Hình ảnh chuột trong suốt. Ảnh: AFP |
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo và Cục Khoa học và Công nghệ Nhật Bản sử dụng phương pháp tách nhóm heme trong huyết sắc tố (haemoglobin) để tạo chuột trong suốt. Heme là thành phần tạo nên màu đỏ của máu và xuất hiện trong đa số mô của cơ thể. Quá trình bắt đầu bằng việc bơm dung dịch muối vào tim của chuột. Nó sẽ đẩy máu ra khỏi hệ thống tuần hoàn và khiến con vật chết. Sau đó, họ bơm một loại thuốc thử vào con chuột nhằm tách nhóm Heme từ huyết sắc tố. Các nhà nghiên cứu tiếp tục ngâm xác chuột trong thuốc thử khoảng hai tuần để hoàn tất quá trình.
Kỹ thuật mới sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về cấu trúc 3D của các cơ quan và cách thức một số loại gene hoạt động trên nhiều mô khác nhau, Kazuki Tainaka, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho hay.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy toàn bộ cơ thể của chuột con và chuột trưởng thành trở nên gần như trong suốt”, Tainaka nói.
Theo AFP, bằng phương pháp tạo ra chuột trong suốt, các nhà khoa học có thể kiểm tra các cơ quan hoặc toàn bộ cơ thể mà không cần “động chạm” vào chúng.
"Phương pháp tạo chuột trong suốt có thể được áp dụng trong quá trình nghiên cứu phôi thai hoặc tìm hiểu sự phát triển của ung thư và các bệnh miễn dịch ở cấp độ tế bào", Hiroki Ueda, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Giới khoa học hy vọng phương pháp tạo chuột trong suốt sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về các bệnh và tìm ra chiến lược điều trị mới.
Chuột luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu y sinh do chúng có nhiều điểm tương đồng với con người về phương diện sinh vật học.