Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện bác sĩ 'ngoa nhất vịnh Bắc Bộ'

Những ai biết bác sĩ Ngô Hùng đều phải thốt lên: Bác sĩ ngoa nhất vịnh Bắc Bộ, bởi những dòng trạng thái của anh thường “đánh” vào những quan niệm, trào lưu ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không ghê không được, Ngô Hùng thanh minh. Bởi anh đang làm ở Khoa  cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, ngày ngày chứng kiến biết bao cảnh thương tâm.

Có lần, một nhà báo truyền hình hỏi Ngô Hùng: Ngày Tết anh mong muốn điều gì nhất? Nếu được trả lời thật thà, chắc chắn “chuyên gia trực giao thừa” chỉ ước nằm ở nhà không phải trực cấp cứu nạn nhân của rượu chè, tai nạn giao thông… 

Để yên cho bác sĩ 'hiền'

Mới Tết ra, anh đã đăng ảnh ở khoa cấp cứu, nhân tiện tranh thủ “đá” nhiều “thánh” kêu gọi thực dưỡng chữa bách bệnh, ăn chay chữa bách bệnh, “đề tốc” chữa bách bệnh, vẩy tay chữa bách bệnh.

“Sáng sớm, đi từ quê ra Hà Nội trên con đường vắng tinh sương. Vừa đến nơi thì tụt hết cảm xúc, nhân dân đi cấp cứu đông như trảy hội. Các thánh ơi, ra tay cứu vớt nhân loại giúp tôi. Kẻo không ngày nào cũng là thảm họa thế này mệt lắm”.

bac si Hung Ngo anh 1
Bác sĩ “ngoa nhất vịnh Bắc Bộ” trong những chuyến phượt.

Có khi Hùng lôi chuyện bà dì ở quê bị ung thư ra kể: “Bà dì cười khành khạch bảo úi giời, hôm dì nằm viện truyền hóa chất, có con bé người nhà nằm cạnh, nó mượn lọ thuốc của dì đọc rồi bảo cô ơi thuốc của cô nặng thế, bác sĩ cho thế này thì giết cô à, cô phải bảo bác sĩ dùng thuốc này, thuốc này… Dì bảo, thế cháu làm y à, cô ấy bảo cháu bán rau”.

 Từ câu chuyện bà dì, anh chọc luôn vào bí quyết ăn kiêng để chiến đấu với ung thư được các bà, các cô truyền nhau: “Mình bảo dì thấy chưa, ăn không đủ chất đi còn chả vững thì điều trị cái gì. Về nhà mình hỏi ăn uống thế nào, liền rón rén bảo mổ xong chả dám ăn nhiều… sợ bụng căng ra bục vết mổ thì chết, người ta bảo thế. Mình bảo đứa nào bảo thế thì vả vào mồm cho cháu. Giờ phải ăn để tăng thêm 2 kg thịt nữa mới đủ sức điều trị tiếp. Cấm nghe ai xúi dại”.

Những câu chuyện của bác sĩ Hùng được hàng ngàn lượt “like” trên mạng xã hội vì ngoài việc tạo tiếng cười hài hước, còn có tác dụng kéo nhiều người dân ra khỏi những quan niệm u mê, sai lầm, trong hành trình bảo vệ sức khỏe hoặc đấu tranh giành sự sống trước những căn bệnh tai ác.

Cho nên, mặc kệ ai đó gán cho nickname “bác sĩ ngoa nhất vịnh Bắc Bộ” hoặc “bác sĩ xấu bốn mùa” thì Hùng vẫn tiếp tục ghê gớm.

Trong công việc, anh thú nhận: Có quát bệnh nhân, khi bệnh nhân tự học cách chữa bệnh qua truyền miệng, không có cơ sở khoa học, chống lệnh bác sĩ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Mới đây, anh cho ra mắt một cuốn sách có tên “Để yên cho bác sĩ 'hiền'",  tập hợp khá nhiều những dòng trạng thái đanh đá trên trang cá nhân. Thoạt đầu, đơn vị kinh doanh sách chỉ định in 3.000 cuốn trong lần phát hành đầu tiên.

Nhưng sách chưa ra đã cháy hàng, buộc phải nâng lên 6.000 cuốn. Hùng khoe, có đơn hàng của một bệnh nhân V.I.P đặt tới gần 1.000 cuốn, độc giả đặc biệt này thường xuyên theo dõi bác sĩ Hùng trên trang cá nhân nên muốn mua sách để đọc và mang tặng, giúp những người thân quen cùng mở mang kiến thức và hiểu hơn về nghề y, nghề cứu người nhưng cũng lắm thị phi trong xã hội hiện nay.

