Trong phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/6, đại biểu cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và việc điều cho năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu băn khoăn khi Luật Đất đai đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022. Tuy nhiên, chương trình lần này Chính phủ trình ra lại “không thấy bóng dáng của Luật Đất đai”.
“Tôi đi công tác địa phương thấy nhiều nơi bày tỏ có nhiều vướng mắc. Một số vấn đề mẫu thuẫn đã được sửa khi sửa Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp, song những vấn đề cốt lõi phải sửa ở Luật Đất đai. Trong chương trình xây dựng pháp luật lại không thấy có”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn khi chương trình xây dựng luật do Chính phủ trình không có bóng dáng của Luật Đất đai. Ảnh: Quốc hội. |
Cho biết đã gọi điện trao đổi với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, ông Thanh thông tin lại việc Bộ trưởng nói “có thể đáp ứng được yêu cầu”. “Vậy Chính phủ cần làm rõ xem có kịp trình Luật Đất đai không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề.
Giải trình làm rõ băn khoăn này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết nhiệm kỳ qua, ông đã một lần báo cáo để đưa Luật Đất đai vào chương trình. Tuy nhiên, sau đó theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên lại báo cáo để xin rút ra.
Theo ông Long, hầu hết lần báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Quốc hội đều phát biểu rất gay gắt về Luật Đất đai nên nhiệm kỳ này chắc chắn không lui được nữa. Vì Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có chương trình làm việc cụ thể để nghe tổng kết Luật Đất đai.
“Để thực hiện Nghị quyết và chương trình của Trung ương, của Quốc hội và xử lý thực tế thì kỳ này làm được và khả thi. Bởi lẽ chúng ta không bắt đầu từ số 0 mà đã có tổng kết, thảo luận. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu những vấn đề đúc rút ra được để đưa vào báo cáo tổng kết, trình Ban Chấp hành Trung ương và xây dựng dự án luật”, ông Long nói.
Theo ông, cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 dự án luật này sẽ kịp để trình.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xem xét các dự án không có trong chương trình. Ảnh: Quốc hội. |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kết luận phiên họp cần nêu rõ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quy trình xây dựng phát luật, nhất là đối với cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
“Cương quyết giữ chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và chất lượng”, ông Huệ nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng Chính phủ và các cơ quan từ nay đến cuối năm 2021 không đề xuất bổ sung thêm dự án vào năm 2021 để dành thời gian giải quyết những công việc cấp bách.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xem xét các dự án không có trong chương trình.
Theo ông Định, Chính phủ đã có chương trình nhưng còn một số việc hiện đã quá hạn, như: Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh và sửa đổi tổng thể các Luật về thuế để đảm bảo đồng bộ thực hiện chiến lược cải cách thuế. Vì thế, Chính phủ cần xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2022.