Zing.vn giới thiệu đến độc giả bài điều tra của New York Times, mô tả chi tiết về quá trình lâm vào khủng hoảng của Facebook và những nỗ lực của họ để níu kéo danh dự, lòng tin.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng chính là sự bất lực của Facebook trước những thông tin phân biệt, gây hấn trên mạng xã hội này. Tuy nhiên khủng hoảng chỉ bị đẩy lên tới đỉnh khi tỷ phú Donald Trump tranh cử Tổng thống Mỹ. Những kẻ cơ hội lập tức tận dụng Facebook để tác động lên bầu cử.
Bê bối tiếp theo liên quan đến Cambridge Analytica khiến cho Facebook mất luôn cả sự ủng hộ từ người dùng. Một năm qua, cả CEO Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg đã phải hoạt động liên tục để cứu lấy Facebook.
Sheryl Sandberg giận run lên.
Trong đại bản doanh của Facebook tại Menlo Park, California, những lãnh đạo cao nhất của Facebook tập trung bên trong phòng họp của Mark Zuckerberg. Đó là tháng 9/2017, hơn một năm sau khi các kỹ sư của Facebook tìm ra những hoạt động đáng nghi từ Nga, những dấu hiệu sớm cho thấy một chiến dịch do Kremlin triển khai để làm rối loạn cuộc bầu cử 2016. Nhiều nhà điều tra từ Quốc hội Mỹ và cả chính phủ đang thu thập được hàng loạt bằng chứng khiến cho Facebook rơi vào vòng lao lý.
Nhưng Sandberg không giận dữ vì thảm họa trước mắt của Facebook. Vị Giám đốc vận hành của Facebook nổi giận vì người đứng đầu bộ phận an ninh, Alex Stamos, thừa nhận rằng Facebook vẫn đang bất lực trong việc kiềm chế những vụ tấn công từ Nga. Màn trò chuyện của Stamos sau đó dẫn tới một cuộc tra hỏi của những thành viên hội đồng quản trị khiến cho Sandberg và sếp của bà, Mark Zuckerberg phải tủi hổ. Sandberg cho rằng lời thừa nhận của Stamos tương đương với một sự phản bội.
“Anh đã phản bội tất cả chúng tôi”, bà hét vào mặt ông Stamos, những người có mặt tại cuộc họp đó chia sẻ.
Cuộc họp căng thẳng đó đã khiến cho Zuckerberg và Sandberg như "sáng mắt ra" về một nguy cơ có thật đối với Facebook. Chỉ trong hơn 10 năm, Facebook đã thu hút tới 2,2 tỷ người dùng, trở thành một “quốc gia” có ảnh hưởng cả về chính trị, ngành quảng cáo và đời sống của dân cư trên toàn thế giới.
Trong quá trình đó, Facebook cũng thu thập được lượng dữ liệu lớn chưa từng có, một gia tài hàng tỷ bức ảnh, tin nhắn và lượt thích. Nhưng sự bất lực của Facebook khi bảo vệ khối dữ liệu đó trước những kẻ tấn công, thậm chí để cho những kẻ bên ngoài lợi dụng để phát tán những thông tin tuyên truyền khiến cặp đôi Zuckerberg và Sandberg bị “việt vị”. Bị mờ mắt vì theo đuổi lợi nhuận, cả hai đã bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện từ sớm và sau cùng phải chạy theo để che giấu vấn đề của mình trước con mắt của công chúng.
Trong 3 năm sống còn của Facebook vừa qua, cả Zuckerberg và Sandberg đều không thể toàn tâm toàn ý quản lý Facebook, và chính sự chủ quan của họ đã khiến cho Facebook sa vào cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay.
Cuộc khủng hoảng của Facebook chính thức bắt đầu vào tháng 3/2018, khi việc Facebook làm rò rỉ thông tin người dùng được đưa lên mặt báo. Ngay lập tức, Facebook tìm cách che giấu vấn đề, đồng thời đẩy trách nhiệm sang người khác.
Khi chiến thuật đầu tiên thất bại, khiến giá cổ phiếu tụt dốc và tạo nên phong trào người dùng quay lưng với Facebook, họ quyết định tấn công.