Sinh năm 1981, Ngô Hùng vào trường y từ năm 1999, riêng học y đã ngốn của anh 11 năm, từ năm 1999-2010, mới xong chương trình đào tạo. Bởi sau khi tốt nghiệp đại học, anh lại đỗ thủ khoa hệ bác sĩ nội trú, học thêm vài năm nữa.

Hiện anh vừa làm ở Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai vừa làm giảng viên bộ môn hồi sức cấp cứu, Đại học Y Hà Nội. Sau cuốn “Để yên cho bác sĩ “hiền”, anh dự định sẽ ra mắt một cuốn sách y học thường thức dành cho cộng đồng.

“Chơi trên mạng xã hội mới thấy các trào lưu nguy hiểm quá, như trào lưu 'đề tốc', trào lưu thuận theo tự nhiên, trào lưu ăn chay… phi khoa học. Mình là bác sĩ cấp cứu luôn lãnh hậu quả của bệnh nhân đi theo trào lưu đó, rất khủng khiếp”.

Hiện nay, có một bức thư của một bác sĩ người Nhật đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội: Nếu có ung thư đừng chữa.

Bác sĩ Ngô Hùng lưu ý người đọc: Phải đặt bức thư trong bối cảnh xã hội Nhật Bản khi vị bác sĩ viết bức thư. “Đó là đầu những năm 90, khi Nhật Bản đã phát triển nhưng xu hướng về điều trị bệnh lí ung thư còn lạc hậu. Xã hội Nhật Bản giống xã hội Việt Nam bây giờ, giấu người bệnh không thông tin cho người bệnh biết".

Tác giả bức thư học ở Mỹ, ở đó ông thấy tất cả các bệnh nhân ung thư chấp nhận bệnh của mình và họ sống thoải mái. Khi về Nhật, thấy tình trạng như vậy, ông thất vọng tràn trề, nên đã viết một bức thư, khuyên bị ung thư đừng chữa. Nhiều năm sau ông nhận ra sai lầm nên không hoạt động tuyên truyền nữa, rút về im lặng. 

Bác sĩ Ngô Hùng nhắn nhủ: Các biện pháp điều trị ung thư hiện nay đã phát triển vượt bậc, Việt Nam đi gần với thế giới ở lĩnh vực này. Hãy tin y học đừng làm theo thông điệp từ bức thư được lan truyền rộng rãi kia.

bac si Hung Ngo anh 2
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Giàu đam mê và lắm tài lẻ

Ngô Hùng quê ở Bắc Ninh nhưng không biết hát quan họ. Bù lại, anh sở hữu nhiều tài lẻ. Bìa sách và tất cả tranh minh họa trong cuốn “Để yên cho bác sĩ 'hiền'" do Hùng tự thực hiện, vì anh mê hội họa từ bé.

Anh cũng biết đàn và thỉnh thoảng còn ngẫu hứng làm thơ tình: “Anh gieo trái tim mình/ Trên cánh đồng em mùa đông tuyết trắng/ Đợi chờ sang xuân lên mầm ngày nắng/ Biết đâu hóa đá mối tình”.

Lý do “nảy ra mấy câu con cóc” (cách nói của Hùng) bởi anh “phát cuồng với bình minh và hoàng hôn”, nhân một chuyến phượt ngỡ ngàng trước cảnh bình minh và tuyết trắng xứ người.

Phượt là một trong những thú vui hiện nay của Ngô Hùng. Cứ sắp xếp được thời gian anh lại phượt, để giải tỏa stress. Hùng thích đến những nơi xa xôi, vừa để trải nghiệm văn hóa, vừa tranh thủ trau dồi nghề nghiệp.

“Vùng đất xung quanh dãy Himalaya mình đi tất cả 4 lần, trong đó Tây Tạng đi 3 lần”. Hùng tự hỏi: Vì sao người Tây Tạng sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khổ cực vậy mà người ta vẫn hạnh phúc, vui vẻ? Đó là điều anh muốn học tập.

Còn điều khiến bác sĩ trăn trở: Tuổi thọ của người Tây Tạng không cao, một phần có thể do chăm sóc y tế chưa tốt, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cũng có thể do xuất phát từ quan niệm ăn uống.

“Vài chục năm trở lại đây họ chuyển dần sang ăn chay làm cơ thể suy sụp nhanh. Vì ăn chay không đủ dinh dưỡng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt”. Nhân chuyến sang Tây Tạng, anh mang theo máy đo độ bão hòa ô xy trong máu, đo tất cả các bạn đi cùng, để nghiên cứu hội chứng sốc độ cao.

Có thể nói, đến nay Ngô Hùng là vị bác sĩ người Việt đầu tiên hoàn thiện đơn thuốc dành cho những người đi đến những vùng khắc nghiệt, món quà ý nghĩa cho “dân” phượt.

