Chỉ còn 5 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai ở khối lớp 10. Khác với quan điểm "tích hợp" ở bậc học dưới, ở bậc THPT, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Học sinh được chọn môn theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình mới. Song điều này lại đang đặt các trường vào thế khó, bởi nếu học sinh được toàn quyền quyết định thì có tới hơn 100 tổ hợp.
Chỉ còn 5 tháng nữa, chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai ở khối lớp 10. Ảnh minh họa. |
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình lớp 10 sẽ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh có thể lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) và 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học.
Việc cho phép học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp đang được đánh giá là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông.
Tuy nhiên, hiện các nhà trường đều đang đau đầu tính toán việc cho học sinh lựa chọn môn học như thế nào, bởi nếu để học sinh toàn quyền quyết định trong việc lựa chọn môn học thì sẽ có hơn 100 cách chọn khác nhau, tương đương với hơn 100 tổ hợp môn học. Công tác tổ chức đội ngũ càng vất vả hơn khi hiện nay có hơn 2.800 trường phổ thông trên cả nước chưa có giáo viên nghệ thuật.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng: "Sẽ tạo ra một sự khủng khoảng về lựa chọn của học sinh. Số tổ hợp quá nhiều và như vậy không trường nào đáp ứng được nguyện vọng của học sinh".
Còn theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội): "Năm học 2022-2023 chúng tôi chưa thể có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật được".
"Trước mắt, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị cơ sở vật chất phòng ốc cho các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật. Tổ hợp này, chúng tôi nghĩ chắc chắn là sang năm học tới chúng tôi mới có thể áp dụng được", bà Quỳnh nói.
Trong khi chưa biết sẽ phải tổ chức các môn học tự chọn như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, nhưng cũng phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có, việc giúp học sinh lựa chọn môn học càng là vấn đề khó đối với các trường.
Lý do theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng, là năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, nhưng đến nay, công tác truyền thông về chương trình mới cho học sinh và phụ huynh vẫn còn khá mù mờ.
"Hiện nay, đa số gia đình học sinh lớp 9 năm nay đang tập trung cho con ôn tập để làm sao vào được trường cấp 3 mà mình mong muốn. Đến khi vào trường cấp 3 rồi, ngay từ đầu năm lớp 10 mà phải đưa ra lựa chọn xuyên suốt trong 3 năm mình chọn môn gì quả thực đây cũng là khó khăn rất lớn", ông Cường cho hay.
Để tránh tình huống "lùa" hay "ép" học sinh vào các tổ hợp có sẵn, các nhà trường buộc phải tư vấn trước khi học sinh chọn môn, xếp lớp sau khi thi vào lớp 10. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp đầu vào lớp 10 lại đang rất cần dữ liệu về tiêu chí đầu ra là phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT và phương án xét tuyển đại học của các trường cho lứa học sinh áp dụng chương trình đổi mới này.
Do các thông tin này chưa rõ ràng, trong năm đầu, việc tư vấn của các trường chỉ mang tính tương đối, vì phải cân đối nguyện vọng của học sinh và cơ sở vật chất, giáo viên của các nhà trường hiện nay.
Bà Hồ Thị Dinh, Phó hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hải Phòng, thông tin: "Với tinh thần mỗi tổ hợp môn sẽ lựa chọn ít nhất một môn, sự lựa chọn đúng là sẽ có nhiều tổ hợp môn để lựa chọn và khi đấy sẽ khó khăn cho việc sắp lớp và bố trí giáo viên. Sắp lớp thường thường sĩ số đối với mỗi lớp là 45 cháu, có thể những tổ hợp môn mà các cháu lựa chọn ít, không đủ để bố trí một lớp thì sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, nhà trường sẽ phải có biện pháp để hạn chế khó khăn là mỗi phụ huynh và học sinh sẽ được phép đăng ký khoảng 3 tổ hợp, sau đó nhà trường sẽ căn cứ vào số liệu ban đầu để khảo sát và xếp lớp".
Học sinh không được lựa chọn môn thì sẽ không thực hiện đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng nếu được lựa chọn môn thì các trường khó có thể đáp ứng được. Vì thế, dù khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên thì các trường trung học phổ thông trên cả nước cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để triển khai chương trình mới theo điều kiện thực tế của mình.
Dẫu biết chương trình mới triển khai nên còn nhiều bối rối, thế nhưng, những băn khoăn, vướng mắc từ các nhà trường nếu không sớm được tháo gỡ thì những yếu tố mới sẽ dẫn đến quá khó, quá bất cập khi chính thức khai chương trình giáo dục phổ thông mới.