Theo South China Morning Post, nỗi lo ngại của các nhà sản xuất vừa và nhỏ tại Trung Quốc tăng mạnh trước sự bùng phát của dịch virus corona. Nhiều doanh nghiệp lo phá sản nếu tình hình không được kiểm soát sớm.
Lo ngại dâng cao tại các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động, sau khi chính quyền địa phương hạn chế tụ tập đông người để ngăn ngừa virus chết người lây lan.
Chỉ cầm cự được 2, 3 tháng
Nếu đợt bùng phát không được kiểm soát vào tháng 3 hoặc tháng 4 - thời điểm nhiều khách hàng nước ngoài đặt hàng trước - một số công ty Trung Quốc cân nhắc về việc chuyển sang các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc, đẩy nhanh hoạt động sản xuất sang các cơ sở thay thế, nhất là ở Đông Nam Á.
“Các khách hàng nước ngoài chắc chắn sẽ chờ đợi và xem xét tình hình dịch bệnh, họ có thể đặt hàng ở các khu vực khác thay thế Trung Quốc”, South China Morning Post dẫn lời Tom Wang, chủ một nhà máy giày dép ở thành phố Đông Quan (Quảng Đông, Trung Quốc).
Các cửa hiệu, nhà hàng nhỏ và các công ty hậu cần địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi chính phủ Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh. Một số cho biết họ chỉ có thể cầm cự trong 2 hoặc 3 tháng trước khi phá sản.
Virus Vũ Hán lây lan nhanh chóng đã giết chết ít nhất 361 người và lây nhiễm cho hơn 17.000 trường hợp ở Trung Quốc đại lục. Chính phủ Bắc Kinh buộc phải đóng cửa các nhà máy, trung tâm thương mại và các điểm du lịch, đồng thời hạn chế vận chuyển. Một số chính quyền địa phương yêu cầu các công ty kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đến sau ngày 10/2.
Các hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngưng trệ vì virus corona. Ảnh: Getty Images. |
Tại tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất của Trung Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang vật lộn với chi phí tăng cao và hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Giờ đây, họ đứng trước bờ vực phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục hoành hành.
“Số lượng công nhân trở lại làm việc ở các nhà máy tại Đông Quan chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong vài tháng tới, đi cùng với đó là sự ngưng trệ của các hoạt động hậu cầu và chuỗi cung ứng”, ông Wang nhận định.
“Trong quý đầu tiên, việc đơn hàng sụt giảm là điều chắc chắn. Hơn nữa đa phần các nhà máy ở Đông Quan đều sử dụng nhiều lao động. Chúng tôi rất lo ngại sự lây nhiễm sẽ xảy ra bên trong nhà máy của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không dám nhận bất cứ đơn đặt hàng lớn nào trong quý đầu tiên”, ông này nói thêm.
Đòn chí mạng
Dịch virus corona đã được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Ông Wang nhận định tác động của virus Vũ Hán sẽ lớn hơn nhiều so với dịch SARS năm 2002 - 2003 đối với các nhà máy vừa và nhỏ tại Trung Quốc.
“Trung Quốc đã gia nhập WTO từ tháng 12/2001, vì vậy có rất nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng chuỗi cung ứng đã bắt đầu thay đổi trong vài năm qua vì chiến tranh thương mại. Dịch bệnh chắc chắn sẽ tạo động lực để các nhà máy chuyển đổi”, ông Wang bình luận.
Theo Liu Kaiming, Chủ tịch Viện Contemporary Observation, nỗi bất an do virus corona gây nên có thể là đòn chí mạng đối với nhiều công ty sản xuất.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 2, tác động đến ngành sản xuất có thể được kiểm soát. Nhưng nếu đến tháng 3, virus vẫn chưa được kiểm soát, họ có khả năng chuyển sang đặt hàng ở các nước khác”, ông Liu cho biết.
Theo ông Liu, các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến và những doanh nghiệp cấp thấp, sử dụng nhiều lao động đều bị ảnh hưởng. Dịch bệnh bùng phát dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng đơn hàng và gây nên tình trạng thiếu tiền mặt cho cả các công ty sản xuất công nghệ cao và truyền thống.
Dịch virus corona được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Chuyển sản xuất sang nước ngoài
Jason Liang - giám đốc bán hàng tại một nhà xuất khẩu sản phẩm chiếu sáng LED có trụ sở ở Quảng Đông - cho biết công ty ông đã chuyển sản xuất một số sản phẩm ra nước ngoài. Ông Jason dự đoán các công ty khác cũng sẽ sớm làm theo.
“May mắn là chúng tôi đã đầu tư vào một nhà máy ở Thái Lan vào năm ngoái và đi vào sản xuất từ tháng 1. Theo tôi, dịch virus corona sẽ thúc đẩy chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc”, South China Morning Post dẫn lời ông Jason tiết lộ.
Theo tờ Nikkei, Ftech - một nhà cung cấp của Honda tại Trung Quốc - đang lên kế hoạch chuyển sản xuất bàn đạp phanh từ Vũ Hán sang Philippines. Tờ này dự đoán các công ty khác sẽ có động thái giống Ftech nếu virus corona tiếp tục lây lan.
Honda có 3 cơ sở sản xuất tại Vũ Hán. Cả ba đều đóng cửa đến ngày 10/2. Vũ Hán là một trung tâm hậu cần lớn với nhiều nhà sản xuất ôtô trong nước và nước ngoài.
“Chính quyền Quảng Đông cần hành động để trợ giúp các công ty vừa và nhỏ”, Peng Peng, Phó Chủ tịch Guangdong System Reform Research Society, nhận định.
“Phản ứng của các khách hàng quốc tế mang tính tâm lý. Khách hàng nước ngoài không thể phân biệt giữa hàng hóa Trung Quốc được sản xuất tại Vũ Hán và hàng hóa được sản xuất ở những nơi khác. Do đó, mọi sản phẩm Trung Quốc đều sẽ bị trì hoãn hoặc cắt giảm trong thời gian ngắn”, ông Peng nói thêm.
Các công ty vừa và nhỏ ở Trung Quốc khó có thể kéo dài hoạt động quá 2 tháng trong điều kiện hiện tại.
Hơn 20.000 nhân viên của Xibei, một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc, đã không thể làm việc vì sự bùng phát dịch bệnh.
Hơn 400 cửa hàng cửa Xibei trên 60 thành phố khắp Trung Quốc đều bị đóng cửa, khiến doanh thu sụt giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hàng tháng, chúng tôi vẫn phải trả 156 triệu NDT (22,3 triệu USD) cho nhân viên. Dòng tiền của chúng tôi chỉ có thể duy trì khoản chi này trong vòng 3 tháng. Nếu tình hình không tiến triển, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài sa thải nhân viên”, ông Jia, Chủ tịch Jia Guolong, thừa nhận.
“Tiền thuê nhà, công nhân, an ninh xã hội, các khoản phí, chi phí hoạt động vẫn không thay đổi. Chúng là sự kìm hãm lớn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi”, ông Wang, chủ nhà máy giày dép, phàn nàn.