Culpo cũng tỏ ra kinh ngạc khi bản thân bị nhân viên American Airlines yêu cầu thay đồ mới được lên máy bay hồi đầu năm nay. Khi đó, cô mặc chiếc quần biker với áo crop top cùng áo khoác đen dài.
Hành khách Emily O'Connor. Ảnh: emroseoconnor. |
Thực tế, lý do được đưa ra đều xoay quanh việc đảm bảo sự thoải mái của hành khách khác. Khách hàng hoặc hành lý của họ sẽ bị từ chối nếu phi hành đoàn nhận thấy không phù hợp. Tuy nhiên, hành khách khác chưa chắc đã thấy khó chịu hay phàn nàn về những bộ trang phục đó. Câu chuyện hành khách Emily O'Connor bị đuổi khỏi máy bay vào tháng 3/2019 đã minh chứng cho việc này.
O'Connor đã mặc chiếc áo crop top kết hợp cùng quần lưng cao. Cô cho biết không có nhân viên sân bay mặt đất nào nhận xét về trang phục của mình. Thậm chí, cô còn hỏi những hành khách khác và họ nói không có vấn đề gì với bộ đồ đó.
Cho đến khi lên máy bay, nữ hành khách này kể nhân viên hàng không đã đe dọa dỡ hành lý ra khỏi máy bay và từ chối cô vào chỗ ngồi. Chỉ khi cô thay chiếc áo khác, họ mới đồng ý.
Những tổn thương về mặt tinh thần
Sau khi bị đuổi khỏi máy bay trước những hành khách khác, một số người cho rằng họ cảm thấy như bị làm nhục và xấu hổ. Trong khi những bộ quần áo họ mặc không thực sự “ghê tởm” như cách chúng bị đối xử.
Đặc biệt, những người nổi tiếng như Soda và Olivia lại càng gặp khó khăn hơn khi đứng trước họ là lượng khán giả lớn. Hình ảnh của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo New York Post.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cảm thấy mình bị phân biệt đối xử khi có vóc dáng mũm mĩm, xăm trổ hay đến từ một số quốc gia khác. “Tôi có đầy đủ các cảm xúc như tức giận, thất vọng, bất lực, nhục nhã và bối rối” là lời chia sẻ của một hành khách khi kể về kỷ niệm đáng quên với hãng hàng không Alaska.
Cô nói với The Independent rằng cho đến khi các hãng hàng không đối xử công bằng với tất cả hành khách và đưa ra quy định rõ ràng về trang phục, họ phải chịu trách nhiệm về những tổn thương tinh thần mình gây ra thông qua hành vi “nhẫn tâm”.
Nhiều hành khách nói rằng họ tổn thương khi bị đuổi khỏi máy bay với lý do trang phục. Ảnh: Stuff. |
Chuyên gia du lịch Rob Staines - người đã làm tiếp viên trong nhiều năm - nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, khi làm việc cho nhiều hãng hàng không, phi hành đoàn không được yêu cầu để ý những gì hành khách ăn mặc. Trong 17 năm làm việc cho nhiều hãng vận tải, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào như vậy”.
Theo Staines, phi hành đoàn có thể nhắc nhở khi họ mặc trang phục gợi dục quá mức hay có ngôn ngữ, hình ảnh xúc phạm.
Anh khuyên mọi người nên kiểm tra các điều khoản trước khi bay. Nếu không chắc liệu trang phục mình mặc có phù hợp hay không, bạn hãy nhét áo khoác hoặc quần jogger thoải mái vào hành lý xách tay để có cái thay.