Mark Zuckerberg đã dành cả năm qua để đi xin lỗi. Trong khi đó, người đứng sau ông là Sheryl Sandberg thì lo liệu cho chiến dịch vận động hành lang, nhằm phản bác lại những lời chỉ trích Facebook, lái cơn giận của dư luận tới những công ty cạnh tranh nhằm giữ lại thanh danh cho Facebook. Họ còn thuê một công ty chuyên nghiên cứu đối thủ nhằm hạ uy tín của những nhà hoạt động đang lên tiếng chống lại Facebook.
Cùng lúc đó ở Washington, những nhà làm luật có quan hệ với Facebook, bao gồm cả Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer, người lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, cũng vào cuộc để cứu Facebook.
Cuộc điều tra của New York Times đã phơi bày những chiến thuật mà bộ đôi Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg sử dụng để cứu Facebook khỏi cuộc khủng hoảng nói trên. New York Times đã thu thập thông tin từ hơn 50 nhân vật, trong đó có những nhân viên và cựu nhân viên của Facebook, các nhà làm luật, quan chức chính phủ và những chuyên gia vận động hành lang.
Cuộc khủng hoảng đã khiến nhiều lãnh đạo cấp cao của Facebook phải rời công ty, trong đó có ông Stamos. Tuy nhiên Zuckerberg và Sandberg vẫn đang giữ nguyên vị trí chủ chốt của họ. Cả năm qua, Zuckerberg, người nắm giữ 60% lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và từng trực tiếp tuyển dụng nhiều giám đốc Facebook, thường xuyên bị đặt câu hỏi: ông có nên rời khỏi chức giám đốc điều hành hay không.
Câu trả lời của Zuckerberg lần nào cũng như nhau, một cách rất chắc chắn: “Không”.
Mới chỉ ba năm trước, cách nhìn nhận của xã hội đối với bộ đôi lãnh đạo của Facebook là hoàn toàn khác. CEO Mark Zuckerberg được đánh giá cao về thành công của công ty, trong khi Sandberg trở thành một biểu tượng của nữ quyền sau khi xuất bản cuốn sách truyền cảm hứng “Lean In” (Dấn thân) năm 2013.
Giống như nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ khác, hai người đứng đầu Facebook muốn thể hiện mạng xã hội này sẽ đem lại những giá trị tích cực cho xã hội. Thậm chí trong những tài liệu kinh doanh, Facebook cũng luôn đưa vào tôn chỉ “làm thế giới rộng mở và kết nối hơn”.
Nhưng Facebook ngày càng lớn mạnh thì càng bị sử dụng cho những mục tiêu sai lệch. Những bài viết phân biệt chủng tộc, gây hấn trở nên tràn lan. Khi những nhà hoạt động và nghiên cứu ở Myanmar, Ấn Độ và Đức lên tiếng về tình trạng này, Facebook gần như ngó lơ. Họ tự cho rằng mình chỉ là một nền tảng để người dùng đăng tải nội dung, chứ không phải một nhà xuất bản.
Bằng định hướng như vậy, Facebook tự miễn trừ trách nhiệm quản lý hay hạn chế đối với những nội dung mà người dùng đăng tải, bởi làm việc đó rất tốn kém và phức tạp. Nhiều giám đốc của Facebook cho rằng cách làm này sẽ khiến Facebook phải trả giá.
Và rồi tỷ phú Donald J. Trump tranh cử Tổng thống Mỹ.
Trong quá trình tranh cử, ông nhiều lần mô tả những người nhập cư và tị nạn Hồi giáo là một mối nguy với nước Mỹ. Tháng 12/2015, ông đăng một bài viết trên Facebook kêu gọi “cấm hoàn toàn” việc cho người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ. Bài viết này, tuy bị các thành viên đảng Dân chủ và cả đảng Cộng hòa chỉ trích, đã thu hút tới 15.000 lượt chia sẻ trên Facebook. Đây chính là một ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng của nền tảng đối với các nội dung phân biệt, gây hấn.
Mark Zuckerberg không hề thích hành động này. Trước đó, ông đã giúp thành lập một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người nhập cư. Zuckerberg hỏi ý kiến của Sandberg và nhiều lãnh đạo khác của Facebook xem ông Trump có vi phạm chính sách nào của Facebook hay không.
Đây không phải là một câu hỏi mà Zuckerberg thường đặt ra. Chính trị là mảng do bà Sandberg phụ trách, còn Zuckerberg thường chỉ quan tâm đến những vấn đề về kỹ thuật. Bà Sandberg có nhiều mối quan hệ về chính trị. Bà từng làm trợ lý nội các của Thổng thống Bill Clinton. Sandberg là người chọn ông Marne Levine, vốn làm cùng bà từ thời Clinton, làm đại diện của Facebook tại Washington năm 2010. Một năm sau, khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, bà Sandberg lại tìm được một người bạn khác trong đảng Cộng hòa làm đại diện: Joel Kaplan.
Bà Sandberg và hai người bạn đã có những cuộc trao đổi để tìm câu trả lời. Họ đã soi xét thật kỹ điều khoản sử dụng của Facebook, nhưng ông Kaplan cho rằng ông Trump là một nhân vật nổi tiếng, nên khóa tài khoản của ông có thể khiến nhiều người phản ứng, thậm chí là khiến phe bảo thủ nổi giận.
“Đừng đụng vào con gấu”, ông Kaplan cảnh báo.
Zuckerberg không hề tham gia vào những cuộc thảo luận. Bà Sandberg cũng gần như không góp ý kiến trong những cuộc họp.
Sau cùng, Facebook kết luận những ngôn ngữ mà ông Trump dùng đến không vi phạm các chính sách của Facebook.
“Chúng tôi đã ra quyết định dựa trên những bằng chứng cả về luật pháp và kỹ thuật mà chúng tôi có”, ông Elliot Schrage, lúc đó là phó chủ tịch về truyền thông toàn cầu của Facebook nói trong một bài phỏng vấn.
Những bài viết của ông Trump vẫn được giữ nguyên trên Facebook. Chỉ một năm sau, ông trở thành Tổng thống Mỹ, đồng thời đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số trong quốc hội Mỹ. Lúc này, Facebook lại phải đề ra một kế hoạch mới. Họ tuyển dụng một người có quan hệ với Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Trump, Jeff Sessions, cũng như tìm kiếm các công ty vận động hành lang để tạo mối quan hệ với những nhà làm luật của đảng Cộng hòa.
Nhưng trong lòng nội bộ Facebook, những rắc rối mới lại bắt đầu xuất hiện, như những ngọn lửa đang âm ỉ.
Những tháng cuối cùng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, các điệp viên Nga đã bắt đầu quấy rối đối thủ đảng Dân chủ của ông. Việc này nằm trong kế hoạch phá hoại bầu cử Mỹ được các điệp viên Nga thực hiện trong suốt một năm trời. Đỉnh điểm của kế hoạch này là việc phát tán hàng ngàn email đánh cắp từ các thành viên nổi tiếng của đảng Dân chủ.
Facebook không công bố bất kỳ thông tin nào về vấn đề này trên nền tảng của mình. Vào mùa xuân năm 2016, một chuyên gia về các vụ tấn công mạng của Nga đã phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng này. Người này đã báo ngay với Stamos về vụ việc trên.
Nhóm nghiên cứu của Stamos phát hiện các tin tặc Nga dường như đã do thám các tài khoản Facebook những người liên quan đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Vài tháng sau đó, khi ông Trump bắt đầu chiến đấu với bà Hillary Clinton trong cuộc tổng tuyển cử, nhóm nghiên cứu của Stamos đã tìm thấy các tài khoản Facebook bị nghi là của tin tặc Nga. Những người này liên tục nhắn tin cho các nhà báo để chia sẻ thông tin từ các mail họ ăn cắp được.
Alex Stamos, 39 tuổi, cựu Giám đốc bảo mật của Facebook nói với Colin Stretch – luật sư trưởng của Facebook về những phát hiện này. Vào lúc đó, Facebook không có chính sách về thông tin không chính thống hay bất cứ nỗ lực triệt để nào nhằm tìm ra sự thật về các điệp viên Nga.
Theo NY Times, Alex Stamos đã phải hành động một mình. Sau đó ông chỉ đạo thêm một nhóm nghiên cứu để xem xét tầm ảnh hưởng của Nga với Facebook.
Vào tháng 12/2016, sau khi Zuckerberg công khai chế giễu ý tưởng rằng tin tức giả mạo trên Facebook đã giúp ông Trump đắc cử, Stamos đã cảnh báo vị CEO này. Dường như Zuckerberg không biết gì về nghiên cứu của ông. Stamos phải gặp Zuckerberg và Sandberg và các nhà lãnh đạo Facebook khác để thông báo về điều tra riêng của ông.
Đáp trả lại nhiệt huyết của Stamos là sự tức giận của Sheryl Sandberg, nữ COO quyền lực của Facebook. Bà Sandberg không thừa nhận việc Nga đã lợi dụng Facebook để làm những việc đó. Trong khi đó, các quản lý khác của Facebook lại hỏi Stamos vì sao không cho họ biết vấn đề này sớm hơn.
Để giải quyết những thông báo nghiêm trọng về Nga của Stamos, Sandberg quyết định mở thêm cho ông một dự án khác có tên “Project P”. “P” viết tắt cho “propaganda” (tuyên truyền). Dự án này tập trung tìm kiếm các tin tức giả mạo trên mạng. Tháng 1/2017, các thành viên của “P” nhận ra sự thật: Stamos mới chỉ phát hiện một phần rất nhỏ những gì mà Nga đã can thiệp. Nhóm “P” đề xuất phải đưa ra một thông báo chính thức về vấn đề này.
Nhưng ông Kaplan và nhiều lãnh đạo Facebook lại phản đối việc công bố. Washington đã thật sự chao đảo sau khi phát hiện chính thức của cơ quan tình báo Mỹ rằng chính ông Vladimir V. Putin, tổng thống Nga đích thân mở một chiến dịch gây ảnh hưởng lên kết quả bầu cử của Mỹ.
“Nếu Facebook tiếp tục vướng vào thông tin liên quan đến Nga, đảng Cộng Hòa sẽ cáo buộc công ty đang cố tình đứng về phía đảng Dân chủ”, ông Kaplan nói. Và nếu Facebook xóa các trang giả mạo của Nga, mạng xã hội này sẽ đón nhận làn sóng tẩy chay từ người dùng vì cho rằng mình bị phản bội. Chính mẹ vợ của Kaplan cũng đang xem một trang giả mạo đứng sau bởi Nga.
COO Facebook cũng ủng hộ quan điểm này.
Mark Zuckerberg dành phần lớn thời gian của năm 2017 để thực hiện những chuyến đi lắng nghe ý kiến người dùng quanh nước Mỹ. Ông cho bò ăn ở Wisconsin, ăn tối với người tị nạn Somali ở Minnesota, và không hề tham gia hoạt động chuẩn bị cho văn bản trên. Khi nó được xuất bản vào tháng 4, từ “nước Nga” không hề xuất hiện.
Những bạn bè của bà Sandberg cũng thực hiện một chiến lược tương tự tại Washington, khi mà Thượng viện thực hiện một cuộc điều tra riêng. Trong cả mùa xuân và hè năm 2017, Facebook liên tục né tránh những câu hỏi của các thành viên điều tra, trong khi lên mặt báo và khẳng định không hề có những sự can thiệp từ Nga.
Nhưng ở bên trong công ty, những nhân viên đã tìm được manh mối của các loại quảng cáo, trang và nhóm có nguồn gốc từ Nga. Vào tháng 6/2017, một phóng viên đã cung cấp cho Facebook danh sách những tài khoản có thể mối liên hệ với Nga. Vào tháng 8, những lãnh đạo của Facebook đã tìm đủ bằng chứng để kết luận đây sẽ là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng.
Ông Zuckerberg và bà Sandberg đồng ý công bố một số kết quả của họ, và đã đặt ra kế hoạch sẽ đăng tải một bài viết vào ngày 6/9/2017, sau cuộc họp hàng quý với thành viên hội đồng quản trị.
Dù vậy, sau khi Stamos hoàn thành bài viết, bà Sandberg đã yêu cầu ông phải chỉnh sửa lại và cắt bớt chi tiết. Stamos và Stretch cũng được yêu cầu phải giải thích trước về vấn đề này cho ủy ban kiểm toán của Facebook.
Trong cuộc nói chuyện, hai nhân vật trên đã tiết lộ quá nhiều thông tin về vụ việc, thậm chí còn đưa ra cảnh báo sự việc chưa dừng lại ở đó. Thông tin này khiến ông Erskine Bowles, người đứng đầu ủy ban kiểm toán tức giận. Là một người có nhiều kinh nghiệm tại Washington, ông có thể đoán được những nhà chính trị sẽ phản ứng như thế nào. Bowles chửi mắng Stamos và Stretch, đòi hỏi được biết tại sao Facebook lại phản ứng chậm chạp như vậy.
Trong cuộc họp của hội đồng quản trị hôm đó, câu hỏi lại được đặt ra. Bà Sandberg phải xin lỗi với thái độ ngượng ngùng. Zuckerberg thì lúng túng những câu giải thích về mặt kỹ thuật.
Vào buổi tối, bài viết được đăng tải lên blog của Facebook. Bài viết này gần như không đề cập đến những tài khoản giả mạo hay các bài viết do Nga tạo ra, mà chỉ tiết lộ những tài khoản liên quan đã chỉ khoảng 100.000 USD cho 3000 quảng cáo, một con số khá nhỏ.
Nhưng chỉ một ngày sau, NY Times đăng tải một bài phóng sự điều tra, đi sâu vào cách nước Nga đã sử dụng các tài khoản giả mạo để tung tin về email mật của đảng Dân chủ và nhiều nhân vật chính trị khác.
Đây chính là bước ngoặt thay đổi cách nhìn nhận của những nhà làm luật với các công ty công nghệ. Những công bố của Facebook khiến cho các nhà chính trị thuộc đảng Dân chủ nổi giận. Vốn có mối quan hệ tốt đẹp với thung lũng Silicon do đồng quan điểm về người nhập cư và đồng tính, giờ đây các nhà làm luật của đảng Dân chủ lại đổ chiến thắng của ông Trump cho Facebook.
Cùng lúc đó, những người thuộc đảng Cộng hoà, vốn đã có lo ngại về việc Facebook hạn chế những góc nhìn bảo thủ, kết luận Facebook đang đổ dầu vào mồi lửa là thuyết âm mưu liên hệ Tổng thống Trump với Nga.
Sau nhiều tuần trì hoãn, cuối cùng Facebook cũng đồng ý giao bằng chứng là những bài viết từ Nga cho Quốc hội Mỹ. Trong tháng 10/2017, Facebook đã phải sửa đổi thông báo của họ hai lần, và cuối cùng thừa nhận đã có khoảng 126 triệu người xem được các bài viết của Nga.
Cũng trong tháng 10, hai nghị sĩ của bang Minnesota đề xuất một dự luật để yêu cầu Facebook và những công ty Internet khác tiết lộ những ai đã mua quảng cáo mang tính chính trị.
“Đã đến lúc Facebook cho chúng ta biết những quảng cáo được người Nga mua, bằng đồng Ruble, trong chiến dịch tranh cử vừa qua", bà Klobuchar, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ viết trên Facebook.
Facebook không muốn chịu trận. Vài ngày sau khi dự luật được đề xuất, Facebook đã thuê một chuyên gia về vận động hành lang. Bà Sandberg thì liên hệ trực tiếp với bà Klobuchar, sử dụng mối quan hệ giữa hai người từ trước để nói chuyện. Sau một giai đoạn căng thẳng, liên tục nói tiêu cực về Facebook, bà Klobuchar đã không nhắc tới Facebook trong khoảng thời gian 3 tháng.
Cùng lúc đó, Facebook ký thêm thoả thuận với một công ty tư vấn ở Washington, Definers Public Affairs. Trước đó, Definers đã cung cấp dịch vụ theo dõi truyền thông, phản ứng của báo chí cho Facebook. Tuy nhiên chuyên môn của công ty này là vận dụng những chiến thuật mang tính chính trị cho công tác truyền thông của các công ty.
Tim Miller, một vị lãnh đạo của Definers, cho rằng một công ty công nghệ cần phải “cho thấy được các thông tin tích cực của công ty mình, đồng thời đưa ra các thông tin tiêu cực về đối thủ". Facebook nhanh chóng vận dụng chiến thuật này.
Chỉ một tháng sau, cơ hội đến với Facebook khi Quốc hội Mỹ bàn về Đạo luật phòng chống buôn nô lệ tình dục, nhằm bắt các công ty công nghệ phải có trách nhiệm với các quảng cáo buôn người trên website của họ. Google và những công ty khác đã lên tiếng phản đối đạo luật này trong thời gian dài, nhưng Facebook cố tình tạo ra khác biệt.
Khi đạo luật được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện vào tháng 2/2018, bà Sandberg đã lên tiếng ủng hộ, khuyến khích Quốc hội Mỹ “đảm bảo chúng ta có thể đưa ra một đạo luật mạnh mẽ nhằm chống lại nạn buôn người làm nô lệ tình dục".
Vào tháng 3/2018, NY Times, Observer of London và Guardian đã hoàn tất phóng sự điều tra chung của ba tờ báo và sẵn sàng xuất bản thông tin về vụ Cambridge Analytica. Vài ngày trước khi báo lên bài, NY Times gửi cho Facebook những bằng chứng cho thấy dữ liệu người dùng vẫn đang bị lợi dụng, mặc dù những lãnh đạo của công ty Cambridge Analytica cho biết đã xoá dữ liệu.
Nhận được thông tin này, Zuckerberg và Sandberg quyết định họ sẽ công bố trước khi các báo đưa tin. Họ đưa ra thông báo là đã xoá vai trò của Cambridge Analytica, với hi vọng cộng đồng sẽ không phản ứng quá tiêu cực khi những bài báo được xuất bản.
Họ đã nhầm. Các bài báo điều tra vẫn đem lại một sự phẫn nộ trên toàn cầu, đồng thời dẫn tới những cuộc điều tra Facebook từ Washington, London và Brussels. Hai vị lãnh đạo của Facebook trốn tránh nhiều ngày liền. Lần này, họ không còn nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Cộng hoà và Dân chủ. Những công ty công nghệ khác thì nhanh chóng lên tiếng để tách biệt với Facebook, nhằm bảo vệ thương hiệu của mình.
“Chúng tôi sẽ không buôn bán cuộc sống riêng tư của các bạn", CEO Tim Cook của Apple nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC. “Với chúng tôi, sự riêng tư là một quyền của con người. Đó là một sự tự do mà mọi công dân cần được hưởng".
Bài phát biểu này sau đó khiến Zuckerberg tức điên, và ông đã yêu cầu mọi lãnh đạo cấp cao của Facebook chỉ được dùng điện thoại Android.
Để ổn định tình hình nội bộ, Facebook đưa ra chiến dịch truyền thông “We Get It", nhằm trấn an những nhân viên của mình. Đồng thời, họ cũng triển khai những kế hoạch tấn công các đối thủ.
Hàng loạt bài viết chỉ trích Google và Apple về mô hình hoạt động được đăng tải trên trang thông tin mang tính bảo thủ NTK Network. Một bài viết thậm chí còn cho rằng Tim Cook đã hành động kiểu hai mặt khi chỉ trích Facebook về vấn đề quyền riêng tư, bởi Apple cũng thu thập dữ liệu người dùng. Một bài viết khác thì nói giảm về vai trò của người Nga trên Facebook trong vụ bầu cử trước.
NTK chính là một trang tin trong mạng lưới của Definers. Nhiều bài viết trên trang web này được thực hiện bởi bộ phận chuyên nghiên cứu đối thủ tại công ty. Mặc dù NTK Network không phải là một trang web với lượng người xem lớn, nhiều trang tin bảo thủ khác như Breitbart cũng đã dẫn lại những bài viết này.
Ông Miller, lãnh đạo của Definers biết rõ Facebook và Apple không phải những đối thủ trực tiếp. Ông cho biết những bài viết của NTK về Apple là thực hiện dưới sự yêu cầu của một công ty khác, nhưng Facebook cũng phản ứng với Apple một phần vì những lời bình luận của Tim Cook.
Sau khi bài viết được NY Times đăng tải, Facebook cho biết họ đã chấm dứt làm ăn với Definers, nhưng không hề nêu nguyên do.
Trước truyền thông, Zuckerberg dần tỏ ra cởi mở. Ông đồng ý có mặt tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Facebook cũng mở một chiến dịch quảng cáo để xin lỗi người dùng. Vài ngày trước khi Zuckerberg có mặt tại Quốc hội Mỹ, Facebook cho biết họ sẽ ủng hộ Đạo luật trung thực của bà Klobuchar, và sẽ sớm công bố những người mua quảng cáo chính trị, cũng như cho người dùng biết họ có bị ảnh hưởng trong vụ Cambridge Analytica hay không.
Hành trình xin lỗi của Zuckerberg không thật suôn sẻ. Ông đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng về những nội dung cần trả lời, thái độ khi trả lời, và thực tế là đã “sống sót" qua những câu hỏi của các nghị sĩ. Tuy nhiên thái độ của Zuckerberg nhiều lúc được nhận xét là vô cảm, giống robot.
Zuckerberg cũng không có được sự nhạy cảm chính trị. Trong một phiên nghỉ, ông bày tỏ sự thất vọng vì những nghị sĩ đảng Dân chủ đã tấn công Facebook quá nhiều. Greg Walden, một nghị sĩ đảng Cộng hoà và là người đứng đầu Uỷ ban năng lượng và thương mại của Hạ viện, đã rất kinh ngạc khi nghe được nhận xét đó. Ông Walden cho rằng Mark Zuckerberg chưa hề nhận ra quy mô của sự việc, nên không thể hiểu được vì sao thái độ đối với Facebook lại thay đổi nhanh như vậy.
Bà Sandberg hầu như không lên tiếng về các rắc rối của công ty trên truyền thông. Nhưng bên trong công ty, cách làm của bà cũng đang khiến nhiều người bất mãn.
Một vài đồng nghiệp cho rằng bà Sandberg đang cố gắng bảo vệ danh tiếng của bà thay vì Facebook. Dù vậy, Sandberg thay đổi thái độ khi những người bạn góp ý rằng di sản của bà sẽ phụ thuộc vào tình trạng của Facebook sau bê bối này.
Sandberg có những tố chất và mối quan hệ mà Zuckerberg không có. Bà không chỉ có quan hệ với nhiều nhà chính trị ở đảng Dân chủ, mà còn tìm kiếm cách làm hài lòng nhiều nhân vật của đảng Cộng hoà. Sandberg thường xuyên có những chuyến thăm tới thủ đô Washington, đôi khi mang theo một phái đoàn tới 10 người. Bà luôn cố gắng gặp riêng những nhà làm luật để cảm ơn.
Từ đầu đến cuối, bà Sandberg luôn nêu ra quan điểm những rắc rối của Facebook là do công ty phát triển quá nhanh nên chưa thích nghi kịp, chứ không phải là do công ty chủ quan, không thèm quan tâm đến những mối nguy hiểm.
Đứng trước những đạo luật kiểm soát mới mà Quốc hội Mỹ đang thảo luận, bà cho rằng Facebook đang tự điều chỉnh và đưa ra những chính sách mới. Các đạo luật kiểm soát quá gay gắt, theo bà Sandberg, sẽ chỉ khiến những công ty nhỏ hơn gặp khó khăn.
Sự xuất hiện liên tục của bà Sandberg rõ ràng là có tác dụng. Thông thường các công ty sẽ cử những lãnh đạo cấp dưới tới các sự kiện gặp mặt, nhưng bà Sandberg là nhân vật thứ hai của Facebook. Sự có mặt của bà cho thấy Facebook đang rất nghiêm túc khắc phục hậu quả.
Cùng lúc đó, Facebook cũng tìm cách đẩy trách nhiệm cho những đối thủ. Trong những cuộc gặp mặt, đại diện của Facebook thường lôi những công ty khác vào cuộc tranh luận. Google và công ty con YouTube, cùng nhiều mạng xã hội khác, đều đã được nhắc đến.
Facebook đã hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích. Đã đến lúc họ phản công.
Vào tháng 7/2018, một nhóm có tên Freedom from Facebook xông vào phiên họp của Hạ viện, giơ một tấm hình con bạch tuộc 2 đầu, chính là khuôn mặt của Zuckerberg và Sandberg.
Facebook lập tức lên tiếng chỉ trích vụ việc. Hai lãnh đạo của công ty đều là những người gốc Do Thái, và bức hình của Freedom from Facebook được coi là một hành động bài Do Thái. A.D.L, một tổ chức chiến đấu vì quyền của người Do Thái vào cuộc, cho rằng bức ảnh là một hành động hoàn toàn sai so với mục đích phản đối Facebook. Thông điệp này cũng được nhiều báo có chiều hướng bảo thủ nhắc lại.
Facebook còn phải đối mặt với một đối thủ lớn khác: George Soros. Ông Soros đã nhiều lần lên tiếng phản đối Facebook và Google, gọi hai công ty này là những mối nguy hại có khả năng tạo ra những hậu quả cho xã hội mà họ không thể khắc phục.
Definers gợi ý những phóng viên điều tra về các mối liên hệ tài chính giữa gia đình và các tổ chức từ thiện của ông Soros với thành viên của Freedom from Facebook. Không chỉ dừng lại ở Soros, Definers còn điều tra rất nhiều nhân vật khác đã từng lên tiếng chỉ trích Facebook như cặp đôi blogger Diamond and Silk.
Ở nghị trường, họ nhận được sự hỗ trợ từ Thượng Nghị sĩ Schumer của New York. Ông Schumer đã nhiều năm hỗ trợ các công ty từ Silicon Valley. Kỳ bầu cử 2016, ông Schumer là người vận động được số tiền lớn nhất từ các nhân viên Facebook so với các nghị sĩ khác. Con gái của ông là một nhân viên tại văn phòng Facebook ở New York.
Trong một cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Mark Warner, người lên tiếng chỉ trích Facebook nhiều nhất ở Thượng viện Mỹ, ông Schumer nói thẳng. Ông Schumer cho rằng việc làm của ông Warner sẽ chỉ làm hại Facebook chứ không làm công ty này tốt lên. Các quan điểm bảo vệ của ông Schumer được những nhà vận động hành lang của Facebook nắm bắt rất nhanh.
Vào một ngày cuối hè 2018, những công nhân bắt đầu dán giấy mờ vào các cửa sổ trong phòng họp của Facebook tại Washington. Không lâu sau, bắt đầu có nhân viên bảo vệ đứng phía ngoài phòng họp. Đây là những hình ảnh hoàn toàn xa lạ tại Facebook: từ trước tới nay, công ty luôn sử dụng những văn phòng mở, các phòng họp có kính trong suốt.
Nhưng căn phòng chiến tranh đó chính là nơi bà Sandberg chuẩn bị cho cuộc xuất hiện trước Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ. Đây là một thời khắc rất quan trọng của cả công ty, và bà không muốn có bất kỳ rủi ro nào.
Bên trong căn phòng, một cuốn sách được chuẩn bị sẵn cho bà Sandberg. Trong cuốn sách là tất cả những câu hỏi mà mọi người nghĩ rằng bà có thể gặp phải. Một luật sư từng làm việc tại Nhà Trắng được thuê về để hướng dẫn bà từng bước, từng câu hỏi.
Trước đó, những nhà vận động hành lang của Facebook đã liên tục gây sức ép với Ủy ban Tình báo, yêu cầu họ không đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư, Cambridge Analytica và xét duyệt nội dung cho bà Sandberg. Những nỗ lực này đã đem tới kết quả. Thượng nghị sĩ Richard Burr, người đứng đầu cuộc điều tra của Thượng viện đã nhắc nhở các thành viên chỉ hỏi những câu liên quan đến vụ can thiệp bầu cử.
Ngày hôm sau, có một chiếc ghế trống trong phòng họp. Phía trên ghế là bảng tên “Google”. Facebook đã vận động để những kéo những nhà lãnh đạo của các công ty khác phải có mặt cùng với bà Sandberg. Ủy ban Tình báo đã mời thêm Larry Page, nhà đồng sáng lập của Google cùng Jark Dorsey, Tổng giám đốc của Twitter tới cuộc điều trần.
Ông Dorsey có mặt, nhưng Page thì không.
Sau cuộc điều trần, những thượng nghị sĩ tỏ ra rất giận dữ với sự vắng mặt của đại diện Google. Truyền thông cũng không bỏ lỡ thời cơ chỉ trích Larry Page.
Trên bàn của bà Sandberg, một quyển sổ tay với rất nhiều chi tiết được bày ra trước mặt bà. Bên trong sổ là tên của tất cả các thượng nghị sĩ trong Ủy ban Tình báo, những câu hỏi và mối quan tâm của họ, và một lời nhắc nhớ cảm ơn.
Nổi bật nhất trên trang giấy là ba từ khẩu quyết để bà Sandberg luôn nhớ:
“Chậm rãi, dừng lại, kiên định”.