Nhìn Ngô Hùng đầy nhiệt huyết của ngày hôm nay ít ai nghĩ anh từng có những giai đoạn khủng hoảng nghề nghiệp, bị stress nặng, nghỉ làm 2 năm để về quê tĩnh dưỡng.

Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi này, Hùng quay lại sở thích từ thời con nít: Gấp giấy origami. Bây giờ cứ tìm kiếm  trên mạng sẽ thấy những hình ảnh về nghệ thuật gấp giấy gắn tên tác giả “HungDr”.

Nhờ bán những thiết kế gấp giấy, Hùng nhận được một số tiền đủ mua một chiếc xe ô tô bình dân. Chẳng là, một nhà sách tư nhân ở nước ngoài đã đặt hàng Hùng cùng một số người chơi khác, làm một cuốn sách trình bày một số mẫu origami, phát hành ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đến nay, sách đã tái bản lần thứ 5.

Sau hai năm dành hết cho nghệ thuật gấp giấy có nguồn gốc Nhật Bản, Hùng quay trở lại bệnh viện và trường đại học, tiếp tục công việc cứu người, dạy dỗ học trò.

Thỉnh thoảng, bác sĩ vẫn giải trí bằng origami. Năm 2016, anh sáng tạo hình ảnh con trâu kéo xe, tham gia trò chơi gấp giấy chào đón năm mới ở châu Á, kết quả Hùng lọt top 10 sáng tạo đẹp nhất: “Có cảm hứng, có ý tưởng làm trong một ngày là xong”. Một mẫu gấp giấy mới khá ấn tượng của anh, mẫu con ruồi sáng tạo trên tờ tiền 200 đồng.

Một tài lẻ khác của Hùng: Ướp trà và pha trà. Bác sĩ Hùng nổi tiếng trong giới sành trà thủ đô bởi công thức ướp hai loại trà, trà hoa ngọc lan, trà bưởi. Vốn là người làm khoa học, nên thú chơi nào cũng được Hùng mày mò đưa thành công thức.

Hiện nay Hùng nắm giữ công thức ướp  30 loại trà khác nhau, đủ để anh mở một quán trà. Hiểu biết về trà của Hùng khiến người ta có cảm giác anh sống ở thời của… nhà văn Nguyễn Tuân, thậm chí cũ hơn nữa.

“Bạch trà giống một cô gái khuê các đỏng đảnh, nếu nhiệt độ nước cao quá sẽ phá vỡ sự nhẹ nhàng vốn có. Để thưởng thức được thứ trà này, tốn khá nhiều thời gian và sự nghiền ngẫm. Bởi mới tiếp xúc lần đầu, sẽ thấy nó khá nhạt nhẽo, bao năm rồi người ta quen với thứ trà đầy vị chát đắng, giờ tiếp xúc với thứ trà mong manh trắng muốt như sương tuyết thế này, quả thấy khá kỳ lạ và ngỡ ngàng. Đun một ấm nước 80 độ C, ngồi pha ấm trà tối. Cuộc đời bình lặng cứ như vậy mà trôi chẳng thú lắm ư!”. 

Nhưng chơi trà, chơi giấy, làm thơ, vẽ… chẳng qua cũng chỉ là một cách giải tỏa, giúp Hùng lấy lại năng lượng, để tiếp tục công việc trong bệnh viện. Từ công việc đầy áp lực này, bác sĩ trẻ nhận ra những ân tình trong cuộc đời còn nhiều lắm.

“Một người chồng vừa học xong trung cấp, cưới cô bạn cùng học được 3 năm thì 2 năm chăm sóc vợ trong bệnh viện, chưa một ngày có bình yên. Hàng ngày vẫn tỉ mẩn bóp tay cho vợ, nói những câu ngọt ngào. Kể cho vợ nghe về đứa con của họ đang gửi bà ngoại chăm giúp, đứa con gần như không thấy mặt bố bao giờ vì ngoài thời gian trong bệnh viện, bố còn đi nấu ăn thuê cho một nhà hàng buổi tối kiếm tiền, trả tiền viện phí cho vợ. Chưa một ngày được làm chồng đúng nghĩa. Một ngày, bác sĩ phát hiện ra anh ta ngồi góc tường ngoài hành lang với bộ quần áo nhàu nhĩ, ôm đầu khóc như một đứa trẻ, khi con anh hỏi: 'bố, mẹ đâu?', với ánh mắt ngây thơ” (Trích “Để yên cho bác sĩ “hiền”).

Khuất tất vụ bé gái có 2 khai sinh

Chị Hoa có việc làm ổn định nhưng không được tòa giao quyền nuôi con, dù bé gái mới 5 tháng tuổi.


https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/chuyen-bac-sy-ngoa-nhat-vinh-bac-bo-1248975.tpo

Theo Đào Nguyên / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm